Giải đáp thắc mắc: Mẹ cần rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh đến mấy tháng?
Dù là trẻ bú bình hay bú mẹ thì tình trạng nhiễm nấm miệng vẫn có thể xảy ra. Do đó, mẹ cần rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh thường xuyên để phòng ngừa và điều trị bệnh nấm miệng. Tuy nhiên, mẹ cần rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh đến mấy tháng: 6 tháng, 1 tuổi hay 2 tuổi? Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu nhé.
Rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh đến mấy tháng thì ngưng?
![Giải đáp thắc mắc: Mẹ cần rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh đến mấy tháng? 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/giai_dap_thac_mac_me_can_ro_luoi_cho_tre_so_sinh_den_may_thang_1_6597c87da8.png)
Việc rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh cũng giống như việc người lớn đánh răng hàng ngày. Rơ lưỡi có tác dụng loại bỏ cặn sữa trong lưỡi, hạn chế được tình trạng nấm miệng và tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh. Nếu mẹ rơ lưỡi đúng cách, trẻ không chỉ hạn chế các bệnh về răng miệng mà còn ăn ngon, ngủ kỹ hơn. Do đó, mẹ nên vệ sinh răng miệng thường xuyên, đặc biệt với những bé dưới 1 tuổi.
Mẹ nên chú ý rơ lưỡi cho trẻ theo từng giai đoạn:
Trẻ từ 0-4 tháng tuổi
Chuẩn bị
Một miếng gạc rơ lưỡi đã tiệt trùng.
Nước muối sinh lý.
Chén nhỏ.
Cách làm
Quấn miếng gạc rơ lưỡi hay xỏ gạc dạng ống vào ngón tay trỏ của mẹ, chấm vào bát nước muối sinh lý.
Một tay mẹ bế con tựa vào lòng, đầu trẻ nhô cao, đặt tay đeo miếng gạc đặt vào miệng trẻ.
Rơ miệng cho trẻ từ hai bên má, nướu rồi bắt đầu làm sạch vùng lưỡi.
Trẻ từ 5 tháng-1 tuổi
Chuẩn bị
Một miếng gạc vô trùng.
100ml nước.
5 lá rau ngót.
Một ít muối.
Chén nhỏ.
Cách làm
Rửa sạch lá rau ngót, ngâm 10 phút trong nước muối, vớt ra cho ráo nước.
Đun sôi lá rau ngót.
Vớt lá và giã dập, chắt lấy nước cho vào bát nhỏ.
Mẹ rửa tay sạch sẽ trước khi rơ lưỡi cho trẻ. Quấn gạc rơ lưỡi vào ngón tay trỏ của mẹ chấm vào bát nước lá đã chuẩn bị sẵn.
Một tay bế trẻ trên tay, đặt ngón tay có miếng gạc vào miệng trẻ. Rơ miệng cho trẻ từ hai bên má, lợi rồi bắt đầu làm sạch vùng lưỡi.
Mẹ rơ lưỡi cho bé 1-2 lần/ngày vào buổi sáng và vào buổi tối thường xuyên để giữ vệ sinh miệng thật sạch cho con, đặc biệt đối với trẻ bú bình. Nên rơ lưỡi khi trẻ đang đói, tốt nhất là cách 10 phút trước khi bé bú để tránh bị nôn trớ.
Ngoài cách rơ lưỡi bằng nước muối sinh lý hay lá rau ngót, mẹ cũng có thể dùng lá hẹ cũng rất tốt. Cách pha dung dịch và rơ lưỡi bằng lá hẹ cũng giống như trên. Mẹ chú ý tránh chà xát mạnh gây nhiễm trùng.
![Giải đáp thắc mắc: Mẹ cần rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh đến mấy tháng? 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/giai_dap_thac_mac_me_can_ro_luoi_cho_tre_so_sinh_den_may_thang_2_1_0ee33baa66.jpg)
Tiếp tục rơ lưỡi khi trẻ mọc răng
Khi nướu tách ra để răng mọc lên, vùng miệng của trẻ rất dễ bị vi khuẩn tấn công gây đau, sốt. Trong trường hợp này, mẹ cũng có thể áp dụng phương pháp dân gian để điều trị cho con.
Mẹ có thể dùng lá hẹ có tác dụng kháng viêm, diệt khuẩn. Nếu mẹ sử dụng lá hẹ, cắt nhỏ và giã lấy nước để rơ nướu cho trẻ sẽ tiêu diệt các vi khuẩn ở phần nướu bị viêm. Nhờ vậy, trẻ sẽ giảm sốt, giảm sưng đau và không chảy nước miếng khi mọc răng.
Ngoài lá hẹ, đậu xanh cũng là một trong những loại ngũ cốc giàu dinh dưỡng và rất an toàn với trẻ. Khi nhận thấy bé có dấu hiệu chảy nước miếng, sưng nướu, các mẹ có thể đun sôi đậu xanh, giã nát, xây mịn, dùng gạc quết đậu lên nướu để giúp con không sốt khi mọc răng.
Theo Đông y, rau ngót có vị ngọt, tính mát, giúp cơ thể giải độc, tăng tiết nước bọt, lợi tiểu, hoạt huyết, nhuận tràng, sát khuẩn, tiêu viêm. Nhờ tác dụng sát khuẩn, tiêu viêm nên nước rau ngót cũng được nhiều mẹ sử dụng rơ nướu cho con làm giảm đau, giảm sốt.
