Hội chứng xám là gì? Nguyên nhân dẫn đến hội chứng xám ở trẻ sơ sinh

Hội chứng xám rất nguy hiểm và thường xảy ra do sơ suất của cha mẹ. Việc tìm hiểu về hội chứng xám sẽ giúp các bậc phụ huynh có thể phát hiện được dấu hiệu của hội chứng để điều trị cho trẻ, đồng thời biết những biện pháp để phòng ngừa hội chứng xám, bảo vệ trẻ một cách an toàn. Ở bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Hà An sẽ giúp bạn tìm hiểu các thông tin cụ thể nhất về hội chứng xám, đồng thời đưa ra các biện pháp phòng ngừa và điều trị hội chứng này.

Hội chứng xám là gì?

Hội chứng xám là một biến chứng về sức khoẻ gặp phải ở trẻ sơ sinh và có thể dẫn đến nguy cơ tử vong ở trẻ do mẹ hoặc bé sử dụng quá liều thuốc kháng sinh chloramphenicol. Ở trẻ sơ sinh, chức năng của các cơ quan chưa được hoàn thiện do đó việc sử dụng thuốc quá liều dẫn đến lượng thuốc không được thải trừ hết ra khỏi cơ thể từ đó tích tụ lại trong máu gây trụy tim. Tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh mắc phải hội chứng xám lên tới 40%.

Hội chứng xám còn có tên gọi khác là nhiễm độc cloramphenicol ở trẻ sơ sinh. Hội chứng thường xuất hiện ngay khi trẻ chào đời và tỷ lệ mắc phải hội chứng xám là như nhau giữa hai giới.

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng xám ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân chính dẫn đến hội chứng xám là việc sử dụng quá liều chloramphenicol ở mẹ hoặc trẻ. Vậy chloramphenicol là gì? Chloramphenicol là thuốc kháng sinh thường được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn như viêm màng não. Bên cạnh việc gây hội chứng xám ở trẻ sơ sinh, chloramphenicol còn gây hại trên tủy xương của trẻ. Hiện nay, do mức độ độc tính của thuốc trên trẻ nhỏ cũng như có nhiều loại thuốc mới xuất hiện nên xu hướng sử dụng chloramphenicol đã dần giảm xuống.

Cơ thể của trẻ sơ sinh còn chưa hoàn thiện nhiều chức năng, trong đó có thải trừ thuốc. Khi phụ nữ mang thai hoặc cho con bú sử dụng thuốc cloramphenicol thì thuốc có thể qua nhau thai hoặc sữa mẹ rồi truyền sang cho trẻ, từ đó thuốc tích lũy trong máu và gây trụy tim mạch dẫn đến tử vong.

Những trường hợp có nguy cơ gặp phải hội chứng xám ở trẻ sơ sinh như:

  • Trẻ sử dụng chloramphenicol trong vòng ba ngày đầu sau khi sinh mà không được theo dõi chặt chẽ nồng độ thuốc trong máu.
  • Trẻ sinh non, nhẹ cân cũng là những trường hợp có nguy cơ cao mắc phải hội chứng xám.
  • Những trường hợp mẹ sử dụng chloramphenicol trong thời gian mang thai cũng dẫn đến nguy cơ cao mắc phải hội chứng này ở trẻ khi chào đời.
Hội chứng xám là gì? Nguyên nhân dẫn đến hội chứng xám ở trẻ sơ sinh 1 Nguyên nhân dẫn đến hội chứng xám ở trẻ sơ sinh

Dấu hiệu của hội chứng xám ở trẻ sơ sinh

Với trẻ sơ sinh bị mắc hội chứng xám sẽ xuất hiện những triệu chứng dồn dập sau 2 - 9 ngày sau khi bắt đầu điều trị. Các dấu hiệu điển hình của hội chứng xám như:

  • Nôn mửa, một vài trường hợp có thể không có nôn.
  • Hạ thân nhiệt.
  • Da và môi hơi xanh, nhão cơ.
  • Suy tuần hoàn, khó thở, trẻ không chịu bú.
  • Hạ huyết áp.
  • Bất thường về nhịp tim.
  • Bụng sưng.
  • Phân có màu xanh lá cây.

Những triệu chứng của hội chứng xám khá điển hình, do đó cha mẹ và bác sĩ có thể để ý và phát hiện kịp thời tình trạng bệnh từ đó có biện pháp xử trí kịp thời.

