Dấu hiệu và cách xử trí khi bé bị đầy bụng và nôn
Đầy hơi, khó tiêu, nôn, trớ là những hiện tượng hay gặp ở trẻ sơ sinh. Đây là vấn đề khiến nhiều phụ huynh quan tâm và lo lắng. Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng bé bị đầy bụng và nôn, các phương pháp xử trí hữu ích cho những trường hợp này.
Dấu hiệu nhận biết bé bị đầy bụng và nôn
Hiện tượng đầy bụng xảy ra khi có sự tích tụ hơi trong dạ dày và ruột của trẻ, trong một số trường hợp, bụng có thể căng tròn và gây khó chịu. Tình trạng này có thể bắt gặp ở cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Cha mẹ cần phân biệt sự khác nhau giữa hai tình trạng nôn và trớ.
Trớ
Trớ là hiện tượng sinh lý, khi thức ăn hoặc dịch dạ dày trào ngược qua miệng hoặc mũi một cách tự nhiên với số lượng ít, không có sự tham gia của các cơ trong bụng. Điều này không có dấu hiệu cảnh báo trước. Tình trạng trên thường xảy ra phổ biến ở trẻ dưới 4 tháng tuổi và sẽ giảm đi sau giai đoạn này.
Nôn
Nôn là hiện tượng bệnh lý, có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào của trẻ. Nôn thường liên quan đến sự tham gia của các cơ trong bụng. Tình trạng này sẽ có dấu hiệu cảnh báo trước và lượng nôn ra ngoài nhiều hơn so với trớ.
Thường thì tình trạng bé bị đầy bụng và nôn trớ sẽ kèm theo các triệu chứng như ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, táo bón, đau bụng hoặc tiêu chảy, mệt mỏi, khó chịu, quấy khóc, chán ăn, không muốn bú. Nếu vấn đề này kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
![Dấu hiệu và cách xử trí khi bé bị đầy bụng và nôn 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/dau_hieu_va_cach_xu_tri_khi_be_bi_day_bung_va_non_1_7de6df664b.jpg)
Nguyên nhân khiến trẻ bị đầy bụng và nôn
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng bé bị đầy bụng buồn nôn. Một số nguyên nhân thường gặp như:
- Trẻ bú quá nhiều, gây nôn trớ do dạ dày quá tải;
- Trẻ bú sai tư thế hoặc cách ngậm vú không đúng, dẫn đến việc nuốt khí và gây đầy hơi, nôn trớ;
- Dị ứng với thành phần protein trong sữa mẹ hoặc sữa công thức, thường xuất hiện sau vài giờ khi trẻ uống sữa. Từ đó dẫn đến các triệu chứng đầy bụng, nôn, đau bụng và phù quanh miệng;
- Không dung nạp lactose do ruột non không sản xuất đủ enzym lactase để tiêu hóa, gây khó tiêu, đầy bụng, buồn nôn, nôn và tiêu chảy;
- Khi bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, khẩu phần ăn của mẹ sẽ tác động đến bé. Thực phẩm chưa chín, các loại đậu, bông cải xanh, tỏi, sữa và đồ uống có ga có thể gây đầy hơi;
- Sử dụng kháng sinh gây rối loạn hệ tiêu hóa do tiêu diệt lợi khuẩn. Dẫn đến trẻ bị tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, chướng bụng và phân sống;
- Sử dụng dụng cụ không vệ sinh sạch khi cho bé uống sữa hoặc ăn sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công hệ tiêu hóa còn non nớt của bé;
- Đặt bé nằm ngay sau khi bé bú no hoặc quấn tã chăn, băng rốn quá chặt cũng có thể gây nôn trớ;
- Bé bị đầy bụng và nôn thường xuyên có thể do nguyên nhân từ bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa như viêm ruột, dị tật đường tiêu hóa, tắc nghẽn dạ dày hoặc tắc ruột.
![Dấu hiệu và cách xử trí khi bé bị đầy bụng và nôn 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/dau_hieu_va_cach_xu_tri_khi_be_bi_day_bung_va_non_2_076c4ac759.jpg)
Trẻ bị nôn trớ liên tục có nguy hiểm không?
Tình trạng nôn trớ ở trẻ thường kết thúc sau 1-2 ngày, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Khi nguyên nhân gây nôn trớ là sinh lý, bạn không cần quá lo lắng vì tình trạng này sẽ tự điều chỉnh khi cơ quan hoạt động bình thường. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân là bệnh lý, việc đi khám bác sĩ là cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho bé.
Nếu bé bị nôn trớ kéo dài trong khoảng thời gian 1-2 ngày thì thường không gây hại cho sức khỏe của bé. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài hơn 5 ngày, đây có thể là dấu hiệu nguy hiểm và cần đến sự can thiệp y tế. Các biến chứng như sốt, co giật, tụt huyết áp, rối loạn nước, điện giải có thể xảy ra khi bé bị nôn trớ liên tục và đầy bụng kéo dài.
