Lịch khám thai 3 tháng cuối mà các mẹ bầu nên nhớ

Ba tháng cuối là thời điểm mà các mẹ bầu cần quan tâm đến sức khỏe của mình và thai nhi hơn bao giờ hết. Vậy nên không có gì an toàn hơn việc khám thai theo đúng lịch hẹn của các bác sĩ chuyên khoa.

Mục đích của việc siêu âm 3 tháng cuối thai kỳ

Siêu âm vào thời điểm 3 tháng cuối của thai kỳ là điều cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển của thai nhi sau này. Sau đây là những lý do đáng chú ý giúp bạn ý thức được tầm quan trọng của việc siêu âm thai ở giai đoạn này:

  • Giúp mẹ bầu và người nhà có thể nắm bắt được sự phát triển của thai nhi và nhau thai.
  • Siêu âm sẽ cho các bác sĩ thông tin cần thiết về vị trí nhau thai, đánh giá ngôi thai, trọng lượng nước ối,... để nhận thấy có sự bất thường và kịp thời hỗ trợ.
  • Cũng từ kết quả thăm khám này mà các bác sĩ có thể tư vấn và điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt cho các mẹ bầu.
  • Những kết quả siêu âm hay thậm chí là xét nghiệm chỉ có tính chính xác theo thời gian xác định. Vậy nên, việc siêu âm vào 3 tháng cuối của thai kỳ có thể giúp bác sĩ đánh giá sức khỏe của thai nhi và các mẹ bầu một cách toàn diện nhất.
Lịch khám thai 3 tháng cuối mà các mẹ bầu nên nhớ 1
Siêu âm 3 tháng cuối thai kỳ có nhiều ý nghĩa quan trọng

Ba tháng cuối là quãng thời gian các mẹ có xu hướng tăng cân rất nhanh có sự biến chuyển về mặt tâm sinh lý như mệt mỏi, dễ cáu gắt,... Các nghiên cứu cũng cho biết, những mẹ bầu không tuân thủ lịch khám thai định kỳ sẽ gây nguy hiểm cho thai nhi gấp 3 lần so với những người đến thăm khám sức khỏe của bác sĩ đúng hẹn. 

Lịch khám thai 3 tháng cuối mà các mẹ bầu nên nhớ

Sau đây là kế hoạch lịch khám thai 3 tháng cuối mà các mẹ bầu cần tuân thủ:

Khám 1 lần vào tuần 29 - 32

Khám thai: Vào thời gian này, bác sĩ sẽ tiến hành nghe tim thai, đo vòng bụng và chiều cao tử cung của mẹ bầu.

Siêu âm thai: Siêu âm thai được thực hiện để xác định ngôi thai và hướng dẫn cho bạn cách xoay ngôi thai, xác định vị trí nhau bám và độ trưởng thành của bánh nhau. Ngoài ra, siêu âm thai còn giúp bác sĩ ước lượng cân nặng của thai thông qua các chỉ số sinh học như vòng đầu, vòng bụng, chiều dài xương đùi,... Siêu âm màu có thể được chỉ định để đánh giá tình trạng sức khỏe thai nhi thông qua các chỉ số Doppler động mạch não giữa, động mạch rốn.

Xét nghiệm: Xét nghiệm nước tiểu được chỉ định để phát hiện và điều trị một số bệnh lý như tiểu đường thai kỳ, nhiễm trùng tiết niệu - sinh dục, tăng huyết áp thai kỳ,...

Lịch khám thai 3 tháng cuối mà các mẹ bầu nên nhớ 2
Xét nghiệm nước tiểu được chỉ định để phát hiện và điều trị một số bệnh lý

Khám 2 tuần/lần vào tuần 33 - 35

Vào giai đoạn này, tần suất khám thai sẽ dày đặc hơn với 2 lần/tuần.

Khám thai: Tương tự như giai đoạn thai từ 29 đến 32 tuần, bác sĩ sẽ tiến hành nghe tim thai, đo vòng bụng và chiều cao tử cung của mẹ bầu. Ngoài ra còn khám trong, kiểm tra cổ tử cung và các dấu hiệu chuyển dạ sinh non nếu có.

Siêu âm thai: Tương tự như giai đoạn thai từ 29 đến 32 tuần, siêu âm thai được thực hiện để xác định ngôi thai và hướng dẫn cho bạn cách xoay ngôi thai, xác định vị trí nhau bám và độ trưởng thành của bánh nhau. Ngoài ra, siêu âm thai còn giúp bác sĩ ước lượng cân nặng của thai thông qua các chỉ số sinh học như vòng đầu, vòng bụng, chiều dài xương đùi,...

Xét nghiệm: Tương tự như giai đoạn thai từ 29 đến 32 tuần, xét nghiệm nước tiểu được thực hiện để phát hiện và điều trị những bệnh lý như tiểu đường thai kỳ, nhiễm trùng tiết niệu - sinh dục, tăng huyết áp thai kỳ,...

Khám 1 tuần/lần vào tuần 36 - 40

Khám thai: Nghe tim thai, đo vòng bụng và đo chiều cao tử cung. Khám trong, kiểm tra cổ tử cung và các dấu hiệu chuyển dạ nếu có.

Siêu âm thai: Xác định ngôi thai và hướng dẫn cho bạn cách xoay ngôi thai, xác định vị trí nhau bám và độ trưởng thành của bánh nhau. Kiểm tra những bất thường có thể xảy ra đối với mẹ và thai nhi. Ước lượng cân nặng của thai thông qua các chỉ số sinh học như vòng đầu, vòng bụng, chiều dài xương đùi,..

Xét nghiệm: Một số xét nghiệm được chỉ định thực hiện trong thời gian này:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Để phát hiện và điều trị kịp thời những bệnh lý như tiểu đường thai kỳ, nhiễm trùng tiết niệu - sinh dục, tăng huyết áp thai kỳ,...
  • Xét nghiệm Non-Stress-Test (NST): Kiểm tra lượng oxy em bé nhận, kiểm tra sức khỏe của thai nhi. 
  • Xét nghiệm tầm soát liên cầu khuẩn nhóm B: Chỉ định thực hiện từ tuần 36 - 37 tuần 6 ngày.

Lưu ý: Lịch khám thai này chỉ áp dụng cho chăm sóc thường quy các thai kỳ đơn thai và không kèm theo các yếu tố nguy cơ. Lịch khám thai sẽ có sự thay đổi tùy theo trường hợp cụ thể (ví dụ: Có các dấu hiệu bất thường như ra huyết, ra nước, đau bụng,... hoặc thai kỳ có kèm theo yếu tố nguy cơ). Tốt nhất là cần tuân theo đúng lịch khám mà bác sĩ chỉ định cho bạn.

Lịch khám thai 3 tháng cuối mà các mẹ bầu nên nhớ 3
Lịch khám thai 3 tháng cuối sẽ có sự thay đổi tùy theo trường hợp cụ thể

Bầu ba tháng cuối có nên khám thai thường xuyên không?

Trong giai đoạn ba tháng cuối thai kỳ, việc đi khám thường xuyên là rất quan trọng. Vì trong thời gian này, thai phụ cần được theo dõi và chăm sóc sức khỏe kĩ lưỡng. Đặc biệt là tháng cuối của thai kỳ là lúc mà mẹ bầu có thể có các dấu hiệu chuyển dạ sinh con. Để đảm bảo thai nhi luôn trong tình trạng khỏe mạnh và không bị suy thai, bác sĩ cần kiểm tra tim thai thường xuyên, mẹ bầu cần được thăm khám để tìm các dấu hiệu chuyển dạ.

Bên cạnh đó, nếu thai phụ nhận thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như đau bụng dưới, thai máy bất thường, ra huyết, ra nước âm đạo,... cần đến bệnh viện ngay lập tức để được thăm khám và xử trí kịp thời, ngăn ngừa các tình trạng có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Những lưu ý phải đi khám trong ba tháng cuối thai kỳ

Dưới đây là một số vấn đề mà thai phụ cần lưu ý trong ba tháng cuối thai kỳ:

  • Đếm thai máy: Theo dõi xem thai máy có giảm hay không. Nếu trong vòng 4 giờ mà thai nhi có ít hơn 10 lần cử động thai hoặc cử động thai yếu, mẹ bầu cần nhập viện để theo dõi.
  • Dấu hiệu chuyển dạ: Cần đi khám ngay nếu cảm thấy đau bụng mỗi khi bụng gò cứng, cường độ đau tăng dần và khoảng cách giữa các cơn đau ngắn lại, có từ 3 cơn gò trong 10 phút trở lên; ra nhớt hồng hoặc nước loãng ở âm đạo.

Ba tháng cuối thai kỳ rất dễ sinh non và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc chuyển dạ. Vậy nên ngoài việc thăm khám định kỳ, mẹ bầu cần chủ động đếm thai máy, đến bệnh viện ngay nếu cơ thể xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào bất thường.

Lịch khám thai 3 tháng cuối mà các mẹ bầu nên nhớ 4
Mẹ bầu cần chủ động đếm thai máy, đến bệnh viện ngay nếu cơ thể xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào bất thường

Tùy theo tình trạng thai nhi của mỗi người mà lịch khám thai 3 tháng cuối sẽ được các bác sĩ điều chỉnh sao cho phù hợp. Nhưng dù có thay đổi như thế nào đi chăng nữa, việc tuân theo lịch khám được chỉ định từ các bác sĩ trong giai đoạn này nên được ưu tiên hàng đầu.



Chat with Zalo