Khó thở thanh quản là gì? Cách điều trị khó thở thanh quản
Vậy khó thở thanh quản là gì và cách điều trị ra sao? Ở bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp đến bạn những thông tin cần thiết về chứng bệnh này.
Khó thở thanh quản là gì?
Thanh quản là bộ phận nằm chính giữa cổ chuyên thực hiện chức năng là nói và hô hấp. Chức năng hô hấp bao gồm dẫn khí và bảo vệ. Khi chúng ta hít vào, thanh môn sẽ mở ra, khi chúng ta thở ra thì thanh môn sẽ mở vừa. Chức năng nói nghĩa là khi chúng ta phát âm và nói thì thanh quản sẽ khép, mở và rung động để phát ra những âm cơ bản.
Do thanh quản là chỗ hẹp nhất của đường thở và đảm nhiệm 2 chức năng nên chỉ cần có sự tác động nhỏ sẽ làm ảnh hưởng tới chức năng dẫn khi và gây ra hiện tượng khó thở. Không chỉ vậy, nếu như có yếu tố tác động đến sự khép mở và rung động dây thanh thì sẽ khiến cho giọng nói bị biến đổi, khàn tiếng, mất tiếng...
Khó thở thanh quản chính là biên độ, tần số của hơi thở bị rối loạn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đó là sự giảm khẩu kính của ống thanh quản ở một hoặc nhiều tầng của hầu họng. Tùy thuộc vào mức độ của tình trạng khó thở mà có thể tình trạng khó thở sẽ xuất hiện đột ngột hoặc theo từng cơn.
Dấu hiệu của khó thở thanh quản
Nếu tình trạng bệnh lý chỉ ở mức độ nhẹ, bệnh nhân sẽ chỉ thấy khó thở mỗi khi hoạt động thể lực như chạy bộ, leo cầu thang… Nếu bệnh diễn tiến nặng hơn, bệnh nhân có thể cảm thấy khó thở ngay cả khi không hoạt động gì. Quan sát cho thấy, cổ và ngực của bệnh nhân thường lõm theo từng nhịp thở.
Một triệu chứng điển hình nữa của khó thở thanh quản đó chính là thở rít. Tiếng thở rít có thể được nghe bằng ống nghe của bác sĩ hoặc bằng tai thường. Bên cạnh đó, bệnh lý cũng có thể gây tác động tới chức năng tạo âm thanh của thanh quản. Do đó, dấu hiệu đầu tiên thường thấy đó là khàn tiếng, ho khan.
Một khi thanh quản bị hẹp tới mức gần như bị tắc nghẽn hoàn toàn thì người bệnh sẽ có những triệu chứng vô cùng nghiêm trọng như đổ mồ hôi, tím tái, tinh thần bị kích động…
Phân độ khó thở thanh quản
Khó thở thanh quản được chia ra làm 3 mức độ với các triệu chứng đặc trưng riêng:
Ở cấp độ 1: Những triệu chứng của bệnh lý thường xuất hiện khi người bệnh thực hiện các hoạt động như leo cầu thang, đi bộ nhiều và nhanh, giãy giụa…
Ở cấp độ 2: Các triệu chứng bệnh lý như trên thường xuất hiện, ngay cả khi bệnh nhân đang nghỉ ngơi.
Ở cấp độ 3: Bệnh nhân có làn da bị tím tái, mắt lờ đờ, thở nông và nhanh, tiếng rít ở thanh quản bị mất, cơ hô hấp phụ bị giảm khả năng co kéo.
Tùy thuộc vào mức độ bệnh lý mà sẽ có những hướng xử lý khác nhau, Nếu như tình trạng bệnh chỉ ở mức độ 1, người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc uống. Nếu như bệnh ở cấp độ 2, bệnh nhân sẽ cần phải thở oxy, sử dụng thuốc đặc trị và có thể cân nhắc việc mở khí quản. Với cấp độ 3, bệnh nhân có thể được bác sĩ mở khí quản, thở oxy và dùng thuốc theo đường tĩnh mạch.
Điều trị khó thở thanh quản
Khó thở thanh quản vốn chỉ là một triệu chứng của bệnh lý tiềm ẩn bên dưới. Muốn điều trị dứt điểm khó thở thanh quản, bệnh nhân cần phải tìm ra được nguyên nhân gây ra bệnh lý. Do đó, việc điều trị sẽ bao gồm điều trị bệnh lý tiềm ẩn và triệu chứng khó thở.
Điều trị triệu chứng: Việc điều trị triệu chứng sẽ giúp cho bệnh nhân thuyên giảm được cảm giác khó chịu. Đây cũng chính là biện pháp cấp cứu dành cho các trường hợp bị tắc nghẽn quá nặng. Một số phương pháp làm giảm tình trạng khó thở cho bệnh nhân đó là:
- Sử dụng thuốc làm giãn phế quản tạm thời, thuốc làm giảm viêm.
- Cung cấp oxy cho cơ thể thông qua các loại dụng cụ như mặt nạ thở, dùng dây thở đặt vào mũi.
- Với những trường hợp quá nguy kịch, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật, mở một lỗ ở trên cổ, phần phía dưới của thanh quản để tạo nên đường thở mới cho người bệnh.
Điều trị bệnh lý: Việc điều trị bệnh lý chỉ nên tiến hành sau khi đảm bảo người bệnh không còn ở trong tình trạng nguy kịch. Người bệnh lúc này sẽ cần phải thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để tìm ra được bệnh lý gây nên tình trạng khó thở. Từ đó hãy đưa ra hướng xử lý phù hợp để điều trị dứt điểm bệnh lý.
Bài viết trên đã cung cấp đến bạn những thông tin cần thiết liên quan đến chứng khó thở thanh quản. Ngay khi phát hiện ra các triệu chứng bệnh lý, bạn hãy có cho mình hướng xử lý và điều trị kịp thời nhé.
Lê Hồng
Nguồn tham khảo: Tổng hợp