Đau khớp gối tiêm thuốc gì? Có nên tiêm thuốc khi đau khớp gối?
Nhiều người bị đau khớp gối chọn cách tiêm thuốc trực tiếp vào khớp như là một biện pháp chữa đau khớp đặc biệt hiệu quả, ít tốn kém. Song, theo các bác sĩ xương khớp cho biết, không hiếm bệnh nhân chỉ đến mũi tiêm thứ hai đã bị biến chứng nhiễm trùng, teo cơ, cứng khớp, mất chức năng vận động. Vì sao lại như vậy, chúng ta cùng tìm hiểu vấn đề này trong bài viết sau.
Khi nào cần tiêm khớp gối? Đau khớp gối tiêm thuốc gì?
Với nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý về khớp, bác sĩ có thể chỉ định tiêm nội khớp. Đây là thủ thuật dùng kim nhỏ đưa thuốc vào ổ khớp/phần mềm cạnh khớp để điều trị tại chỗ một số bệnh lý về khớp.
Bên cạnh thuốc đường uống, để khắc phục tình trạng đau cho người viêm/đau khớp gối có thể dùng phương pháp đường tiêm. Theo đó, bác sĩ chuyên khoa sẽ dùng kim tiêm nhỏ để đưa thuốc vào ổ khớp hoặc các phần mềm cạnh khớp như khớp gối, khớp cổ chân, khớp vai, khớp háng. Viêm bao khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, thoái hóa khớp ở mức độ từ nhẹ đến trung bình thường sẽ áp dụng phương pháp tiêm khớp để điều trị.
Việc thực hiện tiêm nội khớp mang lại một số lợi ích như sau:
- Khi tiêm nội khớp, thuốc được đưa thẳng vào trong khớp nên nhờ đó hạn chế tác dụng lên toàn bộ cơ thể theo đường truyền máu. Chính vì vậy, thuốc phát huy tối đa công dụng ngay trên vùng khớp cần được điều trị.
- Tiêm nội khớp nhằm làm giảm phản ứng viêm, giảm tăng sinh màng hoạt dịch và bổ sung chất nhầy trong điều trị thoái hóa khớp.
Bác sĩ sẽ chỉ định tiêm nội khớp cho bệnh nhân trong một số trường hợp như: Thoái hóa khớp gối, viêm các điểm bám gân, viêm bao khớp, viêm khớp không nhiễm khuẩn trong một số bệnh khớp mãn tính (như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp,..).
Phụ thuộc vào tình trạng bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định sử dụng loại thuốc tiêm khớp phù hợp. Hiện nay, Hyaluronate Sodium và Corticoid là 2 loại thuốc thường dùng nhất:
- Thuốc tiêm khớp Corticoid (Steroid): Là nhóm thuốc kháng viêm mạnh, Corticoid thường được dùng để tiêm vào khớp gối. So với các thuốc kháng viêm dùng đường uống (như aspirin, thuốc NSAID), Corticoid mang lại hiệu quả nhanh hơn.
- Thuốc có Hyaluronate Sodium: Đây là nhóm thuốc có tác dụng giảm đau, kháng viêm, ức chế thoái hóa sụn khớp.
Nguy cơ khi tiêm thuốc vào khớp
Khi bệnh nhân bị viêm/đau khớp gối sẽ bắt gặp các triệu chứng biểu hiện bao gồm sưng, nóng, đỏ, đau tại khớp. Trước đây, bệnh thường xảy ra khi cơ thể bắt đầu lão hóa, nhưng ngày nay ngay cả người trẻ tuổi cũng không hiếm trường hợp gặp các vấn đề liên quan đến khớp. Đáng nói là ngày càng có nhiều bệnh nhân nhập viện do biến chứng nhiễm trùng khớp, teo cơ, cứng khớp gối..., chỉ vì lạm dụng tiêm thuốc vào khớp, nhất là corticoid.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai biến do tiêm thuốc vào khớp:
- Chỉ định sai, lạm dụng: Với những trường hợp bệnh nặng dùng kháng viêm không steroid không đáp ứng mới chỉ định thủ thuật tiêm corticoid/ hyaluronate sodium vào khớp. Trường hợp viêm/đau nhẹ không cần thiết áp dụng tiêm khớp để tránh tác hại không mong muốn.
- Tiêm không đúng kỹ thuật: Không loại trừ nguyên nhân người tiêm thuốc vào khớp không nắm vững vị trí giải phẫu, thiếu thành thạo trong thao tác dẫn đến việc tiêm thuốc vào không đúng vị trí cần tiêm, hiệu quả kém.