Hướng dẫn cách xử trí khi trẻ bị đầy bụng và nôn
Không giống như người lớn, khi đầy bụng có thể áp dụng cách xoa bụng chữa đầy hơi hay cách tiêu hóa nhanh, trẻ em cần có những phương pháp riêng biệt khắc phục tình trạng này. Những phương pháp dưới đây sẽ giúp xử trí khi gặp trường hợp bé bị đầy bụng và nôn mà các bậc phụ huynh cần ghi nhớ:
- Khi bé nôn trớ: Đối với bé gặp tình trạng này, phụ huynh cần đặt bé nằm nghiêng về một bên để tránh bé sặc chất nôn. Sau đó dùng khăn lau sạch chất nôn ở miệng và mũi của bé. Tiếp đến vỗ nhẹ lưng bé để chất nôn có thể ra ngoài.
- Khi bé sặc sữa gây khó thở hoặc ngừng thở: Đặt bé nằm sấp, giữ đầu nghiêng thấp, vỗ lưng bé liên tục 5 cái đủ mạnh vào vùng giữa hai bả vai theo hướng từ trên xuống và ra phía trước. Sau khi vỗ, nhẹ nhàng lật bé ngược lại để kiểm tra tình trạng. Nếu không cải thiện, bạn có thể thực hiện thao tác ấn ngực bằng cách đặt bé ở tư thế ngửa, dùng ngón trỏ và ngón giữa bàn tay trái ấn vuông góc xuống phía dưới xương ức. Ấn mạnh 5 lần liên tiếp với tốc độ ấn là 1 lần/giây.
- Khi bé chỉ đầy hơi, hãy cho bé ợ hơi để loại bỏ không khí qua đường miệng: Đặt bé ngồi thẳng trong lòng bạn, hướng bé về phía trước, dùng cả bàn tay để đặt ngang trên ngực của bé. Sau đó, vỗ hoặc xoa nhẹ lưng bé để bé có thể ợ hơi. Sau đó bế bé ngã qua vai bạn, một tay ôm mông bé và tay còn lại xoa và vỗ nhẹ lưng bé theo chiều kim đồng hồ. Cách này cũng giúp bé loại bỏ không khí dễ dàng.
![Dấu hiệu và cách xử trí khi bé bị đầy bụng và nôn 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/dau_hieu_va_cach_xu_tri_khi_be_bi_day_bung_va_non_3_d8cc2a426a.jpg)
Cách chăm sóc và phòng ngừa khi trẻ bị đầy bụng và nôn
Để ngăn ngừa tình trạng đầy hơi và nôn trớ ở trẻ, bố mẹ cần tuân theo các hướng dẫn sau đây:
- Sau khi bé ăn trong khoảng 30 phút, hãy sử dụng đầu ngón tay để thực hiện massage nhẹ theo chiều kim đồng hồ từ lỗ rốn của bé ra ngoài. Việc massage cần nhẹ nhàng và tránh áp lực quá mạnh lên da nhạy cảm của bé.
- Luôn đảm bảo vệ sinh sạch sẽ cho các dụng cụ ăn uống của bé. Trước khi cho bé uống sữa hoặc ăn thức ăn dặm, mẹ nên rửa tay thật kỹ.
- Nếu cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, hãy chú ý đến chế độ ăn uống của người mẹ. Mẹ nên tránh những loại thực phẩm có thể gây đầy hơi.
- Nếu bé trên 1 tuổi phải sử dụng kháng sinh, hỏi ý kiến bác sĩ về việc cho bé sử dụng thêm men vi sinh để hỗ trợ tiêu hóa, trong trường hợp này bạn nên tìm hiểu rõ xem men tiêu hóa uống khi nào thì hiệu quả tốt nhất. Điều này sẽ giúp cải thiện và ngăn ngừa các rối loạn về tiêu hóa.
- Đối với bé sơ sinh trong 6 tháng đầu, nếu không thể cho bé bú mẹ hoàn toàn, hãy xem xét việc kết hợp sữa công thức. Chọn loại sữa dễ tiêu hóa và tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án thích hợp nhất cho bé.
![Dấu hiệu và cách xử trí khi bé bị đầy bụng và nôn 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/dau_hieu_va_cach_xu_tri_khi_be_bi_day_bung_va_non_4_df94942450.jpg)
Nhớ rằng, mẹ nên luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu có bất kỳ vấn đề hoặc lo ngại nào liên quan đến tiêu hóa của bé.
Tóm lại, việc bé bị đầy bụng và nôn là một tình trạng khá phổ biến trong giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, với những biện pháp đơn giản và thực hiện đúng cách, bố mẹ có thể giúp bé vượt qua những khó khăn này một cách dễ dàng. Hãy luôn lắng nghe cơ thể bé, hiểu rõ tình trạng của trẻ và đồng hành cùng bé trên mỗi bước đi trong cuộc hành trình cho sự phát triển và trưởng thành nhé!