Mách cha mẹ cách xử lý khi trẻ bị ho sổ mũi kéo dài
Trẻ em là đối tượng có sức đề kháng yếu, do đó hệ hô hấp thường sẽ dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Khi trẻ bị ho sổ mũi kéo dài, nhiều cha mẹ khá bối rối. Họ không biết nên xử lý như thế nào giúp con cải thiện tình trạng này một cách an toàn và hiệu quả. Các ông bố bà mẹ đừng nên bỏ lỡ những cách khắc phục tình trạng ho sổ mũi cho các bé an toàn qua bài viết sau đây.
Trẻ bị ho sổ mũi kéo dài do đâu?
Trẻ em thường là những người rất dễ bị tác động bởi các yếu tố từ môi trường. Đặc biệt khi hệ thống hô hấp còn khá non yếu thì đây là đối tượng rất dễ gặp tình trạng ho sổ mũi. Ngoài ra, trẻ bị ho sổ mũi kéo dài còn có thể do nhiều nguyên nhân do bệnh lý hô hấp gây ra.
- Cảm lạnh: Trẻ bị cảm lạnh sẽ gây ra sổ mũi ho và một số biểu hiện khác như sốt nhẹ, đau họng, hắt hơi và chảy nước mắt.
- Trẻ bị cúm: Khi bị cảm cúm sẽ làm trẻ sổ mũi và ho làm trẻ mệt mỏi. Ngoài ra, sẽ có những triệu chứng như lạnh run, ê ẩm toàn thân, đau họng, chóng mặt và chán ăn.
- Hen suyễn: Hen suyễn là bệnh lý đường hô hấp gây ra tổn thương cho đường dẫn khí nhỏ đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ho và sổ mũi.
- Viêm xoang hoặc viêm amidan: Khi bị hai bệnh lý này trẻ sẽ bị viêm ở vùng xoang và các mô ở sau mũi khiến trẻ bị ho và sổ mũi kéo dài.
- Viêm mũi dị ứng: Trẻ bị sổ mũi do dị ứng hoặc do mũi phản ứng với các yếu tố gây ra dị ứng như phấn hoa hay lông thú nuôi.
- U nang hoặc khối u ở mũi: Trong một vài trường hợp trẻ bị ho và sổ mũi do các khối u hoặc u nang. Thường các triệu chứng này chỉ ảnh hưởng đến một bên mũi.
- Vách ngăn mũi bị lệch: Hai bên mũi được ngăn với nhau bằng vách ngăn hay gọi là vách ngăn mũi. Khi vách ngăn này bị nghiêng về một bên sẽ gây nghẹt đường thở. Dị tật này có thể xuất hiện khi mới sinh hoặc chấn thương ở mũi.
![Mách cha mẹ cách xử lý khi trẻ bị ho sổ mũi kéo dài 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Mach_cha_me_cach_xu_ly_khi_tre_bi_ho_so_mui_keo_dai_1_0acc03f59e.jpg)
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ho sổ mũi kéo dài ở trẻ em. Tình trạng này kéo dài gây ra những mệt mỏi và khó chịu cho trẻ. Vì thế, cha mẹ cần tìm cách khắc phục tình trạng này cho trẻ đảm bảo an toàn cải thiện tình trạng sức khỏe một cách hiệu quả.
Cách khắc phục tình trạng ho sổ mũi kéo dài ở trẻ an toàn
Để có thể khắc phục tình trạng ho sổ mũi kéo dài ở trẻ sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra triệu chứng này. Trường hợp cảm lạnh, trẻ sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, cha mẹ cần củng cố sức đề kháng cho trẻ kết hợp vệ sinh vùng mũi họng thường xuyên. Bạn nên cho trẻ uống nhiều nước ấm, dùng máy tạo độ ẩm để bé dễ thở, rửa vệ sinh mũi nhẹ nhàng đúng cách.
Với tình trạng trẻ bị viêm xoang cha mẹ cần đưa con tới bác sĩ chuyên khoa để kê thuốc uống cũng như sử dụng xịt mũi để nhằm giúp các triệu chứng bệnh được thuyên giảm. Đối với các trẻ bị dị ứng, cha mẹ nên dùng nước nhỏ mũi. Nếu tình trạng ho sổ mũi vẫn không thuyên giảm, bạn cần đưa con tới bác sĩ khám và được kê đơn thuốc uống và xịt mũi phù hợp.
