Đã khỏi bệnh nhưng nguy cơ tái nhiễm Covid-19 vẫn còn đó
Nhà chức trách địa phương Osaka, Nhật Bản xác nhận nữ bệnh nhân là một hướng dẫn viên du lịch 40 tuổi, từng phụ trách 1 đoàn khách đến từ Vũ Hán. 14 ngày sau khi được xuất viện thì người bệnh lại tái nhiễm. Trường hợp này dấy lên lo ngại về các nguy cơ rình rập dù đã được xác nhận khỏi bệnh.
![Đã khỏi bệnh nhưng nguy cơ tái nhiễm Covid-19 vẫn còn đó 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/da_khoi_benh_nhung_nguy_co_tai_nhiem_covid_19_van_con_do1_69e6f63a4d.jpg)
Tái nhiễm sau gần 2 tuần xuất viện
Đài NHK của Nhật Bản cho biết, bệnh nhân đã được phát hiện dương tính với virus 2019-nCoV vào ngày 29/1 sau khi dẫn đoàn khách Trung Quốc giữa tháng. Sau khi hồi phục vào ngày 1/2 bà đã được một trung tâm y tế địa phương cho xuất viện. Đồng thời đã được xác nhận là trong cơ thể không còn virus gây bệnh nữa vào lần xét nghiệm ngày 6/2.
Cho đến gần 2 tuần sau đó, nhằm ngày 19/2 bệnh nhân lại cảm thấy đau họng và tức ngực nên đến bệnh viện để kiểm tra nhưng chưa phải nhập viện. 1 tuần sau đó bà được xét nghiệm Covid-19 và được thông báo đã tái nhiễm. Ngày 26/2 giới chức Osaka đã xác nhận sự việc trong một cuộc họp báo.
Đài NHK thông tin thêm rằng bệnh nhân được cho là đã đeo khẩu trang và nghỉ ở nhà kể từ khi xuất viện lần đầu. Cô cũng không đi làm và tiếp xúc với ai khác. Hiện tại, các chuyên gia y tế Osaka đặt ra 2 giả thuyết là bệnh nhân còn sót virus Sars-CoV-2 trong người hoặc bị người khác lây nhiễm.
Một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm của đại học Osaka nói rằng những người đã từng nhiễm virus sẽ phát triển kháng thể trong người. Do đó thường bệnh nhân sẽ tránh tái nhiễm do cùng loại virus. Tuy nhiên trường hợp không đủ kháng thể thì chuyện tái nhiễm hoặc virus lại sinh sôi nảy nở là tất yếu.
Thực chất các trường hợp tái nhiễm cũng đã xuất hiện trước đó ở Trung Quốc. Ngày 21/2, Trung tâm Y tế Công cộng Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên xác nhận trường hợp người bệnh bình phục đã tái nhiễm sau khoảng 10 ngày xuất viện. Đến 28/2, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Quảng Đông cũng ghi nhận khoảng 14% người mắc Covid-19 đã xuất viện lại mắc bệnh trong đợt xét nghiệm sau đó.
Phó giám đốc CDC Tống Thiết cho rằng hiện vẫn chưa có kết luận rõ ràng về nguyên nhân hay liệu người tái nhiễm có lây lan ra cộng đồng không. Giám đốc phòng ngừa và điều trị viêm phổi, bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật tại Vũ Hán, Chương Thanh Nguyên cảnh báo rằng người hồi phục Covid-19 vẫn có thể tái nhiễm bệnh. Bởi cơ thể họ tuy sản sinh kháng thể nhưng lại không tồn tại lâu dài ở một số người.
![Đã khỏi bệnh nhưng nguy cơ tái nhiễm Covid-19 vẫn còn đó 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/da_khoi_benh_nhung_nguy_co_tai_nhiem_covid_19_van_con_do2_70725dd433.jpg)
Nguy cơ tiềm ẩn dù đã khỏi Covid-19
Họ virus corona thường được nhắc đến trong thời gian gần đây (gồm virus gây dịch SARS, MERS và cảm cúm thông thường) phần lớn lây nhiễm qua đường hô hấp. Khi xâm nhập vào cơ thể, virus sẽ tìm cách bám vào và xâm chiếm tế bào vật chủ. Khi đó hệ miễn dịch của cơ thể chúng ta sẽ tạo ra kháng thể để chống trả.
Amira Roess, giáo sư y tế và dịch tể học thuộc Đại học George Mason cho biết, với nhiều bệnh truyền nhiễm con người sau khi mắc phải có thể phát triển miễn dịch với chủng virus nhất định đó. Thường người nhiễm bệnh sẽ không đổ bệnh nữa khi tiếp xúc với mầm bệnh lần sau. Tuy nhiên đối với trường hợp Covid-19 thì các chuyên gia cho rằng kháng thể mà bệnh nhân tạo nên không đủ mạnh hoặc không tồn tại đủ lâu để giúp chúng ta miễn nhiễm với bệnh trong thời gian dài.
Giáo sư Philip Tierno thuộc Trường Y của Đại học New York cũng thông tin thêm rằng khi nhiễm phải virus có thể ở trạng thái bất hoạt (bất động) với triệu chứng ít ỏi. Sau đó Covid-19 sẽ trở nặng nếu virus tìm đường vào phổi. Phó hiệu trưởng Đại học Phẫu thuật Hoàng gia ở Ireland, giáo sư Samuel McConkey nhận định các chủng virus corona trước đây cũng đã gây tái nhiễm nên Sars-CoV-2 hoàn toàn có nguy cơ. Hơn nữa các ca tái nhiễm xuất hiện cũng chứng minh được rằng một số người có thể không phát triển hệ miễn dịch tự nhiên.
![Đã khỏi bệnh nhưng nguy cơ tái nhiễm Covid-19 vẫn còn đó 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/da_khoi_benh_nhung_nguy_co_tai_nhiem_covid_19_van_con_do3_fb34df8528.jpg)
Khả năng tái nhiễm có thể khiến công tác sản xuất vaccine phòng Covid-19 gặp khó khăn. Hơn nữa nó cũng sẽ lan nhanh trong 3 tháng tới và quay trở lại sau 3 tháng nữa, bởi cơ thể không được hệ miễn dịch bảo vệ sau lần lây nhiễm đầu. Tuy nhiên Patrick Mallon, giáo sư bệnh dịch do vi khuẩn ở Đại học Dublin, cũng cho rằng chúng ta sẽ phát triển miễn dịch ở mức độ nào đó, khiến bệnh dịch không còn nghiêm trọng như lần đầu tiên nữa.
Thụy Anh