Có nên uống chất lỏng trong bữa ăn: Lợi hay hại?
Trong các bữa ăn, nhiều người thường uống thêm các loại nước trái cây hay các loại đồ uống khác để giúp dễ tiêu hóa và ngon miệng hơn. Tuy nhiên nhiều ý kiến lo ngại rằng việc này có thể làm giảm khả năng tiêu hóa thức ăn và ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy, thực sự có nên uống chất lỏng trong bữa ăn hay không?
Hệ tiêu hóa của cơ thể hoạt động như thế nào?
Để hiểu lý do tại sao việc uống nước trong bữa ăn bị cho là có thể gây rối loạn tiêu hóa, trước tiên, bạn cần biết cách hệ tiêu hóa hoạt động như thế nào trong cơ thể.
Tiêu hóa bắt đầu ngay khi thức ăn được nhai trong miệng. Quá trình nhai kích thích tuyến nước bọt tiết ra enzyme để phân giải thức ăn. Khi thức ăn xuống dạ dày, nó sẽ được trộn với dịch vị có tính axit, tiếp tục phân hủy và tạo ra một hỗn hợp lỏng đặc gọi là chyme.
![Có nên uống chất lỏng trong bữa ăn: Lợi hay hại? 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/co_nen_uong_chat_long_trong_bua_an_loi_hay_hai_2_38ce85ab87.jpg)
Khi chyme đi xuống ruột non, nó được trộn với các enzyme tiêu hóa từ tuyến tụy và axit mật từ gan, tiếp tục phá vỡ chyme để các chất dinh dưỡng dễ dàng hấp thụ vào máu. Phần lớn dinh dưỡng được hấp thụ khi chyme đi qua ruột non, và phần nhỏ còn lại sẽ được hấp thụ ở ruột già. Những chất không tiêu hóa sẽ được thải ra ngoài qua phân. Quá trình tiêu hóa này có thể kéo dài từ 24 đến 72 giờ, tùy thuộc vào loại thực phẩm bạn tiêu thụ.
Tóm lại, tiêu hóa là quá trình phân giải thức ăn qua các cơ quan để hấp thụ chất dinh dưỡng vào máu, giúp nuôi dưỡng cơ thể.
Uống chất lỏng trong bữa ăn có gây ra vấn đề về tiêu hóa không?
Uống đủ nước hàng ngày mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên, một số quan điểm cho rằng việc ăn và uống cùng lúc có thể không phải là lựa chọn tốt. Dưới đây là ba lý do phổ biến thường được sử dụng để cho rằng uống nước trong bữa ăn có thể gây hại cho quá trình tiêu hóa.
Ảnh hưởng của rượu và đồ uống có tính axit đến nước bọt
Một số người cho rằng việc tiêu thụ đồ uống có cồn hoặc có tính axit trong bữa ăn có thể làm giảm lượng nước bọt, khiến việc tiêu hóa trở nên khó khăn hơn. Rượu có thể làm giảm lưu lượng nước bọt khoảng 10 - 15% trên mỗi đơn vị rượu, nhưng điều này chủ yếu áp dụng cho rượu mạnh, không phải cho các loại bia hay rượu với nồng độ thấp hơn. Ngược lại, đồ uống có tính axit thường làm tăng tiết nước bọt. Hơn nữa, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy rằng tiêu thụ rượu hoặc đồ uống có tính axit ở mức độ vừa phải sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tiêu hóa hoặc hấp thụ dinh dưỡng.
![Có nên uống chất lỏng trong bữa ăn: Lợi hay hại? 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/co_nen_uong_chat_long_trong_bua_an_loi_hay_hai_3_ba7211def2.jpg)
Nước, axit dạ dày và enzyme tiêu hóa
Một số người lo ngại rằng việc uống nước trong bữa ăn sẽ làm loãng axit dạ dày và các enzyme tiêu hóa, từ đó làm cản trở cơ thể trong việc tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên, lập luận này giả định rằng hệ tiêu hóa không thể tự điều chỉnh lượng dịch tiết theo nhu cầu của bữa ăn, điều này là không chính xác.
Chất lỏng và tốc độ tiêu hóa
Một lý do phổ biến khác chống lại việc uống nước trong bữa ăn là chất lỏng có thể làm tăng tốc độ làm trống dạ dày, đặc biệt là với các loại thực phẩm rắn. Điều này được cho là giảm thời gian mà thức ăn tiếp xúc với axit dạ dày và enzyme tiêu hóa, dẫn đến tiêu hóa kém hơn. Tuy nhiên, không có nghiên cứu khoa học nào hỗ trợ cho tuyên bố này. Một nghiên cứu đã phân tích quá trình làm trống của dạ dày và phát hiện rằng, mặc dù chất lỏng đi qua hệ tiêu hóa nhanh hơn so với thực phẩm rắn, nhưng chúng không ảnh hưởng đến tốc độ tiêu hóa của thực phẩm rắn.
![Có nên uống chất lỏng trong bữa ăn: Lợi hay hại? 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/co_nen_uong_chat_long_trong_bua_an_loi_hay_hai_5_414e627b34.jpg)
Tóm lại, việc uống các loại chất lỏng như nước, rượu hoặc đồ uống có tính axit trong bữa ăn không có khả năng gây hại cho hệ tiêu hóa.
Chất lỏng có khả năng cải thiện chức năng tiêu hóa
Chất lỏng đóng vai trò quan trọng trong việc phân hủy các khối thức ăn lớn, giúp chúng dễ dàng trượt xuống thực quản và vào dạ dày. Chúng cũng hỗ trợ quá trình di chuyển của thức ăn trong đường tiêu hóa, từ đó ngăn ngừa tình trạng đầy hơi và táo bón.
Ngoài ra, trong quá trình tiêu hóa, dạ dày cũng tiết ra nước cùng với axit dịch vị và các enzyme tiêu hóa. Nước không chỉ cần thiết để kích thích hoạt động của các enzyme này mà còn giúp tối ưu hóa chức năng tiêu hóa. Tóm lại, cho dù được tiêu thụ trước hay trong bữa ăn, chất lỏng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tiêu hóa.
![Có nên uống chất lỏng trong bữa ăn: Lợi hay hại? 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/smalls/co_nen_uong_chat_long_trong_bua_an_loi_hay_hai_4_4ebf90954d.jpg)
Việc uống nước khi ăn còn có thể giúp kiểm soát cảm giác thèm ăn, ngăn ngừa việc ăn quá mức và thúc đẩy quá trình giảm cân. Tuy nhiên, điều này không áp dụng cho các đồ uống có chứa calo.
Dù có những ý kiến khác nhau về việc uống chất lỏng trong bữa ăn, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc uống nước và các loại đồ uống không có calo có thể mang lại nhiều lợi ích như hỗ trợ tiêu hóa đến kiểm soát cảm giác thèm ăn. Tuy nhiên, mỗi người có thể phản ứng khác nhau với thói quen này. Vì vậy, bạn cần lắng nghe cơ thể mình và tìm ra cách uống nước sao cho phù hợp với nhu cầu cá nhân. Hãy cân nhắc các yếu tố này để đưa ra lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe của bạn nhé!