Để chẩn đoán hội chứng xám ở trẻ thì biện pháp tối ưu nhất là cho trẻ đi khám toàn diện và lưu tâm đến những thuốc mà bạn đang dùng cho trẻ. Bên cạnh đó, việc đo nồng độ thuốc cloramphenicol trong máu cũng giúp chẩn đoán và kiểm soát tình trạng bệnh ở trẻ.

Hội chứng xám là gì? Nguyên nhân dẫn đến hội chứng xám ở trẻ sơ sinh 2 Dấu hiệu thường gặp của hội chứng xám

Điều trị hội chứng xám và những biến chứng có thể gặp phải

Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng đối với trẻ bị mắc hội chứng xám. Điều đầu tiên khi phát hiện hội chứng là cho trẻ ngừng thuốc cloramphenicol nếu trẻ đang sử dụng. Nếu mẹ đang cho con bú mà sử dụng chloramphenicol thì người mẹ cần ngừng thuốc. Nếu trường hợp bị nhẹ, sức khỏe của trẻ sẽ hồi phục sau khi ngừng thuốc. Những trường hợp nặng hơn bác sĩ sẽ tiến hành điều trị bằng một số biện pháp như:

  • Truyền thay máu: Việc quá liều thuốc chloramphenicol dẫn đến nồng độ thuốc trong máu của trẻ tăng cao. Do đó việc truyền thay máu là cần thiết với trẻ. Với phương pháp này, một phần máu của trẻ sẽ được thay thế bằng huyết tương hoặc máu được hiến tặng.
  • Chạy thận nhân tạo: Ở phương pháp này, các độc tố trong cơ thể trẻ sẽ được loại bỏ ra ngoài, đồng thời kali và natri cũng được giữ lại cân bằng để đảm bảo duy trì mức huyết áp ổn định cho trẻ.

Nếu hội chứng xám ở trẻ sơ sinh không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:

  • Nồng độ thuốc trong máu quá cao dẫn đến những vấn đề về tuần hoàn máu, đặc biệt là trụy tim mạch từ đó gây tử vong.
  • Chloramphenicol cũng gây tổn hại đến tủy xương của trẻ, từ đó khiến cơ thể ngừng sản xuất các tế bào máu mới và tiểu cầu, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng và chảy máu.
  • Tình trạng rối loạn hoặc nhiễm trùng thứ phát làm cho hội chứng này trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là ở những trẻ sinh non.
Hội chứng xám là gì? Nguyên nhân dẫn đến hội chứng xám ở trẻ sơ sinh 3 Điều trị hội chứng xám bằng truyền thay máu

Các biện pháp phòng ngừa hội chứng xám ở trẻ sơ sinh

Hội chứng xám có thể dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng, tuy nhiên cách phòng ngừa khá đơn giản và hiệu quả, chỉ cần cha mẹ lưu tâm thì có thể phòng tránh được. Biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất là không sử dụng chloramphenicol để điều trị cho trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai và đang cho con bú cũng không nên sử dụng chloramphenicol để tránh thuốc qua nhau thai và sữa mẹ truyền sang cho trẻ gây tích lũy thuốc trong máu quá nhiều.

Nếu trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng chloramphenicol để điều trị thì cần có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ trong quá trình điều trị, đồng thời cần theo dõi thường xuyên nồng độ thuốc trong máu để đảm bảo nồng độ thuốc không vượt quá giới hạn an toàn.

Hạn chế sử dụng chloramphenicol ở mẹ và trẻ sơ sinh trừ khi có chỉ định của bác sĩ Hạn chế sử dụng chloramphenicol ở mẹ và trẻ sơ sinh trừ khi có chỉ định của bác sĩ

Trên đây là những thông tin hữu ích về hội chứng xám mà cha mẹ nên biết để có thể nhận biết dấu hiệu, phát hiện hội chứng và tiến hành điều trị kịp thời cho trẻ cũng như biết thêm các biện pháp phòng tránh việc mắc hội chứng xám một cách hiệu quả. Nếu bạn thấy bài viết này hay và ý nghĩa, hãy theo dõi trang Nhà Thuốc Hà An để có thể nhận thông báo về những bài viết mới nhất nhé. Chúc bạn đọc nhiều sức khỏe!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Hellobacsi.com



Chat with Zalo