Hội chứng sợ sự thân mật (Fear of Intimacy): Dấu hiệu, nguyên nhân và cách khắc phục
Những người mắc hội chứng này không cố tình từ chối cảm xúc của người khác. Tuy vậy, họ ít có xu hướng muốn chia sẻ và kết nối hơn, điều này khiến cho các mối quan hệ của họ trở nên căng thẳng. Nguyên nhân của nỗi sợ sự thân mật thường là do nỗi bận tâm về những tình huống tiêu cực có thể xảy ra trong mối quan hệ. Căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ cá nhân mà còn ăn mòn sức khỏe tâm lý của người bệnh.
Hội chứng sợ sự thân mật (Fear of Intimacy) là gì?
Nỗi sợ sự thân mật hay nỗi sợ việc gần gũi là việc hạn chế chia sẻ những suy nghĩ hay sự tiếp xúc gần trong một mối quan hệ với người mà người bệnh quan tâm. Hội chứng này có thể xuất phát từ nhiều lý do như chấn thương tâm lý ở quá khứ hoặc bị lạm dụng, dẫn đến những triệu chứng rối loạn tâm lý.
![Hội chứng sợ sự thân mật (Fear of Intimacy): Dấu hiệu, nguyên nhân và cách khắc phục 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/hoi_chung_so_su_than_mat_fear_of_intimacy_dau_hieu_nguyen_nhan_va_cach_khac_phuc_1_256a0875bc.jpg)
Dấu hiệu của người mắc bệnh sợ sự thân mật
Đối với người mắc hội chứng sợ sự thân mật, người bệnh thường có những dấu hiệu sau:
Có xu hướng phá hoại mối quan hệ
Người mắc hội chứng này có thể vô thức phá hoại mối quan hệ của họ với người khác bằng cách tránh né việc duy trì mối quan hệ, hạn chế tiếp xúc về mặt tình cảm với đối phương. Một số người có thể có những phản ứng gay gắt với những người gần gũi với họ, dẫn đến làm rạn nứt các mối quan hệ cá nhân.
Có mối quan hệ ngắn hạn
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy chúng ta thường có xu hướng tạo dựng mối quan hệ với những cá nhân có điểm tương đồng với bản thân trong quan điểm tình cảm, tính cách và giá trị sống. Nhiều người chọn xây dựng mối quan hệ với những cá nhân có nhu cầu gần gũi giống với họ. Do đó, những người mắc chứng sợ sự thân mật thường tìm kiếm các mối quan hệ cũng ít có nhu cầu kết nối gần gũi để tránh việc bị tổn thương. Tuy nhiên, những mối quan hệ này thường không thể kéo dài quá lâu.
Có tính cầu toàn
Những người cầu toàn sẽ khó hình thành mối quan hệ thân mật với người khác vì họ đòi hỏi rất nhiều ở bản thân và đối phương. Khi không đạt được kỳ vọng của mình, người bệnh sẽ trở nên cáu kỉnh, dễ dẫn đến sự xung đột và đổ vỡ.
![Hội chứng sợ sự thân mật (Fear of Intimacy): Dấu hiệu, nguyên nhân và cách khắc phục 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/hoi_chung_so_su_than_mat_fear_of_intimacy_dau_hieu_nguyen_nhan_va_cach_khac_phuc_2_e146811cdc.jpg)
Nguyên nhân của nỗi sợ sự thân mật
Cốt lõi của tâm lý sợ gần gũi bắt nguồn từ nỗi sợ mất mát. Quá trình né tránh sự thân mật thực chất là một phản ứng sinh học thông qua sự ám ảnh của các trải nghiệm trong quá khứ. Việc bị ngược đãi về thể chất hoặc tinh thần, bị lạm dụng,... thường là nguyên nhân gây ra hội chứng sợ hãi sự tiếp xúc thân mật. Nỗi sợ này cũng có thể là một triệu chứng của bệnh rối loạn nhân cách, một loại bệnh liên quan đến tâm thần. Người bệnh tự bảo vệ bản thân khỏi việc bị tổn thương thông qua việc hạn chế gần gũi với người khác.
Làm cách để vượt qua nỗi sợ sự thân mật?
Để vượt qua nỗi sợ của bản thân, chúng ta cần phải đối mặt với những suy nghĩ tiêu cực và mở lòng hơn với những người xung quanh. Cụ thể bằng những cách sau:
Xây dựng vùng an toàn
Để giúp đỡ những người mắc chứng sợ sự thân mật, bạn cần tạo cho họ không gian riêng và cho họ thời gian để đối mặt với những suy nghĩ của bản thân. Cố gắng giúp đỡ người bệnh bằng sự kiên nhẫn và khoan dung để tạo cho họ cảm giác an toàn, khiến họ muốn mở lòng hơn.
Đối mặt với cảm xúc và vượt qua quá khứ
Cố gắng chấp nhận cảm xúc và nỗi sợ của bạn. Tuy điều này sẽ khiến bạn cảm thấy không thoải mái nhưng việc bày tỏ cảm xúc của bản thân sẽ khiến nỗi sợ giảm đi rất nhiều. Nghiên cứu chỉ ra rằng các mối quan hệ thời thơ ấu cũng ảnh hưởng rất lớn đến cách chúng ta nhìn nhận các mối quan hệ sau này. Nếu không đối mặt và nhìn nhận quá khứ của mình thì chúng ta sẽ dễ dàng mắc phải những sai lầm trước đó.
Trị liệu tâm lý
Hiện nay, khoa học đã cho ra rất nhiều biện pháp hữu ích để chữa chấn thương tâm lý như liệu pháp nhận thức, trò chuyện cùng bác sĩ tâm lý, tâm lý trị liệu,... Việc trị liệu sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cảm xúc và hành vi của mình, đồng thời giúp bạn tìm kiếm cách giải quyết vấn đề đúng đắn.
![Hội chứng sợ sự thân mật (Fear of Intimacy): Dấu hiệu, nguyên nhân và cách khắc phục 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/hoi_chung_so_su_than_mat_fear_of_intimacy_dau_hieu_nguyen_nhan_va_cach_khac_phuc_3_14904b9ab6.jpg)
Trên đây là một số thông tin về hội chứng sợ sự thân mật (Fear of Intimacy), một tình trạng tâm lý khá phổ biến và gây ảnh hưởng đáng kể đến người bệnh. Việc tìm hiểu về chứng bệnh này không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các vấn đề tâm lý mà còn giúp ta học cách đối xử nhẹ nhàng hơn với những người bị mắc bệnh để tạo nên một môi trường nơi người bệnh có thể tìm kiếm sự hỗ trợ và điều trị phù hợp.