Lý giải nguyên nhân vì sao người bị tiểu đường bị ngứa
Theo các chuyên gia cho biết, các bệnh nhân tiểu đường rất dễ bị ngứa. Đây là một trong những triệu chứng thường gặp nhất, nó có liên quan đến tình trạng đường huyết trong máu tăng cao. Vậy đâu là nguyên nhân cụ thể làm cho người bị tiểu đường bị ngứa? Làm thế nào để kiểm soát tình trạng này? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
Nguyên nhân người bị tiểu đường bị ngứa
Có nhiều nguyên nhân gây ngứa ở người bị tiểu đường, cụ thể như sau:
Người bị tiểu đường bị ngứa do da khô, thiếu độ ẩm
Khi lượng đường huyết tăng cao, cơ thể phải nhanh chóng loại bớt đường bằng cách đào thải chúng qua đường nước tiểu. Việc tiểu quá nhiều lần sẽ dễ làm cho da bị mất nước, dẫn đến thô ráp và gây ra cảm giác ngứa.
Ngoài ra, mức đường huyết cao cũng có thể làm cho hàng rào bảo vệ da (mô dưới da) trở nên nhạy cảm hơn, dễ bị kích ứng bởi các chất gây ngứa như nước hoa, thuốc nhuộm, xà phòng, và có thể gây nhiễm trùng. Bên cạnh đó, mức đường huyết tăng cao cũng sẽ làm kích thích hệ thống miễn dịch giải phóng cytokine - tác nhân gây viêm và ngứa da.
![Lý giải nguyên nhân vì sao người bị tiểu đường bị ngứa 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Ly_giai_nguyen_nhan_vi_sao_nguoi_bi_tieu_duong_bi_ngua_1_c6608a5952.jpg)
Nhiễm trùng nấm men dễ gây ngứa ở người tiểu đường
Bệnh nhân bị tiểu đường có nguy cơ cao bị nhiễm trùng nấm men (nhiễm Candida). Đường huyết cao và môi trường ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn nấm men phát triển.
Nếu người bệnh tiểu đường không kiểm soát tốt đường huyết hoặc không duy trì vệ sinh cá nhân tốt, thì vi khuẩn nấm men có thể xâm nhập và gây ngứa cho cơ thể, nhất là vùng âm đạo.
Người bệnh đang gặp các vấn đề về da
Bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ mắc các vấn đề về da và nhiễm trùng da cao hơn so với người bình thường. Da của họ thường xuyên xuất hiện các tình trạng viêm và ngứa, đặc biệt là ở tay chân.
Một tình trạng khác liên quan đến vấn đề viêm mạch máu và yếu tố tự miễn dịch, làm hư hỏng các protein collagen trong da, là hiện tượng hoại tử mỡ đái tháo đường. Đây là một tình trạng da hiếm gặp thường xuất hiện ở cẳng chân.
![Lý giải nguyên nhân vì sao người bị tiểu đường bị ngứa 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Ly_giai_nguyen_nhan_vi_sao_nguoi_bi_tieu_duong_bi_ngua_2_db681abf04.jpg)
Khi bắt đầu, da sẽ xuất hiện một đốm đỏ xỉn màu với bề mặt nhô cao, sau đó phát triển thành tổn thương giống sẹo với viền sẫm màu, gây ra cảm giác đau và ngứa. Người mắc tiểu đường loại 1 có nguy cơ cao hơn so với người mắc tiểu đường loại 2 gặp phải tình trạng này.
Dị ứng thuốc
Trong quá trình điều trị tiểu đường, người bệnh thường phải dùng rất nhiều loại thuốc và có thể thay đổi theo từng giai đoạn, từng biến chứng của bệnh. Vì thế, ngứa có thể xuất phát từ việc dị ứng thuốc.
Khi người bị tiểu đường nhận thấy những dấu hiệu bất thường khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, cần phải báo ngay cho bác sĩ điều trị. Tránh để bệnh biến chứng không đáng có.
Cách giảm ngứa cho người bị tiểu đường
Việc xác định nguyên nhân gây ra ngứa thì việc điều trị mới có hiệu quả. Để giảm ngứa cho bệnh nhân đái tháo đường, bạn có thể áp dụng một số cách sau đây:
- Duy trì việc kiểm soát đường huyết: Điều quan trọng nhất là duy trì mức đường huyết ổn định thông qua chế độ ăn uống và việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều này giúp giảm nguy cơ các vấn đề da liên quan đến tiểu đường.
- Giữ da ẩm: Sử dụng kem dưỡng ẩm và lotion để giữ da luôn mềm mịn và ngăn ngừa khô da. Bạn nên chọn sản phẩm không chứa hương liệu và chất tạo màu để tránh kích ứng da.
- Mặc quần áo thoáng khí: Chọn quần áo làm từ chất liệu mềm mại và thoáng khí như bông hoặc linen. Bạn nên tránh sử dụng quần áo cứng, chật và có chất liệu gây kích ứng.
- Sử dụng thuốc chống ngứa: Nếu ngứa gây khó chịu, thì bạn có thể thử sử dụng kem chống ngứa có chứa corticosteroid hoặc các loại thuốc giảm ngứa khác. Tuy nhiên, hãy thảo luận với bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
- Tập thể dục thường xuyên: Tập luyện thể thao giúp máu lưu thông tốt, không chỉ cải thiện bệnh tình mà còn giúp bạn phòng ngừa bệnh thần kinh tiểu đường.
- Hạn chế tác động của nhiệt: Ngứa có thể tăng lên khi da tiếp xúc với nhiệt độ cao. Hạn chế việc tắm nước nóng và tránh tiếp xúc quá lâu với ánh nắng mặt trời hoặc các nguồn nhiệt khác.
- Tránh cọ xát da: Tránh cọ xát da quá mức hoặc gãi ngứa mạnh mẽ, vì điều này có thể làm tổn thương da và làm tình trạng ngứa trở nên nghiêm trọng hơn.
![Lý giải nguyên nhân vì sao người bị tiểu đường bị ngứa 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Ly_giai_nguyen_nhan_vi_sao_nguoi_bi_tieu_duong_bi_ngua_3_3b15579b24.jpg)
Nói chung, người bị tiểu đường bị ngứa là tình trạng phổ biến, không nguy hiểm cho bệnh nhân. Tuy nhiên, khi bị ngứa ran, hoặc cơn ngứa làm ảnh hưởng giấc ngủ và các hoạt động hàng ngày, bạn nên gặp bác sĩ để điều trị. Nếu để tình trạng này kéo dài mà không tìm hiểu rõ nguyên nhân và khắc phục sớm, thì nó sẽ gây ra nhiều biến chứng không tốt cho sức khỏe.
Xem thêm: Người bị tiểu đường có uống được mật ong không?
Bảo Vân
Nguồn tham khảo: Tổng hợp