Giặt đồ chung có bị lây sùi mào gà không?
Theo thống kê, có khoảng 50% người hoạt động tình dục có nguy cơ mắc bệnh sùi mào gà và chỉ có 1 - 2% có triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, bệnh sùi mào gà cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng do bệnh gây ra như dẫn đến những bệnh ác tính, sang thương to lên làm chèn ép niệu đạo, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, đời sống tình dục của người bệnh. Cùng với việc phát hiện sớm và điều trị, cách phòng ngừa căn bệnh sùi mào gà cũng đang rất được quan tâm. Để trả lời câu hỏi giặt đồ chung có bị lây sùi mào gà không, trước hết chúng ta cần tìm hiểu những vấn đề sau.
Một số thông tin về bệnh sùi mào gà
Human Papillomavirus (thường được viết tắt là HPV) là một loại virus gây tăng sinh, tạo u nhú ở da. Có khoảng hơn 200 loại HPV và được chia thành 2 nhóm đó là:
- Gây bệnh ở da: Tạo nên những tăng sinh, u nhú ở da và thường được gọi là mụn cóc.
- Gây bệnh ở niêm mạc: Ở nhóm này thường được gọi là nhóm HPV sinh dục chia thành nhóm nguy cơ cao (loại 16 và 18, gây ra ung thư niêm mạc, ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật) và nhóm nguy cơ thấp (loại 6 và 11, gây ra bệnh sùi mào gà, u nhú đường hô hấp và thanh quản, gây ra biến đổi tiền ung thư niêm mạc).
Sang thương của bệnh sùi mào gà
Sùi mào gà có thể tạo sang thương u nhú ở nhiều dạng như u nhú lồi, sang thương u nhú phẳng, sang thương u nhú hình súp lơ, hình sợi, dạng nấm, dạng nốt, dạng mảng hay cũng có thể không có sang thương dù vùng da đó đã bị nhiễm virus (ở giai đoạn sớm). Những vị trí thường thấy sang thương là âm hộ, dương vật, nếp bẹn, da hậu môn, da quanh hậu môn da vùng trên mu và những vùng thường bị bỏ sót như niệu đạo, cổ tử cung.
Sùi mào gà thường mềm khi sờ với số lượng đơn lẻ hoặc nhiều, đôi khi có cảm giác ẩm ướt, màu sắc đa dạng như màu trắng, màu da, ban đỏ, tím, nâu, hoặc tăng sắc tố và thường không có triệu chứng nhưng đôi khi có thể gây ngứa và khi bị trầy hay chảy máu có thể gây nhiễm trùng da vùng sang thương.
Đường lây truyền của sùi mào gà
Vâỵ cách thức lây lan của virus HPV gây bệnh sùi mào gà như thế nào và liệu rằng tiếp xúc thông thường giữa da với da hay giặt đồ chung có bị lây sùi mào gà không? HPV có thể lây truyền qua nhiều đường như sau:
- Quan hệ tình dục: Là con đường lây truyền thường gặp nhất ở bệnh sùi mào gà, quan hệ tình dục không an toàn kể cả quan hệ qua đường miệng hay hậu môn với những người mang mầm bệnh cũng sẽ dễ dàng mắc bệnh.
- Đường từ mẹ sang con: Trong những trường hợp người mẹ mắc bệnh, mẹ sẽ lây nhiễm virus cho con trong quá trình sinh nở qua ngã âm đạo.
- Đường tiếp xúc da với da: HPV có thể lây lan qua tiếp xúc da kề da, ở những vùng không được bao cao su che chắn như vùng da quanh âm hộ, vùng da quanh hậu môn hay vùng da ở bẹn, miệng, hầu họng,...
- Khác: Lây gián tiếp qua đồ dùng cá nhân như khăn tắm, quần áo, bàn chải đánh răng, quần lót, dao cạo râu đã tiếp xúc người bị nhiễm HPV cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Virus gây bệnh sùi mào gà tồn tại trong môi trường bao lâu?
Virus HPV cũng như các loại virus khác đều cần kí sinh bắt buộc trong tế bào sống và bản thân virus cũng không có khả năng trao đổi chất và không thể nhân lên ở ngoài tế bào sống. Tuy nhiên, virus HPV cũng có thể tồn tại ở ngoài môi trường một thời gian ngắn trong điều kiện thuận lợi và nếu chúng có một số lượng đủ nhiều thì có thể lây lan và gây bệnh. Thí dụ như có người xài khăn tắm lau vào những nói có sang thương của bệnh sùi mào gà và không lâu sau đó bạn lấy sử dụng, trực tiếp tiếp xúc với da, cơ thể bạn thì khả năng rất cao bạn sẽ bị nhiễm bệnh.
Nói chung virus có sức đề kháng kém, ở nhiệt độ 60 độ C, hầu hết các virus chỉ chịu đựng được khoảng 10 - 30 phút và khi sử dụng các thuốc sát khuẩn như Clo, xà phòng hay sử dụng tia cực tím đều có thể diệt nhanh được virus.
Giặt đồ chung có bị lây sùi mào gà không?
Để giải đáp cho thắc mắc giặt đồ chung có bị lây sùi mào gà không thì câu trả lời là không, vì hầu hết cả loại virus nói chung và virus HPV nói riêng đều có sức đề kháng khá kém khi ở ngoài tế bào sống của vật chủ. Khi ở bên ngoài môi trường chúng không thể trao đổi chất cũng như nhân đôi và chết ngay sau đó. Khi giặt quần áo, trường hợp virus đã bám dính và tồn tại trong quần áo của người mắc bệnh, giặt quần áo bằng các loại bột giặt và chất tẩy có tính xà phòng, tẩy rửa khá mạnh, là một môi trường diệt khuẩn nên virus HPV không thể nào tồn tại được. Tuy nhiên cần phải lưu ý một số vấn đề sau để đảm bảo không làm lây lan virus:
- Giặt đồ phải đủ lâu và sạch, sử dụng đúng, đủ liều lượng bột giặt cũng như các chất tẩy rửa khác.
- Không nên tiếp xúc trực tiếp quần áo của người mắc bệnh khi chưa giặt rửa.
- Tốt nhất, quần áo và đồ dùng sinh hoạt của người mắc bệnh nên được để riêng và giặt rửa riêng để tránh những rủi ro không đáng có.
- Thường xuyên vệ sinh lồng giặt, nhà cửa, nhà vệ sinh và các dụng cụ cá nhân của người bệnh cần được sát khuẩn, làm sạch sau khi sử dụng.
Như vậy bài viết trên đã trả lời cho bạn câu hỏi giặt đồ chung có bị lây sùi mào gà không? Cũng như giúp bạn hiểu rõ hơn về virus HPV và các đường lây truyền của chúng. Sức khỏe của bạn là vốn quý nhất, chúng ta phải bảo vệ sức khỏe bằng cách trang bị những kiến thức cần thiết để phòng ngừa, phát hiện kịp thời và điều trị dứt điểm những căn bệnh ảnh hướng đến đời sống của chính bản thân ta.
Xem thêm: