Điều trị bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em và những điều cần lưu ý
Hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến việc trẻ nhỏ bị mắc bệnh viêm mũi khi thời tiết thay đổi. Cha mẹ cần làm gì để điều trị bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em?
Bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ nhỏ thường biểu hiện qua các triệu chứng ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi, quấy khóc vào ban đêm... Các bậc cha mẹ cần biết về những biểu hiện, nguyên nhân, cách phòng tránh và chữa trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em để có cách ứng phó hợp lý trong những trường hợp này.
Nguyên nhân viêm mũi dị ứng ở trẻ em
Dựa trên nguyên nhân phát sinh mà bệnh viêm mũi dị ứng chia làm hai loại: theo mùa và quanh năm. Bệnh này thường hay gặp vào mùa xuân, mùa đông, khi phấn hoa phát tán khá nhiều trong không khí, không khí lại quá ẩm thấp tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.
Thông thường nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng là do phản ứng của cơ thể khi gặp các vật lạ như bụi, phấn hoa, lông chó, mèo, bào tử nấm hoặc sự thay đổi thời tiết đột ngột… Khi gặp phải những tác nhân này, lớp niêm mạc của mũi sẽ bị kích thích và gây ra phản ứng viêm.
![Điều trị bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em - những điều cha mẹ cần biết 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/dieu_tri_benh_viem_mui_di_ung_o_tre_em_1_0e21aa9b6b.jpg)
Một số biểu hiện thường gặp ở trẻ khi bị viêm mũi dị ứng
Ngứa mũi là dấu hiệu đầu tiên cho thấy trẻ bị viêm mũi dị ứng. Triệu chứng này làm trẻ cảm thấy ngứa ngáy trong một hoặc cả hai lỗ mũi, vì vậy mà trẻ thường đưa tay lên day mũi hay ngoáy lỗ mũi.
Bên cạnh đó, trẻ sẽ xuất hiện những cơn hắt hơi thành từng tràng hoặc có thể chỉ là những tiếng một. Cơ thể trẻ có thể sốt cao, mệt mỏi, biếng ăn. Có những trẻ thể trạng yếu sẽ quấy khóc và nằm li bì suốt ngày. Thậm chí, nhiều trẻ còn có biểu hiện đi ngoài, nôn trớ thường xuyên khiến cơ thể mất nước.
Phần lớn trẻ bị viêm mũi dị ứng đều cảm thấy kho thở do chất dịch được xuất tiết nhưng không được đẩy ra ngoài. Chúng ứ đọng bên trong lỗ mũi, cản trở đường thở và có thể gây xung huyết nếu không được vệ sinh kịp thời.
Thống kê cho thấy triệu chứng viêm mũi ở trẻ thường xuất hiện và kéo từ 5 – 7 ngày sau đó có thể tự hết hoặc cần phải điều trị. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cần biết rằng nếu không sớm có biện pháp khắc phục, viêm mũi dị ứng có thể biến chứng gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ và khiến trẻ bị viêm phế quản, viêm tai giữa…
![Điều trị bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em - những điều cha mẹ cần biết 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/dieu_tri_benh_viem_mui_di_ung_o_tre_em_1_f7e7f5cc97.jpg)
Ba mẹ nên làm gì khi trẻ bị viêm mũi dị ứng?
Trẻ em cơ địa không giống như người lớn nên khi áp dụng các phương pháp điều trị bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ cần phải cân nhắc cẩn thận, điều trị bệnh cho trẻ một cách an toàn. Viêm mũi dị ứng thì không được xem là căn bệnh nguy hiểm, nhưng khi xuất hiện ở trẻ thì cần được điều trị ngay tránh để bệnh kéo dài dẫn tới các biến chứng và ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Cha mẹ nên tham khảo một số phương pháp sau để làm giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng.
Trước khi ngủ, dùng khăn ấm lau 2 bên cánh mũi của bé. Việc làm này có thể tạm thời làm giảm tình trạng bị tắc mũi, giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn. Bạn cũng nên bôi kem giữ ẩm da lên vùng da dưới mũi để tránh trầy xước da bé do lau chùi nước mũi. Cha mẹ cũng nên tìm hiểu nguyên nhân để hạn chế và không cho trẻ tiếp xúc với nguyên nhân gây dị ứng. Bởi vì, trẻ em cực kỳ hiếu động, thích khám phá nhiều thứ xung quanh vì thế nên rất dễ bị các tác nhân gây dị ứng tác động. Để tránh cho trẻ không bị mẫn cảm với các tác nhân đó bạn nên giữ trẻ tránh xa các loại hoa đang nở có nhiều phấn. Ngoài ra, nếu nhà có trẻ em bạn không nên nuôi thêm chó mèo hay đặt chậu cây trong phòng.
Cha mẹ nên xông hơi cho trẻ bằng cách lấy một cốc nước ấm và cho gần mũi bé để hơi nóng bốc lên nghi ngút. Cách làm sạch bằng hơi nước như vậy rất tốt cho đường hô hấp của con trong mùa Đông. Một điều lưu ý rằng bạn cần đảm bảo rằng lúc đó phòng sạch sẽ, thoáng khí. Ngoài ra, trẻ nên được nhỏ nước muối sinh lý đều đặn. Nước muối sinh lý là loại chuyên dụng để vệ sinh mũi cho trẻ nhỏ, có bán phổ biến ở tất cả các hiệu thuốc. Bạn nên dùng nước muối 0,9% để vệ sinh mũi cho bé. Ngoài ra cũng cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng nước muối để tiêu diệt vi khuẩn, ngăn không cho vi khuẩn phát triển.
![Điều trị bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em - những điều cha mẹ cần biết 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/dieu_tri_benh_viem_mui_di_ung_o_tre_em_2_bb4ef747ee.jpg)
Lưu ý: Với bé dưới 3 tháng, khi bé có dấu hiệu bị sổ mũi và viêm mũi, cha mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị kịp thời; vì giai đoạn này các dấu hiệu viêm mũi và cúm giống nhau nên không chẩn đoán bằng mắt thường được. Cần đưa bé đi khám sớm để hạn chế các nguy cơ viêm phế quản và viêm phổi nguy hiểm cho con.
Mong rằng với những kiến thức đã được cung cấp trong bài, các bậc cha mẹ đã biết cách chăm sóc và trị bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ trong bất cứ tình huống nào.
Tươi