Mắt đổ ghèn sau sinh ở trẻ có nguy hiểm không?

Mắt đổ ghèn sau sinh là một tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh, tuy nhiên không phải cha mẹ nào cũng biết cách xử lý. Hãy cùng Nhà Thuốc Hà An tìm hiểu bài viết dưới đây để có cách khắc phục tình trạng mắt đổ ghèn sau sinh ở trẻ nhé.

Biểu hiện mắt đổ ghèn sau sinh ở trẻ

Ghèn mắt (hay còn được gọi là gỉ mắt) là kết quả của quá trình tiết dịch sinh lý bình thường nhằm đảm bảo mắt không bị khô. Vì thế việc có một lượng nhỏ ghèn mắt vào mỗi buổi sáng là hết sức bình thường và không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu lượng ghèn tiết ra nhiều, ảnh hưởng đến thị lực hay ghèn mắt có màu sắc lạ gây khó chịu thì cần được lưu ý. 

Đối với tình trạng ghèn mắt ở trẻ sơ sinh, ba mẹ cần hết sức quan tâm đến từng thay đổi của trẻ dù là nhỏ nhất. Sau khi sinh 1 - 2 ngày, nhiều trẻ có tình trạng mắt đổ ghèn vàng kèm theo chảy nước mắt, khiến hai mi mắt bị dính chặt lại, trẻ không mở được mắt. Khi trẻ gặp tình trạng mắt đổ ghèn sau sinh ba mẹ cần bình tĩnh và tìm ra nguyên nhân cũng như cách điều trị kịp thời.

Mắt đổ ghèn sau sinh ở trẻ có nguy hiểm không? 1 Mắt trẻ bị dính chặt, khiến bé khó chịu, quấy khóc

Vì sao trẻ bị mắt đổ ghèn sau sinh?

  • Máu và dịch ối chảy vào mắt trẻ khi sinh: Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của hiện tượng mắt đổ ghèn sau sinh là trong quá trình mẹ sinh bé, mắt trẻ tiếp xúc với dịch ối hoặc máu của mẹ thì sau khi sinh dễ bị ghèn mắt.
  • Trẻ sơ sinh bị viêm kết mạc do vi khuẩn: Nếu như mắt trẻ ra nhiều ghèn kèm theo mủ thì khả năng cao trẻ đang bị viêm kết mạc do vi khuẩn tích tụ trong mắt.
  • Trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ: Theo một số khảo sát, có tới 10% trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ. Việc xuất hiện một lớp màng mỏng che lấp đường của ống lệ đạo trong mũi là nguyên nhân của việc này. Lớp màng này làm cho nước mắt không thể lưu thông xuống mũi được. Nếu bố mẹ thấy trẻ chảy nước mắt ngay cả khi đang hoạt động bình thường, không quấy khóc gì thì có thể trẻ đang bị ghèn do tắc tuyến lệ. Mắt trẻ có thể bị đỏ ngầu do viêm, nghiêm trọng hơn thì có thể bị nhiễm trùng và hình thành mủ.
  • Tay bẩn chạm vào mắt: Cùng với sự nghịch ngợm của trẻ thì tay trẻ thường xuyên ở trong tình trạng bẩn. Nếu tay bẩn của trẻ chạm vào mắt có thể đưa bụi bẩn, vi khuẩn vào trong mắt của trẻ làm trẻ bị ghèn mắt, nhiễm trùng mắt.
  • Có vật lạ rơi vào mắt trẻ: Hạt cát hay bụi bẩn ở môi trường rơi vào mắt trẻ sẽ kích hoạt cơ chết bảo vệ của mắt, tạo ra ghèn.
  • Mẹ vệ sinh mắt cho trẻ chưa đúng cách: Việc vệ sinh mắt kém có thể dẫn đến ghèn mắt ở trẻ.
  • Trẻ bị đau mắt đỏ: Việc bé có nhiều ghèn mắt có thể do bé đang bị đau mắt đỏ. Lúc này mắt bé có thể bị đỏ một bên hoặc cả 2 bên, đổ nhiều ghèn. Bé có thể bị lây từ người thân trong gia đình hoặc những người xung quanh mà đang bị bệnh.
  • Trẻ bị nhiễm khuẩn chlamydia: Khuẩn chlamydia là một vi khuẩn lây qua đường tình dục hoặc lây từ mẹ sang con. Việc tra thuốc mỡ hoặc nhỏ thuốc nhỏ mắt cho trẻ sau sinh khoảng một giờ giúp ngăn ngừa biến chứng do nhiễm khuẩn. Chlamydia có thể khiến mắt trẻ đổ ghèn và dễ bị viêm kết mạc.
Mắt đổ ghèn sau sinh ở trẻ có nguy hiểm không? 2 Tắc tuyến lệ ở trẻ, một nguyên nhân thường thấy của mắt đổ ghèn sau sinh

Mắt đổ ghèn sau sinh ở trẻ không phải là một hiện tượng hiếm gặp. Hiện tượng này có thể tự khỏi và không để lại bất kỳ di chứng gì. Tuy nhiên, không vì thế mà các bậc phụ huynh có thể xem nhẹ việc bé mắc hiện tượng này. Bố mẹ cần hết sức lưu ý, phát hiện kịp thời để trẻ không phải chịu các di chứng về sau.

