Khi nào thì cắt amidan cho trẻ? Những lưu ý về chăm sóc trẻ sau cắt amidan
Trong nhiều trường hợp nhiễm khuẩn, vi khuẩn sẽ tấn công amidan liên tục khiến cho amidan bị viêm nhiễm, sưng to, tích tụ mủ và trở thành một ổ chứa vi khuẩn. Lúc này, việc cắt amidan cho trẻ được đặt ra nhằm phòng ngừa bệnh và đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Cùng tìm hiểu thời điểm cũng như những điều cần lưu ý khi cắt amidan qua bài viết sau đây.
Khi nào nên cắt amidan cho trẻ?
Amidan đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch của chúng ta, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh. Cũng có thể coi amidan là trung tâm nhận biết và xử lý mầm bệnh ban đầu, chúng giúp cơ thể nhận biết được các loại vi khuẩn gây bệnh khác nhau nhằm giúp cơ thể chống chọi với những tác nhân gây bệnh này tốt hơn.
Nhiều cha mẹ thường lo lắng rằng, sau khi cắt amidan cho trẻ, cơ thể trẻ sẽ mất đi một hạch bạch huyết rất quan trọng, vì vậy khả năng sản xuất kháng thể cũng bị suy giảm. Tuy nhiên trên thực tế, nếu như amidan bị viêm đi viêm lại nhiều lần, chúng sẽ không còn khả năng tạo ra miễn dịch như ban đầu nữa. Lúc này, amidan thậm chí còn trở thành một ổ viêm, nơi tích tụ mủ, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus trú ngụ, phát triển và gây bệnh.
Nếu như không phẫu thuật amidan cho trẻ, amidan đã bị mất chức năng sẽ trở thành ổ bệnh tiềm tàng và là nguyên nhân gây nhiễm trùng cũng như các bệnh lý liên quan khác. Hơn nữa, vi khuẩn tích tụ và phát triển càng lâu, các biến chứng càng nguy hiểm hơn. Lúc này, chỉ định cắt amidan là điều cần thiết.
Tuy nhiên, nếu như trẻ còn quá nhỏ, việc cắt bỏ amidan có thể gây nên những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ. Chính vì vậy, độ tuổi thích hợp nhất để cắt amidan cho trẻ là trên 4 tuổi, bởi lúc này, hệ miễn dịch của trẻ đã phát triển tương đối tốt, sẽ không bị ảnh hưởng khi cắt amidan và sức khỏe của trẻ lúc này cũng đủ tốt để trải qua cuộc phẫu thuật. Ngoài ra, cần lưu ý thêm, nếu trẻ đang bị viêm amidan, cần điều trị tình trạng viêm ổn định trong khoảng 15 - 30 ngày, khi không còn tình trạng viêm thì mới cắt amidan của trẻ.
![Khi nào thì cắt amidan cho trẻ? Những lưu ý về chăm sóc trẻ sau cắt amidan 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Khi_nao_thi_cat_amidan_cho_tre_nhung_luu_y_ve_cham_soc_tre_sau_cat_amidan_1_a5f18b09e0.jpg)
Các phương pháp cắt amidan cho trẻ
Ngày nay, có rất nhiều phương pháp cắt amidan cho trẻ được áp dụng tại nhiều cơ sở y tế. Trên thực tế, mỗi một phương pháp sẽ có những ưu và nhược điểm riêng. Tùy vào tình trạng của từng trẻ, các bác sĩ sẽ cân nhắc và lựa chọn cho trẻ phương pháp phù hợp nhất. Dưới đây là một số phương pháp cắt amidan thường được áp dụng hiện nay.
Cắt amidan bằng dao mổ đơn cực dưới hướng dẫn của siêu âm
Siêu âm sẽ cung cấp cho các bác sĩ hình ảnh, từ đó giúp bác sĩ định hướng được đường mổ. Khi đó, bác sĩ sẽ sử dụng dao mổ đơn cực có nhiệt độ cao để loại bỏ đi amidan. Phương pháp này sẽ không can thiệp sâu, thời gian thực hiện nhanh chóng, ít gây chảy máu nên được rất nhiều bác sĩ lựa chọn.
Tuy nhiên, cha mẹ cần lựa chọn các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm thăm khám và thực hiện, giúp hạn chế tổn thương tối đa. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng có nhược điểm, đó là gây đau sau mổ, nhất là với những trẻ có sức khỏe ban đầu kém.
Cắt amidan bằng laser
Phương pháp này dùng năng lượng của bước sóng ánh sáng laser để loại bỏ khối amidan. Phương pháp này có ưu điểm là không đau, thời gian thực hiện nhanh, ít gây chảy máu và khả năng diệt khuẩn tốt. Tuy nhiên, phương pháp cũng có nhược điểm là để lại sẹo và có thể ảnh hưởng tới dây thanh âm.
![Khi nào thì cắt amidan cho trẻ? Những lưu ý về chăm sóc trẻ sau cắt amidan 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Khi_nao_thi_cat_amidan_cho_tre_nhung_luu_y_ve_cham_soc_tre_sau_cat_amidan_2_a468b639e3.jpg)
Cắt amidan bằng Coblator
Phương pháp này sử dụng một loại sóng điện từ cao tần để phá hủy mô tế bào. Ưu điểm của phương pháp này là ít đau, ít gây chảy máu, vết thương phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật này có nhược điểm là chi phí tương đối cao.
Cắt amidan bằng Sluder
Với công cụ này, amidan sẽ được loại bỏ nhanh chóng trong thời gian ngắn, ít đau, ít gây chảy máu. Tuy nhiên, để thực hiện tốt phương pháp này, không gây tổn thương sâu và không bỏ sót tổn thương, đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật phải có tay nghề cao và nhiều kinh nghiệm về phẫu thuật cắt amidan cũng như khả năng sử dụng Sluder.
Cắt amidan bằng Plasma
Phương pháp cắt amidan này sử dụng kính soi điện tử và nguồn nhiệt Plasma để tìm ổ dịch dễ dàng và làm tan viêm. Ưu điểm của phương pháp này là kỹ thuật ít xâm lấn, ít đau, ít gây chảy máu, thời gian thực hiện nhanh và hồi phục nhanh chóng.
![Khi nào thì cắt amidan cho trẻ? Những lưu ý về chăm sóc trẻ sau cắt amidan 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Khi_nao_thi_cat_amidan_cho_tre_nhung_luu_y_ve_cham_soc_tre_sau_cat_amidan_3_af25af9a32.jpg)
Lưu ý cách chăm sóc trẻ sau cắt amidan
Mặc dù phẫu thuật cắt amidan cho trẻ không phải một phẫu thuật lớn, tuy nhiên vẫn có thể gây những tổn thương nhất định cho các khu vực xung quanh. Chính vì vậy, để vết thương sau cắt amidan mau lành và ít bị nhiễm trùng, cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau trong việc chăm sóc trẻ sau cắt amidan:
- Lựa chọn cho trẻ những thực phẩm mềm như cháo, canh, súp…
- Cho trẻ uống tăng cường nước để bổ sung đủ nước cho cơ thể. Cha mẹ có thể cho trẻ uống nước ép hoa quả, tuy nhiên cần tránh những loại nước ép quá chua có thể khiến vết thương sau phẫu thuật của trẻ trở nên nặng nề hơn.
- Cần kiêng gì sau khi cắt amidan để cơ thể nhanh hồi phục? Tránh cho trẻ ăn những thực phẩm cứng như củ quả sống, hoa quả cứng, đồ chế biến khô, đồ chiên rán… bởi những thực phẩm này có thể gây tổn thương vết thương, khiến vết thương lâu lành hơn.
- Cha mẹ cũng nên kiêng cho trẻ uống sữa cũng như các sản phẩm từ sữa trong thời gian này, bởi chúng dễ ứ đọng ở họng và khiến vết thương hồi phục không tốt.
- Ngoài ra, các thực phẩm chứa nhiều gia vị như ớt, hạt tiêu, các loại quả chua cũng cần kiêng cho trẻ ăn trong thời gian vết thương đang hồi phục.
- Ngoài chế độ ăn uống, cha mẹ cũng cần theo dõi khả năng hồi phục vết thương của trẻ. Đặc biệt, khi thấy trẻ xuất hiện bất kỳ một dấu hiệu bất thường nào như bỏ ăn, nôn nhiều, họng đau nhiều, sốt cao trên 39 độ C không đáp ứng thuốc hạ sốt paracetamol, trẻ mất tiếng hay chảy máu nhiều từ họng, mũi…
- Cho trẻ uống thuốc đúng và đủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Đưa trẻ đi kiểm tra lại theo lịch đã hẹn của bác sĩ.
![Khi nào thì cắt amidan cho trẻ? Những lưu ý về chăm sóc trẻ sau cắt amidan 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Khi_nao_thi_cat_amidan_cho_tre_nhung_luu_y_ve_cham_soc_tre_sau_cat_amidan_4_1d161ff0f6.jpg)
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích về phẫu thuật cắt amidan cho trẻ, nắm được khi nào thì trẻ nên cắt amidan cũng như biết cách chăm sóc trẻ sau cắt amidan. Khi bé nhà mình thường xuyên bị mắc các bệnh về đường hô hấp, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để kiểm tra tình trạng amidan của bé. Chúc bạn và các bé nhiều sức khỏe cũng như đừng quên tiếp tục theo dõi các bài viết hay tiếp theo của Nhà Thuốc Hà An nhé!
Xem thêm: