Điều trị suy hô hấp sơ sinh: Có những phương pháp nào?

Suy hô hấp là tình trạng rối loạn chức năng hô hấp dẫn tới thiếu oxy và làm tăng lượng CO2 trong máu. Từ đó dẫn tới lượng PaO2, PaCO2, pH không có khả năng duy trì ở mức được chấp nhận và hậu quả dẫn tới là quá trình trao đổi khí không thể thực hiện. Hội chứng suy hô hấp sơ sinh là tình trạng xảy ra ở trẻ sinh non với những dấu hiệu nhận biết điển hình như trẻ bị tím tái do khó thở và cần được cung cấp thêm oxy vào cơ thể.

Có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh. Có thể do nguyên nhân tại đường hô hấp hoặc cũng có thể có nguyên nhân ngoài đường hô hấp. Nguyên nhân tại đường hô hấp thường là trường hợp các bệnh nhi mắc phải bệnh lý về phổi như bệnh màng trong, hội chứng hít, viêm phổi trong tử cung, chậm tiêu dịch phổi, tăng áp động mạch phổi, chảy máu phổi, tràn khí màng phổi, thiểu sản phổi,…

Suy hô hấp sơ sinh

Bệnh lý về phổi là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy hô hấp sơ sinh (Ảnh minh hoạ)

Còn với nguyên nhân xảy ra bên ngoài đường hô hấp là những trường hợp trẻ bị dị tật bẩm sinh như : dị dạng lồng ngực, tim bẩm sinh, thoát vị cơ hoành; hoặc những trẻ bị rối loạn chuyển hoá, bị mất máu hoặc mắc phải các bệnh liên quan tới hệ thần kinh như xuất huyết trong sọ, viêm màng não, ngộ độc morphin,....

Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh nếu không được điều trị kịp thời rất dễ dẫn tới những biến chứng nguy hiểm và thậm chí gây tử vong. Vậy có những phương pháp nào điều trị suy hô hấp sơ sinh?

Về cơ bản, điều trị suy hô hấp sơ sinh được thực hiện dựa trên các nguyên tắc gồm: chống suy hô hấp, chống nhiễm khuẩn, chống toan máu, chống kiệt sức và điều trị theo nguyên nhân.

Chống suy hô hấp

Để chống suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, cung cấp oxy là phương pháp được cho là tối ưu và hiệu quả. Một số các biện pháp được các bác sĩ thường xuyên áp dụng gồm:

  • Hút mũi họng;
  • Kích thích trẻ thở bằng cách đặt trẻ ở tư thế thông đường thở (đầu hơi ngửa ra sau, có thể kê thêm gối mỏng dưới vai);
  • Giữ ấm cho trẻ;
  • Dẫn lưu dạ dày giúp giảm chướng bụng;
  • Cung cấp oxy: Tuỳ thuộc vào mức độ suy hô hấp, các bác sĩ có thể lựa chọn sử dụng các phương pháp như thở oxy qua sonde, thở oxy qua mặt nạ hay đặt nội khí quản, sử dụng máy hỗ trợ thở cho trẻ;
  • Theo dõi độ bão hoà oxy qua da của trẻ để điều chỉnh nồng độ oxy khí thở vào.

Ngoài ra, với những trường hợp bệnh nhi bị suy hô hấp nặng, phương pháp điều trị được sử dụng là kỹ thuật oxy hoá máu màng ngoài cơ thể (ECMO). Phương pháp này được thực hiện bằng cách đặt ống thông mạch máu (cannula) kết nối với hệ thống ECMO để cung cấp oxy màng ngoài cơ thể. Từ đó chuyển hoá lượng máu có oxy vào hệ tuần hoàn để cung cấp oxy cho các cơ quan quan trong của cơ thể. Khi tình trạng suy hô hấp ở trẻ đã được cải thiện có thể rút ống nội khí quản để bệnh nhân có thể tự thở qua hỗ trợ oxy.

Điều trị suy hô hấp sơ sinh

Những trường hợp bệnh nhi bị suy hô hấp nặng sẽ cần sử dụng cả máy thở để hỗ trợ (Ảnh minh hoạ)

Bên cạnh đó, phương pháp sử dụng khí Nitric Oxide cũng được lựa chọn để điều trị suy hô hấp sơ sinh nặng. Phương pháp này đặc biệt có tác dụng trong những trường hợp bệnh nhi bị suy hô hấp do mắc phải các bệnh lý về phổi như viêm phổi hít phân su, bệnh màng trong, cao áp phổi nguyên phát,… Phương pháp Nitric Oxide đực đánh giá là có hiệu quả tốt trong cải thiện oxy hoá máu và không có tác dụng phụ.

Chống toan máu

Nhiễm toan máu là tình trạng nồng độ axit của máu vượt mức bình thường. Độ axit của máu được đô bằng cách xác định độ pH. Khi mà giá trị pH càng lớn thì tính kiềm sẽ lớn, và ngược lại, giá trị độ pH của máu nhỏ thì độ axit trong máu sẽ lớn. Tình trạng này mặc dù có vẻ nhẹ nhưng những khác biệt về nồng độ axit trong máu có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng và thậm chí đe doạ tính mạng

Để giải quyết tình trạng này bù kiềm là phương pháp lý tưởng nhất. Trường hợp bệnh nhi bị toan hô hấp sẽ sử dụng máy thở để loại bỏ lượng khí CO2 trong máu. Ngoài ra, các bác sĩ có thể sẽ thực hiện thêm xét nghiệm HCT, nếu kết quả xét nghiệm dưới 35% sẽ truyền hồng cầu 10ml/kg, và kết quả trên 65% thì sẽ tiến hành thay máu một phần.

Chống nhiễm khuẩn

Trong những trường hợ đặt nội khí quản hoặc khi bệnh nhân bị suy hô hấp kèm ối vỡ sớm, nước ối hôi, mẹ sốt trước khi sinh hay khi khó phân biệt viêm phổi với các nguyên nhân khác, bác sĩ có thể cân nhắc cho người bệnh sử dụng kháng sinh phổ rộng.

Chống kiệt sức

Đây là điều cần đặc biệt chú ý khi điều trị suy hô hấp sơ sinh. Để chống kiệt sức cho bệnh nhi cần lưu ý một số điều như đảm bảo thân nhiệt của trẻ luôn ở mức an toàn (36,5 - 37 độ C), cung cấp oxy ấm và ẩm, cung cấp đủ năng lượng.

Cung cấp năng lượng cho trẻ bằng sữa

Cha mẹ cố gắng cung cấp đủ năng lượng cho con thông qua sữa (Ảnh minh hoạ)

Điều trị nguyên nhân

Muốn điều trị hiệu quả thì cần quan tâm cả nguyên nhân gây bệnh. Ngoại trừ nguyên nhân chính gây ra suy hô hấp sơ sinh là sinh non, có một số nguyên nhân phổ biến khác như:

  • Chậm tiêu dịch phổi: Nguyên nhân này thường xảy ra ở những trẻ đẻ mổ, trẻ lọt quá nhanh hoặc do mẹ sử dụng thuốc ứng chế beta. Thông thường, tình trạng này sẽ được cải thiện trong 24 giờ điều trị. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp sau 24 giờ trẻ vẫn phải sử dụng máy thở. Lúc này, sẽ phải cân nhắc cho bệnh nhân thở áp lực dương liên tục và surfactant.
  • Hội chứng hít phân su: Trường hợp này thường xảy ra ở những bé bị quá ngày sinh. Lúc này phân su tràn vào đường hô hấp chặn đường thở. Hơn nữa, không khí từ bên trong phổi tích tụ trong khoang ngực, xung quanh phổi gây tràn khí màng phổi và gặp khó khăn trong việc tái tạo phổi. Với trường hợp này, ngay lập tức phải hút khí quản trẻ, đặt nội khí quản bơm surfactant. Đồng thời, sử dụng kháng sinh phổ rộng, đề phòng biến chứng tràn khí màng phổi.
  • Viêm phổi trong tử cung: Trường hợp này thường gặp ở những trẻ có mẹ bị nhiễm liên cầu khuẩn B, E.Coli. Để điều trị cần sử dụng kháng sinh phổ rộng để hỗ trợ hô hấp và cân nhắc bơm surfactant.

Suy hô hấp sơ sinh là hội chứng nguy hiểm và cần được điều trị càng sớm càng tốt. Bởi vậy, ngay khi bố mẹ thấy trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào liên quan tới hô hấp, hãy tham khảo ngay ý kiến bác sĩ chuyên khoa để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Hồng Anh

Nguồn: Tổng hợp



Chat with Zalo