Dị ứng thuốc lá và những điều chưa biết
Thuốc lá chứa một lượng lớn các chất hóa học và bạn có thể bị dị ứng với một trong số chúng. Bạn cũng có thể bị dị ứng với nicotine, một chất hóa học gây nghiện trong thuốc lá. Không chỉ dị ứng nicotine, các chất phụ gia khác trong thuốc lá cũng là những tác nhân đáng lo ngại trong việc kích hoạt phản ứng dị ứng thuốc lá. Bài viết sau đây sẽ đem đến kiến thức giúp bạn hiểu rõ hơn về tác hại của thuốc lá và cách phòng tránh.
Những tác nhân gây dị ứng thuốc lá
Khói thuốc có hơn 7.000 chất hóa học. Trong số những hóa chất đó có hàng trăm chất độc hại và khoảng 70 chất có thể gây ung thư. Điều này gây rủi ro cho tất cả mọi người, nhưng những người bị dị ứng và hen suyễn sẽ bị dị ứng thuốc lá nhiều hơn. Hít phải khói thuốc gây viêm đường hô hấp và làm suy yếu chức năng hô hấp; làm trầm trọng thêm các triệu chứng và kích hoạt các cơn hen suyễn.
Một số thành phần độc hại của khói thuốc bao gồm:
- Nicotine;
- Amoniac;
- Benzen;
- Cadmium;
- Xyanua;
- Fomanđehit;
- Tinh dầu bạc hà (menthol) là chất tạo hương phổ biến trong thuốc lá;
- Colophony là một hóa chất được làm từ nhựa cây thông.
![di-ung-thuoc-la-va-nhung-dieu-chua-biet 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/di_ung_thuoc_la_va_nhung_dieu_chua_biet_1_825392420d.png)
Những hóa chất này rất nguy hiểm khi hít phải và chúng phủ lên các bề mặt nơi có người hút thuốc. Chúng cũng tạo thành bụi lan tỏa trong nơi ở nên tất cả mọi người đều hít phải.
Các triệu chứng dị ứng thuốc lá
Những người bị dị ứng với khói thuốc lá mô tả một vài triệu chứng phổ biến, bao gồm:
- Khó thở;
- Thở khò khè;
- Khàn tiếng;
- Đau đầu;
- Chảy nước mắt;
- Sổ mũi;
- Tắc nghẽn;
- Hắt xì;
- Ngứa;
- Các tình trạng khác liên quan đến dị ứng, chẳng hạn như viêm phế quản và viêm xoang, viêm da tiếp xúc.
Thuốc lá gây ra viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc là một phản ứng dị ứng trên da như mẩn ngứa, mẩn đỏ, viêm da. Phản ứng này xảy ra khi chạm hoặc tiếp xúc với một số tác nhân từ bên ngoài, thuốc lá là một trong số các tác nhân đó. Không hiếm người mắc phải viêm da tiếp xúc do thuốc lá, hay chạm phải thành phần của thuốc lá. Đặc biệt là những công nhân trong nhà máy sản xuất thuốc lá, họ phải tiếp xúc với nguyên liệu hay thành phẩm thuốc lá thường xuyên.
Viêm da tiếp xúc vẫn xảy ra khi dùng các sản phẩm như thuốc lá không khói, thuốc lá nhai với các biểu hiện dị ứng ở trên miệng, môi, nướu răng. Những người có tiền sử viêm da tiếp xúc nên tránh xa thuốc lá để phòng ngừa bệnh tái phát.
![di-ung-thuoc-la-va-nhung-dieu-chua-biet 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/di_ung_thuoc_la_va_nhung_dieu_chua_biet_2_af2bc63135.jpg)
Những ảnh hưởng của khói thuốc đối với trẻ sơ sinh
Nguy cơ thai chết lưu hoặc tử vong sơ sinh tăng đối với phụ nữ hút thuốc trong thai kỳ. Những người mẹ khi mang thai hút thuốc cũng có nguy cơ sinh con bị dị tật tim và hở hàm ếch. Tiếp xúc với khói thuốc có thể gây giảm cân khi sinh và dị tật bẩm sinh.
Sự phát triển của trẻ sơ sinh tiếp tục sau khi sinh. Bộ não và cơ thể đang phát triển có nguy cơ cao hơn do tiếp xúc với khói thuốc. Rủi ro bao gồm:
- Chậm phát triển;
- Tỷ lệ tử vong do Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) cao hơn;
- Phổi yếu và kém phát triển;
- Thường xuyên bị viêm phế quản và viêm phổi trong năm đầu đời;
- Gia tăng số ca nhiễm trùng tai và cảm lạnh;
- Tỷ lệ và mức độ nghiêm trọng của bệnh hen suyễn cao hơn ở trẻ em;
- Hình thành mảng bám trên động mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim khi trưởng thành.
Khói thuốc lá ảnh hưởng đến trẻ em như thế nào
Trẻ nhỏ có vẻ ít bị tổn thương hơn trẻ sơ sinh nhưng cơ thể chúng vẫn đang phát triển. Giống như trẻ sơ sinh, chúng không thể kiểm soát môi trường xung quanh. Khói thuốc làm tăng tỷ lệ:
- Nhiễm trùng phổi như viêm phổi và viêm phế quản;
- Nhiễm trùng tai;
- Cảm lạnh và các bệnh đường hô hấp khác;
- Khó thở và thở khò khè;
- Suy giảm chức năng phổi;
- Viêm xoang;
- Đối với trẻ em bị hen suyễn, khói thuốc lá có thể gây ra cơn hen suyễn. Bệnh thường xuyên hơn có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng và khiến bệnh hen suyễn khó kiểm soát hơn. Tránh hít khói thuốc thụ động là rất quan trọng đối với sức khỏe của tất cả trẻ em.
![di-ung-thuoc-la-va-nhung-dieu-chua-biet 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/di_ung_thuoc_la_va_nhung_dieu_chua_biet_3_84ae33fbc4.jpg)
Làm thế nào để điều trị dị ứng thuốc lá
Một số phương pháp điều trị dành cho bệnh nhân bị dị ứng thuốc lá:
Dùng thuốc: Một số loại thuốc có thể làm giảm phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với các chất gây dị ứng.
Liệu pháp miễn dịch: Phương pháp điều trị sử dụng thuốc tiêm, viên nang hoặc viên nén có thể hòa tan có chứa chất chiết xuất từ chất gây dị ứng đã được tinh chế. Liệu pháp miễn dịch có thể kéo dài vài năm.
Epinephrine: Thuốc này dùng đường tiêm, làm giảm các triệu chứng phản ứng cho đến khi người bệnh có thể được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Các phương pháp phòng tránh dị ứng thuốc lá
Dị ứng với các sản phẩm thuốc lá có thể được kiểm soát theo cách tương tự như các bệnh dị ứng khác được quản lý: dùng thuốc điều trị và tránh tác nhân gây ra dị ứng. Những biện pháp không kê đơn phổ biến chữa dị ứng thuốc lá bao gồm viên ngậm và thuốc thông mũi. Tuy nhiên, tránh dùng và tiếp xúc với thuốc lá là tốt nhất. Những cách thức dưới đây sẽ giảm thiểu việc tiếp xúc với các sản phẩm thuốc lá có thể gây ra phản ứng dị ứng:
- Bỏ thuốc lá;
- Nếu được, hãy tránh không đến những khu vực mà bạn sẽ tiếp xúc với khói thuốc;
- Đeo khẩu trang nếu bạn không thể tránh tiếp xúc với khói thuốc;
- Yêu cầu người thân súc miệng, rửa tay sạch sẽ sau khi hút thuốc;
- Tập thể dục, sử dụng các sản phẩm thảo dược hỗ trợ cai thuốc lá có thể giúp cai thuốc trong thời gian ngắn và có thể giúp tránh tái nghiện;
- Một chế độ ăn uống cân bằng và ngủ đủ giấc giúp tăng cường chức năng của hệ thống miễn dịch.
Ds. Nhất Phương
Nguồn tham khảo: Tổng hợp