Dấu hiệu nhận biết khi lên cơn hen và cách cấp cứu hen suyễn

Hen suyễn theo các dấu hiệu trên lâm sàng sẽ có các triệu chứng đặc trưng như khó thở, khò khè, ho và nặng ngực. Nếu khi bệnh nhân lên cơn hen nhưng người thân hoặc người xung quanh không biết cách cấp cứu hen suyễn sẽ vô cùng nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Hãy cùng Hà An tìm hiểu về hen suyễn và cách cấp cứu hen suyễn trong bài viết dưới đây nhé.

Tìm hiểu chung đợt cấp hen suyễn

Khi lên cơn hen suyễn thì các dải cơ ở đường thở kích hoạt và bị co thắt lại hay còn gọi là hiện tượng co thắt phế quản. Khi có cơn hen suyễn cấp thì niêm mạc bị viêm hoặc sưng dẫn đến tạo nhiều chất nhầy, đặc biệt là ở các tế bào lót tại đường thở. Lúc đó các triệu chứng đặc trưng của hen suyễn như khó thở, khò khè, nặng ngực, ho, giảm chức năng thông khí phổi càng trở nên nghiêm trọng hơn. Đợt cấp hen suyễn có thể được xem là dấu hiệu đầu tiên chẩn đoán hen suyễn hoặc là dấu hiệu thường gặp của người bệnh hen suyễn mãn tính.

Đợt cấp hen suyễn là khi cơ thể phản ứng với các yếu tố phơi nhiễm bên ngoài như phấn hoa, hóa chất, lông thú cưng, virus đường hô hấp trên và tuân thủ thuốc kiểm soát kém. Khi đang điều trị hen phế quản có thể xảy ra đợt cấp hen phế quản. Nếu cơn hen suyễn cấp chưa được kiểm soát kèm theo các bệnh lý khác thì có thể dẫn tới nguy cơ tử vong.

Cách cấp cứu hen suyễn 1 Cơn hen suyễn xảy ra khi các dải cơ quanh đường thở được kích hoạt co thắt

Dấu hiệu và triệu chứng hen suyễn

Một số dấu hiệu và triệu chứng phổ biến thường gặp có thể bao gồm như sau:

  • Trong khi bệnh nhân thở có tiếng khò khè và tiếng rít. Tiếng khò khè thường xuất hiện khi bệnh nhân thở ra nhưng vẫn gặp thỉnh thoảng tiếng khò khè khi bệnh nhân hít vào.
  • Ho là tình trạng phổ biến chung của các bệnh đường hô hấp. Cơn ho xảy ra như phản xạ cơ thể để cố gắng thông khí đường thở tạo nhiều khí oxy trong phổi. Cơn ho trong hen phế quản thường gặp nhiều vào ban đêm hoặc thời tiết lạnh.
  • Khi lên cơn hen suyễn bệnh nhân thường có hơi thở ngắn và hay bị hụt hơi. Hơi thở của bệnh nhân hen suyễn thường nông, nhanh, gấp và ngắn hơn so với người bình thường khỏe mạnh.
  • Đau thắt ngực hoặc có cơn đau ở bên trái hoặc bên phải là tình trạng hay kèm theo mỗi khi lên cơn hen suyễn.
  • Khi chẩn đoán bệnh nhân hen suyễn thường dựa vào chỉ số lưu lượng thở ra đỉnh (peak expiratory flow – PEF) để theo dõi khả năng thở ra. Nếu chỉ số đo PEF thấp dao động từ 50% đến 79% có thể là biểu hiện của cơn hen suyễn.

Yếu tố nguy cơ gây tình trạng hen suyễn

Một số yếu tố nguy cơ sau làm gia tăng tình trạng hen suyễn:

  • Yếu tố di truyền: Nếu tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh hen suyễn thì nguy cơ cao bạn cũng sẽ mắc hen suyễn.
  • Tiền sử nhiễm virus: Có nghiên cứu cho rằng hen suyễn liên quan đến tình trạng nhiễm virus hồi nhỏ như virus RSV.
  • Đối với trẻ em thì người ta quan sát tỉ lệ trẻ nam mắc bệnh hen suyễn cao hơn trẻ nữ. Tuy nhiên đối với đối tượng thanh thiếu niên và người lớn thì bệnh hen suyễn lại gặp nhiều hơn ở nữ giới.
  • Một số bệnh lý đường hô hấp như viêm xoang, nhiễm trùng phổi, cúm, cảm lạnh hoặc bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản là các yếu tố ảnh hưởng đến bệnh hen suyễn.
  • Bệnh nhân thường xuyên phơi nhiễm với các yếu tố gây dị ứng như lông thú cưng, bụi, phấn hoa, nấm mốc, hóa chất, không khí ô nhiễm, khói thuốc lá…
  • Thời tiết thay đổi đột ngột, không khí lạnh, độ ẩm cao dễ tạo điều kiện lên cơn hen phế quản cấp.
  • Tâm lý và cảm xúc ảnh hưởng đến tình trạng hen suyễn, đặc biệt là các cảm xúc mạnh như lo lắng, buồn, lo lắng, stress, cười…
  • Bệnh nhân dùng một số loại thuốc ảnh hưởng đến đường thở như thuốc aspirin.
  • Chất bảo quản sulfite thường gặp trong thực phẩm như đồ chua, bia rượu, trái cây khô …

Cách cấp cứu hen suyễn

Cách cấp cứu hen suyễn tại nhà

Một số thứ tự các bước cấp cứu khi gặp bệnh nhân lên cơn hen suyễn cấp: 

  • Bước 1: Đầu tiên để giúp bệnh nhân thở cần chọn tư thế thoải mái nâng người bệnh dậy. Khi ở tư thế ngồi sẽ giúp bệnh nhân dễ thở hơn, chống lại sự khó thở vì khi đó phổi nở tạo điều kiện thuận lợi để hô hấp. Bạn cần chuẩn bị ghế có lưng tựa để bệnh nhân dựa vào và bám vào đó giúp hô hấp dễ dàng hơn. 
  • Bước 2: Cơn hen sẽ nặng hơn nếu hồi hộp. Vì khi hồi hộp, lo lắng khiến cơ thể tiết ra hormon cortisol, làm co hẹp phế quản. Vì vậy, bạn cần phải chuẩn bị tâm thế thật bình tĩnh để giúp bệnh nhân vững tinh thần.
  • Bước 3: Một số tác nhân dị ứng đặc trưng hoặc thời tiết thay đổi đột ngột có thể làm kích hoạt cơn hen suyễn trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, cần tạo môi trường trong lành để bệnh nhân tránh xa các tác nhân kích thích. 
  • Bước 4: Hỏi xem bệnh nhân có mang theo thuốc cấp cứu hen suyễn không vì thông thường bệnh nhân biết mình bị hen suyễn sẽ hay mang theo thuốc cấp cứu sẵn bên mình để phòng trường hợp lên cơn hen. Nếu có, hãy lấy thuốc ra và giúp họ làm theo những gì được ghi trong tờ hướng dẫn thuốc.
  • Bước 5: Nếu bệnh nhân không có ống hít, hãy gọi dịch vụ cấp cứu ngay, đặc biệt đối với trẻ em hoặc người già. Khi bệnh nhân lên cơn hen suyễn nếu không dùng ống hít sẽ có nguy cơ bị ngạt khá cao.
  • Bước 6: Trong trường hợp bệnh nhân có mang theo buồng đệm dùng kèm với bình xịt định liều MDI thì sau khi lắc cần gắn dụng cụ này vào ống hít. Trước khi sử dụng ống hít bạn nên yêu cầu bệnh nhân thở hết hơi để đưa không khí ra và ngửa đầu ra phía sau. Khuyến cáo nên để bệnh nhân tự dùng thuốc trong trường hợp họ tỉnh táo. Vì thuốc hít cần được dùng đúng liều lượng nên chỉ có bệnh nhân mới có thể tự mình biết liều lượng phù hợp với bản thân họ. Khi bệnh nhân dùng ống hít, bạn có thể hỗ trợ bệnh nhân giữ ống hít hoặc buồng đệm sát vào miệng.
  • Bước 7: Bạn cần lưu ý hen suyễn là bệnh mãn tính gây nguy hiểm nên cho dù sau khi dùng ống hít tình trạng bệnh nhân có đỡ hơn thì bệnh nhân vẫn cần đến thăm khám bác sĩ để được điều trị tốt nhất. 
Cách cấp cứu hen suyễn 2 Trước khi sử dụng ống hít, yêu cầu bệnh nhân thở hết không khí ra