- Nơi tiêm không đạt tiêu chuẩn: Một trong những yêu cầu cần đảm bảo khi tiến hành tiêm thuốc vào khớp là nơi tiêm phải đảm bảo vô trùng. Nếu nơi tiêm không đạt tiêu chuẩn vô khuẩn hoặc không làm vô khuẩn tốt ở vùng da trước khi tiêm dễ dẫn đến bị nhiễm khuẩn khớp, nhiễm khuẩn toàn thân, nhiễm khuẩn huyết…
Thực tế nhìn thấy là hiện nay thuốc tiêm khớp thường bị lạm dụng vì khi tiêm giúp giảm đau rất nhanh. Nhiều nơi bệnh nhân đau khớp đến khám là dễ dàng được chỉ định tiêm vào ổ khớp. Bạn phải biết là hậu quả của tiêm khớp là có thể sẽ để lại những biến chứng khó lường. Nhiều người còn tự tiêm thuốc tại nhà nên lại càng dễ gặp các rủi ro như:
- Lần đầu tiêm thấy giảm đau nhanh nhưng những lần sau thì đau hơn trước, khớp sưng đỏ tấy, khó vận động.
- Nguy cơ cao nhiễm khuẩn ổ khớp sau tiêm.
- Thuốc tiêm khớp Corticoid bị lạm dụng liều cao, khả năng khiến da bầm tím, tăng huyết áp, teo cơ, loãng xương, suy nhược thận, mất chức năng vận động, thậm chí liệt toàn thân.
- Tiêm khớp trong trường hợp người đang bị viêm nhiễm khuẩn tại khớp, tiểu đường, cao huyết áp, bệnh lý máu, nhiễm nấm, suy giảm miễn dịch có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Những điều cần lưu ý tránh xảy ra tai biến khi tiêm thuốc vào khớp
Bất cứ liệu pháp điều trị nào cũng cần được thăm khám và có chỉ định rõ ràng từ bác sĩ có chuyên môn. Bạn nên đến những phòng khám, bệnh viện có uy tín, chuyên môn cao để được tư vấn và điều trị.
Để tránh xảy ra tai biến khi tiêm thuốc vào khớp cần lưu ý:
- Tuyệt đối không tiến hành tiêm thuốc vào khớp và tiêm vào phần mềm cạnh khớp cho các trường hợp: Viêm khớp nhiễm khuẩn (viêm khớp mủ, lao khớp...), u xương khớp, tổn thương khớp do bệnh lý thần kinh, bệnh máu, nhiễm khuẩn ngoài da vùng tiêm khớp.
- Tiêm thuốc vào khớp phải đúng vị trí giải phẫu của các điểm bám gân, các lồi cầu, dây chằng, bao khớp và ổ khớp. Tuyệt đối tránh tiêm vào cơ, xương, mạch máu và dây thần kinh quanh khớp vì nếu không cẩn thận có thể gây teo cơ, xốp xương, làm mất luôn khả năng vận động của người bệnh.
- Phải đảm bảo đúng các nguyên tắc vô khuẩn (sát khuẩn, bơm kim tiêm vô khuẩn...).
- Tiêm đúng liều lượng thuốc: Liều lượng thuốc tiêm (từ 0,3 – 1,5ml) tùy thuộc vào kích thước khớp tiêm, tránh đưa một lượng thuốc quá lớn vào ổ khớp hay tổ chức mềm cạnh khớp vì có thể sẽ làm tăng nguy cơ tổn hại tế bào màng hoạt dịch hoặc gây áp-xe tại chỗ do lượng thuốc bị thừa.
- Sau khi tiêm thuốc vào khớp, tại vị trí tiêm cần dán băng dính vô khuẩn. Bệnh nhân không rửa nước vào vùng tiêm và chỉ bóc bỏ băng dính ở vùng tiêm sau 8 - 12 giờ.
Tiêm thuốc vào khớp để khắc phục tình trạng viêm/đau hiện đang được rất nhiều bệnh nhân lựa chọn vì độ hiệu quả cao, nhanh gọn, ít tốn kém. Nhưng bạn luôn ghi nhớ một điều là thủ thuật này cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa khớp, có kiến thức giải phẫu và tại các cơ sở y tế uy tín để tránh các tai biến xấu có thể xảy ra.
Như Quỳnh
Nguồn tham khảo: Vinmec