Đặc điểm nước tiểu của người bị tiểu đường như thế nào?
Theo số liệu thống kê y tế hàng năm, tỷ lệ người tử vong do tiểu đường gây ra chỉ đứng sau tim mạch và ung thư. Có thể nói rằng đây là một bệnh lý nguy hiểm, dễ đi đến các biến chứng khôn lường. Để nhận biết sớm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, có một cách đơn giản nhất là thông qua nước tiểu. Vậy nước tiểu của người bị tiểu đường sẽ có đặc điểm ra sao?
Đặc điểm nước tiểu của người bị tiểu đường xét về màu sắc
Màu sắc của nước tiểu trở nên bất thường là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo những bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể, trong đó có thể kể tới bệnh tiểu đường. Thường thì nước tiểu của người bị tiểu đường sẽ đục hơn so với bình thường. Nguyên nhân có thể đến từ các yếu tố sau:
Nước tiểu màu đục do hàm lượng đường trong máu cao
Bình thường, tuyến tụy sản xuất hormone insulin để điều chỉnh và cân bằng mức đường trong máu. Tuy nhiên, đối với những người mắc tiểu đường, cơ thể không thể tự sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng insulin một cách hiệu quả, dẫn đến tăng đường trong máu.
![Đặc điểm nước tiểu của người bị tiểu đường như thế nào 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Dac_diem_nuoc_tieu_cua_nguoi_bi_tieu_duong_nhu_the_nao_1_70941f124f.jpg)
Thận có vai trò lọc máu và loại bỏ chất thải dư thừa. Khi mức đường trong máu quá cao, thận loại bỏ đường qua nước tiểu. Đây là lý do khiến nước tiểu của người mắc tiểu đường có màu đục hơn so với người khỏe mạnh.
Biến chứng thận hư do tiểu đường
Khi thận phải làm việc liên tục trong thời gian dài để đào thải lượng đường dư thừa trong máu cao do bệnh tiểu đường, thận sẽ xuất hiện nhiều biến chứng, thậm chí là dẫn đến bệnh thận mãn tính.
Nếu trường hợp này xảy ra, thì các phân tử lớn như protein có thể vượt qua màng thận và xuất hiện trong nước tiểu. Sự hiện diện của protein trong nước tiểu làm cho nước tiểu trở nên đục.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Màu nước tiểu bị đục có thể do đường tiết niệu bị nhiễm trùng. Trong đó, bệnh tiểu đường lại là nguyên nhân làm gia tăng sự nhiễm trùng ở khu vực này. Khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu, hệ miễn dịch sẽ phát ra tế bào bạch cầu để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Những tế bào bạch cầu đã chết sẽ được cơ thể loại bỏ thông qua nước tiểu, gây ra tình trạng nước tiểu có màu đục.
Ngoài ra, trong trường hợp nhiễm trùng, tế bào có thể tạo ra dịch nhầy mủ (đôi khi chứa máu), điều này cũng là một nguyên nhân gây màu đục cho nước tiểu trong trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nước tiểu của người bị tiểu đường có mùi gì?
Ngoài màu sắc, bạn còn có thể nhận biết tiểu đường qua mùi của nước tiểu. Nếu nước tiểu của bạn có mùi ngọt hoặc mùi trái cây, khả năng cao bạn đang bị tiểu đường. Mùi ngọt trong nước tiểu xuất hiện do glucose bắt đầu rò rỉ vào nước tiểu.
![Đặc điểm nước tiểu của người bị tiểu đường như thế nào 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Dac_diem_nuoc_tieu_cua_nguoi_bi_tieu_duong_nhu_the_nao_2_777150d487.jpg)
Đối với các bệnh nhân đang điều trị bệnh tiểu đường, mùi ngọt trong nước tiểu cho thấy mức đường huyết chưa được kiểm soát tốt. Nước tiểu có mùi ngọt fthaajncũng có thể xuất phát từ sự dư thừa keton trong máu, do ăn kiêng quá mức hoặc do các vấn đề chuyển hóa khác.
Ở một số người, đây là dấu hiệu đầu tiên của bệnh đái tháo đường. Nếu bạn đột nhiên nhận thấy nước tiểu đục và có mùi ngọt thì hãy đi khám ngay.
Cách phòng ngừa biến chứng do tiểu đường
Việc phòng ngừa các biến chứng do tiểu đường gây ra rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của bạn. Một số biện pháp mà bạn có thể áp dụng như sau:
- Giữ chỉ số đường huyết ở mức ổn định: Tuân thủ chế độ ăn uống và liều lượng dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để duy trì mức đường huyết ở mức an toàn.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ, hạn chế đường và tinh bột, tránh thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa và chất béo trans.
- Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày như đi bộ, chạy bộ, bơi lội hoặc tham gia các hoạt động aerobic khác.
- Giữ vệ sinh đường tiết niệu: Thực hiện vệ sinh cá nhân đúng cách, chăm sóc vùng kín hàng ngày.
- Kiểm tra định kỳ: Khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra đường huyết, đo áp lực máu và kiểm tra thận thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu biến chứng.
- Điều chỉnh lối sống lành mạnh: Hạn chế hút thuốc lá, tránh tiếp xúc với chất độc và cố gắng giảm căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày.
![Đặc điểm nước tiểu của người bị tiểu đường như thế nào 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Dac_diem_nuoc_tieu_cua_nguoi_bi_tieu_duong_nhu_the_nao_3_e954078c35.jpg)
Tóm lại, nước tiểu của người bị tiểu đường sẽ có màu đục, và mùi ngọt hơn so với nước tiểu của người khỏe mạnh. Bạn có thể dựa vào việc quan sát bằng thị giác, hoặc sử dụng khứu giác để nhận biết sớm bệnh tình. Từ đó giúp cho việc điều trị đạt được kết quả tích cực hơn, sức khỏe của bạn sẽ sớm được cải thiện tốt.
Hữu ích:
- Tại sao người bị tiểu đường lại đi tiểu nhiều
- Bệnh tiểu đường tuýp 1 nặng hay nhẹ
- Biến chứng tiểu đường tuýp 2 là gì? Có nguy hiểm không?
Bảo Vân
Nguồn tham khảo: Tổng hợp