Cách chăm sóc trẻ bị mắt đổ ghèn sau sinh

Tùy từng nguyên nhân làm mắt đổ ghèn sau sinh ở trẻ mà ba mẹ cần có biện pháp xử trí khác nhau. Nếu nguyên nhân là do tắc tuyến lệ thì thường sẽ tự khỏi sau khoảng 4 - 6 tháng. Các trường hợp khác ba mẹ hoặc người chăm sóc có thể điều trị cho bé ở nhà. Tuy nhiên, trước khi chăm sóc cho trẻ, ba mẹ cần rửa tay với xà phòng và nước ấm.

Nếu ghèn mắt nhiều, người nhà cần vệ sinh mắt cho bé càng sớm càng tốt để tránh ghèn khô và đóng tảng. Khi loại bỏ ghèn mắt có một số lưu ý như sau:

  • Dùng bông gòn nhúng vào nước muối loãng ấm và lau nhẹ nhàng vào mắt trẻ.
  • Lau mắt trẻ ngay khi thấy ghèn mắt xuất hiện nhiều.
  • Khi nhỏ các loại thuốc vào mắt trẻ cần xin ý kiến của bác sĩ.
  • Không dùng bông lau mắt bị ghèn để lau bên còn lại.

Trường hợp trẻ bị đổ ghèn do đau mắt đỏ, người chăm sóc cần lưu ý: 

  • Dùng tăm bông lau ghèn mắt cho trẻ mỗi ngày ít nhất 2 lần để làm sạch mắt.
  • Nếu trẻ bị đau mắt đỏ 1 bên thì chỉ cần tra thuốc ở một bên mắt, không tra cả 2 bên vì có khả năng làm mắt còn lại cũng bị bệnh.
  • Đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn.
  • Tuyệt đối không sử dụng các bài thuốc dân gian và có thể gây hại cho mắt trẻ.
Mắt đổ ghèn sau sinh ở trẻ có nguy hiểm không? 3 Vệ sinh mắt cho bé thật nhẹ nhàng để bảo vệ đôi mắt cho bé

Cách phòng ngừa hiện tượng đổ ghèn sau sinh ở trẻ

Gia đình có thể bảo vệ sức khỏe của trẻ, ngăn ngừa hiện tượng đổ ghèn sau sinh ở trẻ qua một số cách sau:

  • Không để trẻ chạm hoặc dụi mắt bằng tay để tránh nhiễm khuẩn.
  • Rửa tay trước khi cho trẻ ăn, bế hay chăm sóc trẻ.
  • Giữ gìn vệ sinh cho trẻ: Rửa tay cho trẻ thường xuyên, rửa bát đũa, đồ chơi của trẻ bằng dung dịch chuyên dụng, lau sàn nhà và những nơi trẻ tiếp xúc.
  • Vệ sinh chăn, ga, gối, đệm thường xuyên.
  • Không để trẻ tiếp xúc với những người bị bệnh về mắt để tránh lây nhiễm. Việc lây các bệnh về mắt từ người thân là một điều hết sức nguy hiểm do hệ miễn dịch của trẻ chưa được hoàn thiện.
  • Bổ sung các loại dưỡng chất như: Vitamin A, vitamin C, omega-3… vào khẩu phần ăn của mẹ. 
Mắt đổ ghèn sau sinh ở trẻ có nguy hiểm không? 4 Việc bé dùng tay để chạm lên mắt, miệng có thể khiến bé mắc nhiều bệnh nguy hiểm

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng mắt đổ ghèn sau sinh ở trẻ, ở bài viết trên Nhà Thuốc Hà An đã cung cấp các thông tin cơ bản về hiện tượng này. Hi vọng rằng với những thông tin này có thể giúp các bậc phụ huynh chăm sóc con em mình tốt hơn. Nếu nhận thấy bất kỳ những thay đổi bất thường nào ở trẻ, bố mẹ hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để nhận được lời khuyên hữu ích nhất.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp



Chat with Zalo