Hạch ở nách trái trẻ em cảnh báo điều gì? Có nguy hiểm không?
Trẻ bị nổi hạch có thể là phản ứng miễn dịch đơn thuần nhưng cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bé đang gặp vấn đề về sức khỏe. Do đó ba mẹ cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân cũng như cách điều trị để trẻ không gặp những biến chứng xấu có thể xảy ra. Dưới đây là những thông tin phụ huynh cần biết về hạch ở nách trái trẻ em.
Triệu chứng sưng hạch ở nách của trẻ
Hạch là một tổ chức lympho thuộc hệ bạch huyết, có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Thông thường, các hạch này không nổi lên và sờ rõ được, chỉ khi cơ thể có vấn đề về sức khỏe mới sưng lên và sờ được chúng. Trẻ em là đối tượng thường xuyên tiếp xúc với các dị nguyên, các bệnh nhiễm trùng nên hiện tượng sưng hạch bạch huyết ở trẻ là không hiếm gặp.
Trẻ nổi hạch ở nách dễ phát hiện hơn so với người lớn bởi kích thước cơ thể trẻ còn nhỏ nên khi nổi hạch cũng dễ dàng phát hiện hơn. Nếu hạch có kích thước nhỏ hơn 2cm, khi ba mẹ sờ nắn tại khu vực nách của trẻ không thấy chúng di động, không sưng nóng và trẻ không có biểu hiện gì khác thì phần lớn là hạch lành tính.
Nếu thấy trẻ nổi hạch kèm theo một số triệu chứng khác như sốt kéo dài, sụt cân, quấy khóc, đổ mồ hôi về đêm thì có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó. Trường hợp này cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để được tư vấn và có phương pháp điều trị hiệu quả.
![Trẻ nổi hạch ở nách thường có dấu hiệu nóng cơ thể nhẹ](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/hach_o_nach_trai_tre_em_canh_bao_dieu_gi_co_nguy_hiem_khong_1_7ad5e34294.jpg)
Nguyên nhân gây nổi hạch ở nách trái trẻ em
Phản ứng miễn dịch ở trẻ sau khi tiêm vắc-xin ngừa lao
Nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị nổi hạch ở nách trái là do phản ứng thông thường của cơ thể sau khi tiêm phòng vắc-xin lao. Một số trẻ nhỏ sau khi tiêm vắc-xin ngừa lao BCG một thời gian có thể xuất hiện hạch ở nách bên trái (tương ứng với bên tiêm phòng).
Nhìn chung, trường hợp này không đáng lo ngại nên ba mẹ không cần quá lo lắng. Những hạch này thường ít gây đau, sốt, không mưng mủ và sẽ tự biến mất sau một thời gian. Một số bé có phản ứng mạnh sau khi tiêm phòng như sưng to, tấy đỏ, chảy mủ, quấy khóc nhiều,... thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và tư vấn.
![Hạch ở nách trái trẻ em dễ bị sưng to gây đau và sốt](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/hach_o_nach_trai_tre_em_canh_bao_dieu_gi_co_nguy_hiem_khong_2_98e91fb857.jpg)
Do bị nhiễm trùng
Hạch ở nách trẻ em cũng có thể xuất hiện do cơ thể bị viêm nhiễm, nhiễm trùng. Tình trạng viêm nhiễm da vùng nách hay các vết thương ngoài da vùng lân cận như ngực, cánh tay, bàn tay,... đều có thể khiến hạch ở nách sưng to và gây ra đau đớn ở trẻ.
Trường hợp trẻ bị nhiễm trùng vùng nách mạn tính thì các hạch này sẽ tồn tại dai dẳng và có xu hướng tăng lên về số lượng và kích thước. Số lượng hạch nhiều có thể dính thành chùm hoặc dính vào các tổ chức xung quanh gây hạn chế vận động cho cơ thể.
Trẻ mắc bệnh lý ác tính
Dù hiếm xảy ra nhưng nếu trẻ bị mắc một số bệnh lý ác tính như ung thư hắc tố, ung thư bạch cầu cấp, HIV-AIDS, bệnh Brucella,... cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ nổi hạch ở nách. Đây là những bệnh lý nguy hiểm, gây đe dọa đến tính mạng của trẻ nhưng đa số gặp ở người lớn, ít gặp ở trẻ nhỏ.
Cách điều trị sưng hạch bạch huyết vùng nách ở trẻ nhỏ
Dựa vào nguyên nhân gây nên tình trạng nổi hạch nách ở trẻ là gì thì sẽ có các biện pháp xử lý khác nhau:
- Nếu trẻ bị nổi hạch ở nách trái do tiêm phòng vắc-xin ngừa bệnh lao, hạch không sưng to, không gây sốt hay đau nhức thì không cần quá lo lắng vì hạch sẽ tự biến mất sau vài tháng. Ba mẹ hãy bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, vệ sinh cơ thể bé và môi trường sống xung quanh sạch sẽ để cơ thể trẻ nhanh hồi phục.
- Nếu hạch nổi lên do trẻ bị nhiễm trùng, hạch gây sưng đau, sốt, có mủ,... thì hãy đưa bé đến ngay bác sĩ chuyên khoa nhi để được điều trị đúng bệnh, đúng cách. Hạch sẽ co lại và khỏi hẳn sau khi tìm ra nguyên nhân nhiễm trùng và điều trị dứt điểm tình trạng viêm nhiễm.
- Nếu nghi ngờ trẻ bị nổi hạch ở nách do có dấu hiệu của bệnh lý ác tính thì cần đi bệnh viện để được thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Bác sĩ sẽ chọc hút tế bào bằng kim nhỏ để lấy mẫu tế bào và quan sát dưới kính hiển vi, hoặc sinh thiết hạch làm giải phẫu bệnh để đưa ra kết luận chính xác nhất.
Ngoài ra, phụ huynh cũng cần lưu ý tránh sờ nắn hạch thường xuyên, tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác nếu không có sự đồng ý của bác sĩ. Nếu hạch lành tính, sưng nhẹ, ba mẹ có thể đắp một chiếc khăn ấm lên vùng sưng để bé giảm đau.
![Thăm khám bác sĩ sớm nhất để ngăn ngừa hạch ở nách trẻ bị biến chứng nặng](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/hach_o_nach_trai_tre_em_canh_bao_dieu_gi_co_nguy_hiem_khong_3_fc2e1162d6.jpg)
Trên đây là những thông tin cung cấp giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về sưng hạch ở nách trái trẻ em. Tốt nhất, nếu bé gặp tình trạng nổi hạch ở nách trong thời gian dài thì nên đưa đi thăm khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp, kịp thời.
Cẩm Ly
Nguồn: Tổng hợp