Cách cấp cứu hen suyễn và điều trị tại bệnh viện

Khi đến bệnh viện trong tình trạng hen suyễn cấp tính, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh nhân và thăm khám lâm sàng: 

  • Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ nặng của đợt cấp hen suyễn qua: tần số thở, mạch, mức độ khó thở (nói từng từ, không thể nói), mạch, chức năng thông khí phổi và lưu lượng SpO2.
  • Ngoài ra, bác sĩ có thể kiểm tra để loại trừ một số bệnh lý hoặc tác nhân đi kèm như nghẽn mạch phổi, suy tim, hít phải dị vật, bệnh đường hô hấp trên…

Sau khi bác sĩ đã đánh giá mức độ và diễn tiến của tình trạng hen phế quản cấp thì bác sĩ sẽ tiến hành điều trị như sau: 

  • Thở oxy: nên dùng bình định liều. Duy trì SpO2 93 - 95% (94 -98% với trẻ 6 - 11 tuổi).
  • Thuốc giãn phế quản thường được ưu tiên dùng trong cơn hen phế quản cấp do tác dụng nhanh, ngắn của thuốc. Tùy vào tình trạng hen suyễn có thể tăng liều và số lần dùng SABA theo thời gian điều trị.
  • Corticoid toàn thân: Trong trường hợp người lớn liều dùng prednisolone 1mg (hoặc tương đương) /kg/ngày với người lớn, dùng tối đa 50 mg/ngày. Trong trường hợp trẻ em 6 - 11 tuổi liều dùng 1 - 2 mg/kg/ngày đến tối đa 40 mg/ngày. Thời gian sử dụng corticoid đường toàn thân khuyến cáo từ 5 đến 7 ngày.
  • Corticoid phun hít, khí dung (budesonide hoặc fluticasone): liều 2mg - 4mg/ngày khí dung đối với người lớn và liều 1mg - 2mg/ngày đối với trẻ em.
  • Thuốc kiểm soát trong 2 - 4 tuần cần tăng liều để đáp ứng điều trị. Đối với trường hợp chưa sử dụng thuốc kiểm soát cần nên sử dụng ICS với liều ổn định.
  • Kháng sinh: không nên sử dụng bừa bãi, chuyên gia khuyến cáo chỉ nên dùng trong trường hợp đợt cấp do nhiễm khuẩn.
  • Đánh giá đáp ứng thường xuyên bằng cách giảm liều oxy và duy trì SpO2 ở mức dao động 93 - 95%.

Cách phòng ngừa hen suyễn

Để bệnh không tiến triển gây biến chứng nguy hiểm, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh cần thực hiện:

  • Cai thuốc lá: Hạn chế dùng thuốc lá, tốt nhất ngừng hẳn việc hút thuốc. Ngoài ra tránh việc phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động đặc biệt là trong trường hợp các mẹ bầu. 
  • Tập luyện thể lực: Bệnh nhân hen suyễn cần tập luyện vận động vừa sức phù hợp với khả năng của mình để nâng cao sức đề kháng của cơ thể. 
Cách cấp cứu hen suyễn 3 Khuyến khích người bệnh hen tích cực vận động nhằm cải thiện sức khỏe chung
  • Ngưng dùng một số loại thuốc là yếu tố khiến bệnh hen trở nên nặng hơn như thuốc chẹn beta hoặc thuốc kháng viêm. Nếu bệnh nhân mắc hội chứng mạch vành cấp bác sĩ khuyến cáo dùng thuốc chẹn beta chọn lọc cho tim mạch nếu lợi ích nhiều hơn nguy cơ.
  • Thiết lập chế độ ăn phù hợp với người bệnh hen suyễn: Một chế độ ăn với nhiều rau củ và trái cây tươi, tránh các thực phẩm gây dị ứng cho người bệnh hen như đồ chua, các loại đậu hạt gây dị ứng…

Ds Hải Vân 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp



Chat with Zalo