Có nên dùng corticoid cho trẻ sơ sinh không? Cách dùng an toàn cho bé
Corticoid là loại thuốc được sử dụng để phòng ngừa và điều trị một số căn bệnh ngoài da giúp chăm sóc trẻ sơ sinh tốt hơn. Các phụ huynh thường băn khoăn không biết có nên dùng corticoid cho trẻ sơ sinh hay không và có tác hại gì. Những thông tin trong bài viết này sẽ giúp các bậc cha mẹ cẩn trọng hơn khi muốn cho bé dùng corticoid.
Có nên dùng corticoid cho trẻ sơ sinh không?
Công dụng của thuốc corticoid là kháng viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch. Thuốc có thể được chỉ định để điều trị một số căn bệnh ở trẻ em như sốc phản vệ, dị ứng, phù, nổi mề đay, bệnh ngoài da, khớp, hen phế quản, thận, bệnh về máu… Trên thị trường hiện nay có nhiều dạng thuốc chứa thành phần corticoid khác nhau. Người bệnh sẽ được chỉ định loại thích hợp tùy thuộc vào nhu cầu và tình trạng sức khỏe. Các dạng của thuốc là:
- Thuốc dùng tại chỗ tác động đến một vùng nhất định trên cơ thể: Thuốc bôi ngoài da với dạng gel, kem, thuốc mỡ, thuốc nhỏ, xịt mũi hoặc ống hít.
- Thuốc dùng toàn thân hấp thụ vào máu và tác động đến các bộ phận trong cơ thể: Thuốc uống, thuốc tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp.
- Thuốc dùng đặc biệt như tiêm quanh nhãn cầu hoặc chích nội khớp.
Thuốc chứa corticoid có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, do đó nhiều bố mẹ không biết có nên dùng corticoid cho trẻ sơ sinh không. Đáp án là có thể dùng nhưng bạn cần thận trọng, không nên tự ý dùng thuốc cho bé. Nguyên nhân là do cơ thể trẻ nhỏ hấp thụ thuốc cao hơn người lớn, do da mỏng hơn, hệ tiêu hóa yếu hơn. Vì thế, nguy cơ trẻ bị tác dụng phụ của thuốc cũng cao hơn. Đã có trường hợp bị mẫn cảm hoặc kích ứng ở khu vực thoa thuốc, teo da, rậm lông, rạn da, viêm da, nhiễm khuẩn thứ phát… cùng nhiều biến chứng nguy hại khác.
Nhằm giúp việc dùng corticoid là an toàn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám để được bác sĩ chỉ định dùng loại thuốc và liều lượng thích hợp. Thuốc corticoid chỉ nên dùng cho bé khi thật sự cần thiết và dùng dưới sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa với liều lượng tối thiểu đủ để mang đến hiệu quả điều trị.
Cách dùng corticoid an toàn cho trẻ
Để việc sử dụng corticoid trên trẻ nhỏ được an toàn, bạn cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ nhằm tránh gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn. Phụ huynh không được tự ý dùng, tăng hoặc giảm liều, kéo dài hay rút ngắn thời gian sử dụng ở trẻ.
Đối với trường hợp dùng thuốc liều cao, trẻ em cần được theo dõi sát sao để phát hiện các tác dụng phụ và xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, bạn không được đột ngột ngừng thuốc để tránh biến chứng suy thượng thận cấp gây ảnh hưởng đến tính mạng dù có dùng liều thấp. Nếu muốn ngưng thì bạn cần giảm liều từ từ theo phác đồ điều trị của bác sĩ hoặc chỉ định từ chuyên gia.
Tùy theo từng tình trạng bệnh của trẻ mà liều dùng thuốc chứa corticoid sẽ khác nhau. Lượng thuốc dùng đường uống cũng phụ thuộc vào độ mạnh của thuốc, liều dùng hàng ngày, thời gian giữa các liều, thời điểm dùng thuốc nên bác sĩ sẽ quyết định loại thuốc cũng như liều lượng cụ thể cho bé.