Tần suất rơ lưỡi cho trẻ thế nào là hợp lý?
Đối với trẻ không bị nấm lưỡi
Trẻ sơ sinh chưa có khả năng tự vệ sinh miệng nên việc mẹ rơ lưỡi, vệ sinh miệng cho trẻ là đặc biệt cần thiết. Mẹ nên rơ lưỡi cho trẻ ít nhất 1 lần/ngày để loại bỏ cặn sữa trong miệng trẻ, tránh để sữa đóng cặn, lên men tạo môi trường cho vi khuẩn và nấm phát triển.
Lưu ý:
- Vùng miệng của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, mẹ không nên dùng gạc thô ráp vì có thể gây đau và tổn thương.
- Khi trẻ sơ sinh bị cặn sữa bám lưỡi, mẹ dùng gạc rơ lưỡi chà nhẹ cho trẻ, các mảng trắng do cặn sữa sẽ giảm hoặc mất hẳn đi.
Với trẻ đang mọc răng, mẹ nên rơ lưỡi 2 lần/ngày.
Khi trẻ mọc răng, nướu bị nứt nên dễ nhiễm khuẩn, gây sưng viêm, gây ngứa hoặc đau. Vì vậy, mẹ nên dùng gạc rơ nướu cho trẻ khoảng 2 lần/ngày để loại bỏ bớt vi khuẩn, giảm tình trạng sưng viêm và ngứa cho trẻ dễ chịu hơn.
Mẹ lưu ý rơ nhẹ nhàng, tránh chạm mạnh vào răng bé đang mọc.
Với trẻ có răng nhưng chưa biết đánh răng, mẹ nên rơ lưỡi và khoang miệng cho trẻ 2 lần/ngày để loại bỏ thức ăn thừa, phòng tránh một số bệnh răng miệng như sâu răng, viêm nướu, nấm lưỡi… Mẹ nên rơ lưỡi lúc trẻ mới thức dậy và trước khi đi ngủ.
Mẹ nên chọn loại gạc có tẩm dung dịch kháng khuẩn, kháng nấm để phòng ngừa bệnh nấm miệng, sâu răng.
Đối với trẻ bị nấm lưỡi
Đối với trẻ sơ sinh bị mảng trắng do nấm lưỡi thì gạc rơ lưỡi có tác dụng làm sạch lưỡi, khoang miệng, đồng thời diệt vi khuẩn, vi nấm. Mẹ nên rơ lưỡi cho trẻ thường xuyên hơn khoảng 3 lần/ngày để bệnh nhanh khỏi hơn.
Mẹ lưu ý rằng nên thao tác rơ lưỡi thật nhẹ nhàng, không chà xát mạnh, không cố cạo mảng trắng trên lưỡi trẻ.
Mẹ nên cho trẻ đi khám bệnh sớm để được tư vấn và điều trị đúng cách.
Cách rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi
![Giải đáp thắc mắc: Mẹ cần rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh đến mấy tháng? 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/giai_dap_thac_mac_me_can_ro_luoi_cho_tre_so_sinh_den_may_thang_3_f5d701a543.png)
Trước khi làm vệ sinh miệng, lưỡi cho trẻ sơ sinh, mẹ cần rửa tay sạch sẽ, chuẩn bị sẵn một bát nước ấm hoặc nước muối sinh lý hoặc bạn có thể dùng thuốc rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh.
Quấn gạc rơ lưỡi hay xỏ gạc dạng ống vào ngón tay trỏ, nhúng miếng gạc vào dung dịch rơ lưỡi để làm ướt gạc.
Mẹ đặt trẻ nằm lên một tay, đầu trẻ nhô cao, ngang bằng ngực mẹ.
Đặt ngón tay lên môi của trẻ để tách miệng con ra.
Đặt nhẹ ngón tay vào vệ sinh hai bên trong má, nướu và răng, sau đó chà nhẹ trên mặt lưỡi.
Mẹ không nên sử dụng kem đánh răng có chứa fluoride vì trẻ có thể nuốt kem đánh răng.
Thực hiện quy trình vệ sinh miệng lưỡi cho trẻ ít nhất 1 lần/ngày vào buổi sáng, đặc biệt khi trẻ chưa bú.
Mẹ nên ngưng rơ lưỡi khi trẻ quấy khóc, khó chịu.
Lưu ý khi dùng gạc rơ lưỡi cho trẻ
Mẹ chỉ nên dùng gạc một lần, sau khi rơ lưỡi không được sử dụng lại.
Không rơ lưỡi lúc trẻ no vì trẻ dễ bị nôn trớ.
Sau khi rơ xong, cách 20-30 phút mới cho trẻ ăn uống để dịch tẩm trong gạc có thời gian phát huy tác dụng.
Đối với trẻ dưới 1 tuổi, trong quá trình rơ lưỡi mẹ nên thường xuyên vỗ về trẻ, thu hút trẻ bằng âm thanh, hình ảnh ngộ nghĩnh.
Đối với trẻ 1-5 tuổi, mẹ cần hướng dẫn trẻ tự súc miệng, đánh răng.
Vậy, cần phải rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh đến mấy tháng thì ngưng? Mẹ nên tiếp tục thực hiện việc này cho đến khi con có thể đánh răng là được.
Quỳnh Trang
Nguồn tham khảo: Tổng hợp