Hạ đường huyết và cách phòng tránh đơn giản
Hạ đường huyết và cách phòng tránh đúng đắn, phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định bạn có mắc phải căn bệnh này không.
Bệnh hạ đường huyết xảy ra khi lượng glucose trong máu xuống thấp hơn mức bình thường. Glucose là một trong những nguồn năng lượng quan trọng cho cơ thể. Trường hợp nồng độ đường huyết hạ xuống mức quá thấp khiến các tế bào và cơ não không đủ năng lượng để hoạt động đúng cách, từ đó dẫn đến các triệu chứng như người mệt mỏi, đói lả người, vã mồ hôi, ngất xỉu, hôn mê… thậm chí có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời. Tuy nhiên, bạn có thể phòng tránh hạ đường huyết bằng những cách sau đây.
![Hạ đường huyết và cách phòng tránh đơn giản 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/ha_duong_huyet_va_cach_phong_tranh_1_df225bb158.jpg)
1. Hạ đường huyết và cách phòng tránh bằng việc thường xuyên kiểm tra đường huyết
Kiểm tra đường huyết thường xuyên ít nhất một lần mỗi ngày khi thức dậy vào buổi sáng và trước khi ăn là cách tốt nhất để bạn phòng ngừa hạ đường huyết. Bạn nên ghi chép lại các chỉ số, ngày giờ đo vào một quyển sổ tay để tiện theo dõi. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường nhất là tiểu đường loại 1, nồng độ đường huyết có thể lên xuống thất thường, nên kiểm tra thường xuyên hơn, có thể lên đến 4 lần mỗi ngày.
2. Chia nhỏ bữa ăn thành 3 bữa chính và 3 bữa phụ
Chia nhỏ bữa ăn giúp cung cấp năng lượng một cách thường xuyên cho cơ thể, phòng ngừa tình trạng đường huyết xuống thấp quá mức quy định. Bạn cũng nên sắp xếp thời gian sao cho khoảng cách giữa các bữa chính và bữa ăn nhẹ cách đều nhau. Ngoài ra, việc bỏ một bữa nhẹ hoặc ăn muộn hơn bình thường có thể dẫn đến hạ đường huyết.
![Hạ đường huyết và cách phòng tránh đơn giản 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/ha_duong_huyet_va_cach_phong_tranh_2_de15ab612e.jpg)
3. Hạ đường huyết và cách phòng tránh bằng việc xây dựng một chế độ ăn cân bằng
Một bữa ăn cân bằng và lành mạnh luôn phải có đầy đủ protein, carbohydrate phức hợp và rau củ quả. Những loại thực phẩm giàu protein mà bạn có thể lựa chọn là thịt đỏ, thịt gà, cá… Carbohydrate phức hợp nên chiếm 40 - 60% bữa ăn hàng ngày của bạn và có thể đến từ nguồn gạo lứt, đậu, bánh mì nguyên hạt cùng nhiều loại rau như cải xoăn, bắp cải và bông cải xanh. Những loại hoa quả tốt cho người hạ đường huyết gồm có cam, đào, nho, việt quất, dâu tây, dưa hấu… bởi chúng giàu đường, có thể giúp tăng đường huyết một cách tự nhiên.
4. Hạn chế việc tiêu thụ caffeine
Caffeine có thể gây ra triệu chứng tương tự hạ đường huyết và khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn. Chính vì vậy, cần tránh tiêu thụ thức uống và thực phẩm chứa hàm lượng caffeine cao như cà phê, trà, một số loại soda.
5. Luôn mang theo món ăn nhẹ bên mình
Nếu bạn là người có nguy cơ hạ đường huyết, hãy nhớ mang theo món ăn nhẹ bên người, chúng sẽ giúp ổn định đường huyết nhanh chóng khi cần thiết. Những thực phẩm tiện lợi và tốt cho sức khỏe mà bạn có thể lựa chọn bao gồm phô mai sợi, các loại hạt, sữa chua, hoa quả và sinh tố.
6. Tập thể dục đúng thời điểm
Tập thể dục rất tốt cho sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, hoạt động thể chất có thể khiến nồng độ glucose hạ xuống mức quá thấp nếu tập sai thời điểm. Bạn chỉ nên tập sau bữa ăn 30 phút đến 1 tiếng. Đồng thời, cần phải kiểm tra nồng độ đường huyết trước và sau khi tập luyện, mang theo món ăn nhẹ nếu tập cường độ mạnh…
![Hạ đường huyết và cách phòng tránh đơn giản 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/ha_duong_huyet_va_cach_phong_tranh_3_5137f2a1f3.jpg)
Hường