Tác dụng phụ của corticoid đối với trẻ nhỏ
Có nên dùng corticoid cho trẻ sơ sinh không còn phụ thuộc vào tác dụng phụ của mỗi loại thuốc. Loại thuốc, liều dùng, thời gian dùng, đường dùng và vị trí tác động là những yếu tố có liên quan đến tác dụng phụ của thuốc. Nếu uống không đúng cách, trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh có thể đối mặt với một số tác dụng phụ như:
- Loãng xương: Xương mềm hơn, dễ gãy, thậm chí là hoại tử xương.
- Hội chứng Cushing: Trẻ dễ tăng cân, béo phì không cân đối, mỡ tích tụ ở bụng và mặt, sau gáy và cổ, tay chân teo nhỏ, rối loạn kinh nguyệt hoặc mất kinh ở bé gái sau dậy thì. Da mỏng và đỏ hơn, nhiều mụn, đùi và bụng có vết rạn.
- Suy tuyến thượng thận: Mệt mỏi, thể trạng kém, buồn nôn và nôn, huyết áp thấp.
- Suy giảm sức đề kháng: Nguy cơ nhiễm trùng tăng cao khiến trẻ dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn như thủy đậu, viêm phổi, lao…
- Dùng corticoid ngoài da: Da mỏng đi, giãn tĩnh mạch, rạn da nếu dùng quá liều trong điều trị chàm, viêm da dị ứng.
- Các tác dụng phụ khác: Chiều cao chậm phát triển, da nổi nhiều mụn trứng cá, rậm lông, đục thuỷ tinh thể, mất ngủ, tăng nhãn áp, xuất hiện các cơn hưng phấn hoặc trầm cảm, dễ nóng giận…
Nếu thấy trẻ có một trong các biểu hiện như co giật, sốt ớn lạnh, khó thở, tức ngực, tiểu nhiều, uống nhiều, yếu cơ, mỏi cơ, tay chân phù nề, đi cầu thấy phân đen hoặc máu đỏ tươi, bé gái có chu kỳ kinh bất thường, nôn ra máu đỏ tươi hoặc bầm như bã cà phê, trẻ mắc đái tháo đường có đường huyết không ổn định… thì bố mẹ cần cho bé đi khám bác sĩ nhanh chóng.
Làm thế nào để phòng ngừa biến chứng corticoid ở trẻ nhỏ?
Bên cạnh thắc mắc có nên dùng corticoid cho trẻ sơ sinh không thì phụ huynh cũng cần lưu ý những điều dưới đây để hạn chế tối đa biến chứng cho trẻ:
- Không được ngừng thuốc đột ngột, nhất là những người đang dùng thuốc liều cao hoặc đã dùng trong thời gian dài để không gây suy thượng thận cấp nặng dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
- Nên dùng corticoid liều thấp nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất đủ có tác dụng theo yêu cầu điều trị.
- Nếu có thể, hãy dùng thuốc thay thế corticoid.
- Ưu tiên dùng thuốc với cách sử dụng ít gây tác dụng phụ nhất nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả, chẳng hạn như thoa ngoài da, hít qua mũi để điều trị hen phế quản ở trẻ phụ thuộc corticoid.
- Kiểm tra bệnh tăng huyết áp hoặc tiểu đường trong quá trình điều trị corticoid.
- Thuốc chứa corticoid có khả năng gây rối loạn tâm thần nên trong trường hợp trẻ có sự thay đổi về hành vi, trí nhớ, nhận thức thì bố mẹ hãy thông báo ngay cho bác sĩ.
- Cho bé kết hợp uống thêm khoảng 1g canxi mỗi ngày hoặc vitamin D, kiểm tra sức khỏe mỗi 6 tháng để phòng ngừa loãng xương.
- Cho bé uống thuốc chứa corticoid cùng hoặc sau khi ăn để ngừa viêm loét dạ dày.
- Thường xuyên theo dõi cân nặng của trẻ để tránh béo phì, tăng cân nhanh.
Mong rằng những chia sẻ trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc về vấn đề có nên dùng Corticoid cho trẻ sơ sinh không. Vì corticoid có nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe trẻ nhỏ nên bố mẹ hãy cẩn trọng và không được tự ý cho bé dùng nếu chưa nhận được sự chỉ định của bác sĩ chuyên môn nhé!
Xem thêm: