Cách chữa tiêu chảy bằng lá lốt hiệu quả và những điều cần lưu ý
Không chỉ dùng để chế biến trong các món ăn, lá lốt còn được nhiều người sử dụng để trị bệnh, trong đó có tiêu chảy. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách chữa tiêu chảy bằng lá lốt. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý đến các triệu chứng và mức độ của bệnh để áp dụng sao cho hiệu quả nhé!
Tại sao có thể chữa tiêu chảy bằng lá lốt?
Theo Đông y, lá lốt là loại thảo dược có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng giảm đau, dùng trị phong thấp, tê tay tê chân, ra mồ hôi nhiều, đặc biệt là có khả năng làm ấm bụng, đầy hơi và trị chứng tiêu chảy cấp hiệu quả.
Theo kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Dược Hà Nội, trong lá lốt có chứa các thành phần hóa học như tinh dầu (tỷ lệ 0,57%), piperin, piperidin. Kết quả thực nghiệm cũng cho thấy nước ép lá lốt tươi và lá lốt khô đều có tác dụng như kháng sinh, chống viêm rõ rệt trên chủ thể gây viêm thực nghiệm.a
Trong lá lốt chứa nhiều thành phần chống oxy hóa, có khả năng chống viêm và kháng khuẩn, có tác dụng như kháng sinh tự nhiên, chống viêm, có tác dụng mạnh đối với các khuẩn gây bệnh, cả ở vi khuẩn đường tiêu hóa như E.coli, Salmonella typhi, Staphylococcus,... Nhờ đó, lá lốt có thể ức chế vi khuẩn và làm giảm tình trạng đi phân lỏng, đau bụng, buồn nôn,...
![chua-tieu-chay-bang-la-lot-1.jpg](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/chua_tieu_chay_bang_la_lot_1_5696599744.jpg)
Chữa tiêu chảy bằng lá lốt có hiệu quả không?
Như các thông tin đã nêu ở trên, lá lốt có những hoạt chất có thể dùng để điều trị tiêu chảy. Tuy nhiên, đây thực sự có phải là giải pháp hữu hiệu nên áp dụng hay không? Thực ra, chưa có một nghiên cứu khoa học nào khẳng định việc dùng lá lốt có hiệu quả thực sự với căn bệnh này. Đây vẫn chỉ là mẹo dân gian truyền miệng được nhiều người truyền tai nhau.
Mặc dù vậy, lá lốt vẫn được coi là một loại thảo dược tự nhiên khá lành tính. Bạn có thể sử dụng lá lốt để trị tiêu chảy trong trường hợp bệnh chưa quá nặng, số lần đi ngoài chưa quá nhiều, cơ thể chưa bị mất nước trầm trọng.
Ngược lại, khi bạn gặp các hiện tượng như đi ngoài liên tục, đi quá 7 - 8 lần trong ngày, hoa mắt, chóng mặt, người đuối sức, có tình trạng mất nước,... thì bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và chỉ định dùng các thuốc trị tiêu chảy phù hợp.
![chua-tieu-chay-bang-la-lot-2.jpg](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/chua_tieu_chay_bang_la_lot_2_2fdba23898.jpg)
Cách chữa tiêu chảy bằng lá lốt cực hiệu nghiệm
Dưới đây là một số cách chữa tiêu chảy bằng lá lốt mà bạn có thể tham khảo áp dụng khi bệnh vẫn ở mức độ nhẹ nhé!
Bài thuốc từ củ riềng và lá lốt
Với bài thuốc này, bạn cần chuẩn bị 10g củ riềng và 20g lá lốt, sau đó bạn đem rửa sạch. Tiếp theo, bạn cho tất cả các nguyên liệu trên vào đem sắc đến khi nước cạn và cô đặc lại thì dùng để uống. Với trẻ em, bạn nên uống từ 2 - 3 lần liên tục, mỗi lần cách nhau khoảng 1 tiếng. Người lớn có thể uống với lượng và tần suất nhiều hơn.
Bài thuốc trị tiêu chảy với lá lốt tươi
Nếu bạn bị tiêu chảy, đồng thời mắc các chứng như nấc cụt, buồn nôn và nôn mửa, bạn có thể lấy khoảng 30 - 50g lá lốt tươi rửa sạch, sau đó nhai sống và nuốt lấy nước. Hoặc bạn có thể lấy khoảng 30g lá lốt tươi đun với 300ml nước cho đến khi nước cô lại còn 100ml thì uống trong 3 – 5 ngày.
