Dị ứng da vùng quanh miệng: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Dị ứng da vùng quanh miệng là bệnh về da liễu gây nhiều trở ngại trong cuộc sống. Các đợt bùng phát dị ứng cũng có thể kéo dài, gây mất thẩm mỹ và khiến người bệnh tự ti. Dù không nguy hiểm nhưng nếu không biết cách chữa trị kịp thời khi bệnh khởi phát sẽ gây nên nhiều bất tiện.

Các triệu chứng của dị ứng da vùng quanh miệng

Dị ứng da vùng quanh miệng (hay viêm da quanh miệng) là một chứng phát ban với các vết sần đỏ gây ngứa, sưng, tróc vẩy ở vùng da xung quanh miệng. Nếu tình trạng nặng hơn, không phát hiện và kiểm soát tốt còn có thể phát ban lan lên mũi hoặc mắt. Các biểu hiện đặc trưng có thể gặp là:

  • Nổi mụn viêm đỏ, có thể chứa dịch lỏng hoặc mủ tập trung thành mảng trên vùng da quanh miệng, viền môi.
  • Có cảm giác ngứa nhẹ, bỏng rát hoặc châm chích.
  • Không có nhân mụn, có các đặc điểm giống viêm da dạng chàm.
  • Các đợt bùng phát dị ứng quanh miệng có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí là hàng tháng.
Dị ứng da vùng quanh miệng có thể lan đến các vùng khác trên khuôn mặt nếu không được điều trị kịp thời Dị ứng da vùng quanh miệng có thể lan đến các vùng khác trên khuôn mặt nếu không được điều trị kịp thời

Một số dạng viêm da vùng miệng thường gặp

Dị ứng điển hình: Tình trạng này thường biểu hiện với nhiều nốt sẩn đỏ, sẩn mụn nước, có thể có vảy, kích thước từ 1 - 2 mm. Các sẩn viêm đóng vảy thường gặp ở vùng quanh miệng nhưng không thấy ở vùng hẹp xung quanh viền môi. Thường sẽ có cảm giác châm chích hoặc bỏng rát từ nhẹ cho đến trung bình. Đa phần những tổn thương sẽ tự bình phục sau một thời gian, không để lại sẹo xấu xí trên gương mặt.

Viêm da xuất hiện u hạt: Đây là một biến thể lâm sàng hiếm gặp hơn có thể xảy ra ở trẻ em trước tuổi dậy thì. Xuất hiện các u hạt khá giống mụn thịt nhưng với kích thước nhỏ li ti hoặc các sẩn viêm nhỏ màu nâu đỏ hoặc nâu vàng, không có mủ hoặc dịch.

Nguyên nhân nào dẫn đến dị ứng da miệng?

Hiện nay các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây hiện tượng viêm da quanh miệng. Tuy nhiên có một số yếu tố được cho là nguy cơ dẫn đến tình trạng này là:

  • Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập vào cơ thể.
  • Sử dụng các sản phẩm có chứa hàm lượng steroid trong thời gian dài.
  • Tiếp xúc với các loại thuốc xịt mũi có chứa corticosteroid.
  • Dị ứng mỹ phẩm, cụ thể là với các thành phần có trong mỹ phẩm như mỡ khoáng (petrolatum) hoặc dầu parafin.
  • Rối loạn chức năng của peptide kháng khuẩn.
  • Tăng ký sinh trùng nang lông hoặc tăng hình thành mạch máu, biểu hiện ferritin.
Dị ứng da quanh vùng miệng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi Dị ứng da quanh vùng miệng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi

Cách điều trị viêm da quanh miệng hiệu quả

Tuy tình trạng dị ứng da không nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng, nhưng bạn cũng không nên chủ quan mà bỏ qua điều trị nhé. 

Điều trị theo đơn thuốc của bác sĩ

Nếu tình trạng dị ứng da vùng miệng kéo dài dai dẳng và mãi không cải thiện, bạn nên đi thăm khám bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp.

Đa số người bệnh sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc uống hoặc thuốc bôi. Thuốc uống có thể kể đến thuốc kháng sinh đường uống, chẳng hạn như doxycycline, minocycline, isotretinoin hoặc tetracycline. Thuốc bôi có thể được kê là kem ức chế miễn dịch, kem bôi kháng sinh như pimecrolimus, metronidazole, erythromycin,... Bạn nên tuân thủ theo chỉ định và liều lượng mà bác sĩ đưa ra để đạt hiệu quả cao nhé.

Nếu tình trạng còn nặng hơn nữa, bác sĩ cũng có thể tiến hành sinh thiết da bằng các xét nghiệm cấy da để loại trừ nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu da nhỏ ở vùng da bị ảnh hưởng gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra vi khuẩn hoặc nấm.

Chế độ chăm sóc da tại nhà

Để tình trạng này nhanh khỏi và hạn chế tái phát, việc thay đổi thói quen cũng như có chế độ sinh hoạt hợp lý đóng vai trò rất quan trọng. Bạn nên áp dụng một số kinh nghiệm hữu ích dưới đây:

  • Ngừng hoặc hạn chế sử dụng các loại kem steroid hoặc thuốc xịt mũi chứa steroid.
  • Hạn chế sử dụng các sản phẩm hoặc sữa rửa mặt có hương liệu, kết cấu dày, dễ gây bít tắc lỗ chân lông. Thay vào đó nên tối giản các bước chăm sóc da và lựa chọn các sản phẩm dịu nhẹ với thành phần lành tính.
  • Giảm sử dụng các loại mỹ phẩm hoặc kem chống nắng.
  • Thường xuyên giặt vỏ gối, mền, ga đệm.
  • Bổ sung chế độ dinh dưỡng và uống nhiều nước. Hạn chế ăn các món quá cay hoặc mặn vì có thể gây kích ứng da quanh miệng.
  • Hạn chế để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, nếu phải tiếp xúc thì cần che chắn bằng mũ rộng vành, đeo khẩu trang,...

Chăm sóc da kĩ và hạn chế ăn phải thức ăn gây dị ứng để ngăn ngừa làm tổn thương da Chăm sóc da kĩ và hạn chế ăn phải thức ăn gây dị ứng để ngăn ngừa làm tổn thương da

Tình trạng dị ứng da vùng quanh miệng vốn là bệnh da liễu lành tính và không nguy hiểm đến sức khỏe nên bạn không cần quá lo lắng. Tuy nhiên bạn cũng cần biết cách chăm sóc da để không khiến dị ứng lan ra các vùng da khác. Nếu tình trạng không thuyên giảm, bạn hãy chủ động thăm khám bác sĩ để được điều trị hiệu quả nhé.

Cẩm Ly

Nguồn: Tổng hợp



Chat with Zalo