![Mách cha mẹ cách xử lý khi trẻ bị ho sổ mũi kéo dài 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Mach_cha_me_cach_xu_ly_khi_tre_bi_ho_so_mui_keo_dai_2_247a82a8ec.jpg)
Phụ huynh cần giữ ấm cho trẻ, nhất là vùng ở đường hô hấp như tai, mũi và họng. Bạn nên cho trẻ mặc áo khoác, đeo khẩu trang và đội nón mỗi khi ra ngoài, có thể dùng dầu tràm để giữ ấm các vùng trên cơ thể bé như ở ngực, gan bàn chân và lưng.
Chú ý tới chế độ dinh dưỡng, đa dạng các loại thức ăn. Bổ sung đầy đủ các thực phẩm thịt cá, rau xanh và hoa quả cho con. Cha mẹ nên cho trẻ ăn các món ăn dễ tiêu hóa nhưng vẫn đủ dinh dưỡng. Khi ngủ nên kê gối cao cho trẻ để tránh tình trạng nước mũi chảy xuống cổ họng gây ho khó chịu nhất là vào ban đêm.
Các cách giúp phòng tránh trẻ bị ho sổ mũi kéo dài
Để hạn chế những ảnh hưởng của tình trạng trẻ bị ho sổ mũi kéo dài thì các bậc phụ huynh cần chú ý trong việc phòng tránh tình trạng này, cũng như chăm sóc trẻ một cách cẩn thận và đúng cách.
Nên rửa tay và cắt móng tay cho trẻ thường xuyên
Việc rửa tay giúp hạn chế nguy cơ trẻ đưa vi khuẩn vào miệng. Từ đó, dẫn tới những viêm nhiễm ở vùng họng gây ho và sổ mũi. Đặc biệt, sau mỗi lần đi vệ sinh cần dạy trẻ cách rửa tay sạch bằng xà phòng hay các dung dịch sát khuẩn an toàn. Cùng với đó, cha mẹ cũng cần vệ sinh móng tay, chân cho trẻ, cắt móng tay thường xuyên. Móng tay dài sẽ khiến vi khuẩn trú ngụ, tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp.
![Mách cha mẹ cách xử lý khi trẻ bị ho sổ mũi kéo dài 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Mach_cha_me_cach_xu_ly_khi_tre_bi_ho_so_mui_keo_dai_3_df96f8d9fc.jpg)
Vệ sinh răng miệng và tai mũi họng sạch sẽ
Cha mẹ cần chú ý dạy trẻ đánh răng hai lần sáng tối mỗi ngày, súc miệng với nước muối giúp làm sạch vùng họng, hạn chế sự trú ngụ và sinh sôi của vi khuẩn. Bạn cũng nên nhỏ mũi và chú ý vệ sinh tai cho trẻ hàng ngày.
Giữ sạch đồ chơi và không dùng chung đồ dùng cá nhân
Những đồ dùng, đồ chơi của trẻ cần được vệ sinh thường xuyên vì đây cũng là những vật trung gian chứa nhiều vi khuẩn khi trẻ tiếp xúc rất dễ nhiễm bệnh. Ngoài ra, những đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, khăn mặt, bình nước cũng cần dặn trẻ dùng riêng, không dùng chung các đồ dùng ngay cả ở trường.
Tiêm ngừa vắc xin đầy đủ cho trẻ
Việc tiêm ngừa vắc xin đầy đủ cho trẻ sẽ giúp nâng cao sức đề kháng chống lại một số các bệnh lý về đường hô hấp. Ngoài các mũi tiêm được khuyến cáo trong chương trình tiêm chủng, cha mẹ có thể tiêm một số các vắc xin giúp phòng một số bệnh hô hấp như cúm, viêm phế cầu và viêm phổi.
Mong rằng với những chia sẻ đầy đủ trên đây về cách xử lý trẻ bị ho sổ mũi kéo dài sẽ cho các bạn thêm những thông tin hữu ích trong việc chăm sóc bé. Từ đó, có thể nâng cao sức đề kháng cho bé, phòng tránh các bệnh đường hô hấp trong giai đoạn chuyển mùa.
Bảo Vân
Nguồn tham khảo: Tổng Hợp