Dị ứng thời tiết ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả

Trẻ em là lứa tuổi mà hệ miễn dịch chưa được phát triển hoàn thiện, khi thời tiết chuyển mùa, trẻ có thể khởi phát một số triệu chứng về tổn thương da, hệ tiêu hóa và hô hấp. Khi bị bệnh trẻ thường rất khó chịu, chán ăn bỏ ngủ, quấy khóc, ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ.

Dị ứng thời tiết ở trẻ em là gì?

Dị ứng thời tiết là phản ứng của cơ thể với những tác nhân môi trường vào những thời điểm nhất định trong năm, đặc biệt thường xuất hiện ở trẻ em trong những thời điểm chuyển giao giữa các mùa. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay xuất hiện ở trẻ từ 3-5 tuổi.

Dị ứng thời tiết ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả 1 Dị ứng thời tiết thường bắt đầu xuất hiện ở trẻ 3 đến 5 tuổi

Khi nhiệt độ môi trường đột ngột thay đổi làm cơ thể trẻ không thích ứng kịp thời. Sức đề kháng của trẻ chưa hoàn thiện, làn da vô cùng nhạy cảm khi gặp môi trường thay đổi nhiệt độ cộng với các tác nhân kích thích như ô nhiễm môi trường sẽ gây ra các dấu hiệu từ nhẹ như là ngứa mũi, ho, hắt hơi, mẩn đỏ đến đau tức ngực, khó thở, có thể sốc phản vệ đe dọa tới tính mạng của trẻ.

Dị ứng thời tiết theo mùa thường được chia thành 2 loại: Dị ứng thời tiết nóng và dị ứng thời tiết lạnh.

  • Mùa nóng, cơ thể sẽ tăng thải nhiệt, tăng tiết mồ hôi nên cơ thể luôn có cảm giác ẩm, ướt, là môi trường thuận lợi cho các tác nhân viêm nhiễm. Nhiệt độ không khí và độ ẩm cao cũng là điều kiện phát triển nấm mốc.
  • Mùa lạnh, tình trạng da trẻ em nổi mẩn đỏ khá thường gặp, không khí lạnh và khô là nguyên nhân kích thích dị ứng nhanh chóng. Ngoài tổn thương về da, còn gặp các tình trạng về đường hô hấp: Chảy nước mũi, nghẹt mũi, ho, hắt xì hơi, thậm chí khởi phát cơn hen suyễn.

Nguyên nhân gây dị ứng thời tiết trẻ em

Hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện

Hệ miễn dịch đảm nhiệm chức năng quan trọng bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân có hại xâm nhập, sự phân bố vị trí của hệ miễn dịch xuất hiện nhiều nhất ở các đường vào của cơ thể đó là hệ da, hệ hô hấp và tiêu hóa. Đặc điểm hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện ở trẻ là nguyên nhân trẻ rất dễ bị các tác nhân kích thích từ bên ngoài xâm nhập.

Tổ chức da nhạy cảm

Da ở trẻ có sự khác biệt so với người lớn: Mỏng hơn (độ dày chỉ bằng 40-60% so với da của người lớn), lông mỏng và ít hơn, nhiều mạch máu dưới da nuôi dưỡng. Diện tích da so với cân nặng của trẻ thì khá lớn. Do đó, da trẻ rất dễ bị tổn thương, viêm nhiễm và nhạy cảm với các tác nhân kích thích.

Dị ứng thời tiết ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả 2 Dị ứng thời tiết ở mặt trẻ em là thường gặp nhất

Môi trường thay đổi đột ngột

Sự thích nghi với môi trường của trẻ còn yếu, khi gặp các yếu tố thay đổi thời tiết, tác động thêm bởi các tác nhân kích thích khác như: Bụi nhà, ô nhiễm không khí, virus, khói bụi, các chất gây dị ứng khác là điều kiện để phát triển bệnh và tăng tỷ lệ tái nhiễm bệnh.

Triệu chứng dị ứng thời tiết ở trẻ em

Các triệu chứng bệnh dị ứng thời tiết ở trẻ em từ nặng đến nhẹ, gây bệnh nhiều nhất ở da, hệ tiêu hóa và hô hấp, thường bao gồm:

  • Triệu chứng da: Nổi đỏ da, mề đay, ngứa, sưng da...
  • Triệu chứng đường hô hấp: Hắt xì, chảy nước mũi, nghẹt mũi, ngứa họng, ho, thở khò khè...
  • Triệu chứng đường tiêu hóa: Nôn, đau bụng, đi ngoài phân lỏng...

Tùy vào khả năng đáp ứng miễn dịch của trẻ với tác nhân thay đổi nhiệt độ và môi trường mà biểu hiện của trẻ là khác nhau.

Dị ứng thời tiết ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả 3 Hình ảnh dị ứng thời tiết ở trẻ em

Các biện pháp phòng dị ứng thời tiết ở trẻ

Mặc dù thời tiết là yếu tố không thể thay đổi được, tuy nhiên, bạn có thể tìm một số biện pháp phòng bệnh và giảm các mức độ nghiêm trọng của bệnh có thể xảy ra cho trẻ như:

  • Theo dõi dự báo thời tiết hằng ngày: Dựa vào những thông tin từ dự báo thời tiết hằng ngày có thể giúp lựa chọn những trang phục, hoạt động phù hợp với trẻ giúp nhiệt độ cơ thể được ổn định.
  • Kiểm soát môi trường sống xung quanh trẻ: Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, tránh khói bụi, loại bỏ các tác nhân gây kích ứng với cơ thể là biện pháp hiệu quả. Bạn có thể sử dụng máy lọc không khí để loại bỏ các chất gây ô nhiễm.
  • Ăn uống đủ dinh dưỡng: Nên lựa chọn cho trẻ những thực phẩm và cách chế biến phù hợp với mùa. Ăn nhiều thực phẩm giàu Vitamin và khoáng chất như hoa quả, rau xanh để tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Uống đủ nước hằng ngày để tăng cường thanh lọc cơ thể.
  • Tránh các chất gây kích ứng da: Da trẻ rất nhạy cảm nên không nên sử dụng các chất tẩy rửa, mỹ phẩm gây kích ứng da của trẻ. Dưỡng ẩm da để cung cấp độ ẩm và làm dịu làn da cho trẻ bằng các loại dưỡng ẩm phù hợp.

Cách chữa dị ứng thời tiết ở trẻ em hiệu quả

Điều trị tại nhà

Bạn có thể sử dụng các phương pháp điều trị tại nhà cho trẻ như: Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu của dị ứng thời tiết thì cần loại bỏ các tác nhân kích thích, tạo cho trẻ môi trường nhiệt độ phù hợp. Tránh gãi, chà sát mạnh trên da vì rất dễ xây xước, viêm nhiễm da.

Điều trị các triệu chứng đi kèm 

Xịt, rửa mũi bằng nước muối sinh lý để làm sạch dịch mũi, giảm nghẹt mũi và loại bỏ các tác nhân gây dị ứng cho trẻ. Uống thuốc ho thảo dược, súc miệng để làm sạch họng. Sử dụng dưỡng ẩm để làm dịu da, giảm ngứa ngáy, khó chịu. Vệ sinh mũi họng cho trẻ cần đúng kĩ thuật, tránh làm tổn thương niêm mạc mũi họng của con ba mẹ nhé!

Dị ứng thời tiết ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả 4 Vệ sinh mũi họng cho bé giúp bé tránh được nhiều bệnh lý nhiễm khuẩn

Thuốc kháng Histamin đường uống

Thuốc kháng Histamin được lựa chọn để ngăn chặn tình trạng ngứa, sưng tấy và tiết dịch. Hầu hết các loại thuốc kháng Histamin được coi là an toàn cho trẻ em trên 2 tuổi. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý dùng thuốc mà cần tham khảo y kiến của bác sĩ để được dùng thuốc đúng cách.

Tuy nhiên, ba mẹ cũng nên cẩn thận những trường hợp trẻ dị ứng nặng, phản ứng dị ứng xảy ra nhanh thì cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế để được điều trị kịp thời ba mẹ ạ.

Dị ứng thời tiết ở trẻ em có thể gây khó chịu. Nếu bạn nghi ngờ trẻ bị dị ứng thời tiết, hãy thực hiện các bước phòng bệnh để tránh các tác nhân gây dị ứng cho trẻ và tìm ngay tới bác sĩ để giúp con bạn được điều trị đúng cách bạn nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp



Chat with Zalo