Bài thuốc trị tiêu chảy do viêm đại tràng
Bài thuốc này sử dụng lá lốt kết hợp với nhiều nguyên liệu khác, phù hợp sử dụng trong trường hợp bạn gặp phải tình trạng tiêu chảy do viêm đại tràng mãn tính. Bạn cần chuẩn bị 12g củ riềng, 12g cam thảo, 16g củ đinh lăng, 16g sơn thù, 16g lá khổ sâm, 20g rễ và thân lá lốt, 12g búp ổi, 16g bạch truật. Sau đó, bạn đem các nguyên liệu trên rửa sạch rồi sắc lấy nước uống. Tốt nhất, bạn nên kiên trì uống mỗi ngày 3 lần trong vòng 1 tháng. Bởi việc tiêu chảy do viêm đại tràng mãn tính thường có xu hướng kéo dài hơn các nguyên nhân khác.
Bài thuốc kết hợp lá lốt, búp ổi, khổ sâm, nụ sim
Với bài thuốc này, bạn cần chuẩn bị 1g bột búp ổi, 5g lá khổ sâm, 2g nụ sim, 10g lá lốt. Sau đó, bạn sao vàng các nguyên liệu trên và tán bột. Mỗi ngày bạn dùng 2 lần, mỗi lần dùng 10g uống với nước sắc củ sắn dây và gạo nếp rang. Kiên trì thực hiện trong 3 - 5 ngày bạn sẽ thấy chứng đi ngoài giảm đáng kể.
![chua-tieu-chay-bang-la-lot-3.jpg](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/chua_tieu_chay_bang_la_lot_3_c5b9ebc50e.jpg)
Bài thuốc trị tiêu chảy cho người huyết áp thấp
Nếu bạn bị rối loạn tiêu hóa kèm theo các triệu chứng như đau bụng, có cảm giác cuộn trong bụng, đại tiện nhiều lần, buồn nôn, huyết áp thấp bất thường, bạn có thể áp dụng bài thuốc như sau. Bạn chuẩn bị các nguyên liệu bao gồm 20g lá lốt, 16g bạch truật, 16g hạt sen, 16g cây cứt lợn, 20g rau má sao khô, 12g củ riềng, 12g cam thảo, 12g hậu phác, 8g sinh khương, 16g sâm bố chính, 16g bạch biển đậu, 12g trần bì sao khô. Bạn cho tất cả các nguyên liệu trên vào nồi rồi sắc lên, uống mỗi ngày 1 thang, chia làm 3 lần. Kiên trì áp dụng trong vòng 1 tuần để đạt hiệu quả tốt nhất.
Cháo lá lốt trị tiêu chảy
Ăn cháo lá lốt cũng là giải pháp chữa tiêu chảy hiệu quả. Đây còn là cách bù nước rất hiệu quả trong trường hợp đi ngoài bị mất nước. Bạn chuẩn bị khoảng 100g gạo tẻ, 1 nắm hành tươi, 30g cành nụ lá lốt khô. Sau đó bạn tán mịn lá lốt khô, mỗi lần dùng khoảng 9g. Tiếp theo, bạn nấu nước hành tươi rồi gạn lấy nước. Bạn cho tiếp gạo tẻ đã vo sạch vào nồi, thêm nước vừa đủ nấu cháo, khi cháo chín bạn cho nước hành tươi và bột lá lốt khô vào khuấy đều. Bạn chờ cháo nguội và thưởng thức.
Trị tiêu chảy bằng lá lốt cần lưu ý những gì?
Chữa tiêu chảy bằng lá lốt đem lại hiệu quả điều trị tốt. Tuy nhiên, cần lưu ý một số điều sau khi áp dụng các mẹo trị tiêu chảy bằng lá lốt:
- Các phương pháp chữa tiêu chảy bằng lá lốt được sử dụng để điều trị những trường hợp bị tiêu chảy nhẹ, không nên áp dụng trong trường hợp tiêu chảy do vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng.
- Cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên môn để đạt được hiệu quả chữa tiêu chảy tốt nhất.
- Phương pháp trị tiêu chảy bằng lá lốt chỉ mang tính tạm thời, không phù hợp để điều trị lâu dài.
- Khi bị tiêu chảy, điều quan trọng cần làm là bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể để hạn chế tình trạng mất nước. Người bệnh cần kết hợp với chế độ ăn uống khoa học, hợp vệ sinh, tránh ăn chất béo và thực phẩm lạnh.
- Bạn nên giữ vệ sinh thật tốt để phòng ngừa và hạn chế tiêu chảy tái phát. Rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên để nâng cao sức đề kháng.
- Không dùng phương pháp uống nước lá lốt chữa tiêu chảy cho trẻ sơ sinh, vì trẻ trong giai đoạn này chỉ nên bú sữa mẹ. Đối với trẻ lớn hơn, trước khi trị tiêu chảy cho bé bằng lá lốt, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được những mẹo chữa tiêu chảy bằng lá lốt hiệu quả cũng như những lưu ý khi dùng lá lốt trị tiêu chảy. Tiêu chảy là một bệnh lý khá nguy hiểm nếu không được khắc phục kịp thời. Do đó, bạn cần lưu ý lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, nếu bệnh nặng cần sớm đến cơ sở y tế để được thăm khám để không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhé!