Có nên điều trị sùi mào gà bằng thuốc Đông y không?
Sùi mào gà là một trong những bệnh tình dục phổ biến nhất hiện nay, người mắc thường gặp phải tình trạng đau rát, ngứa ngáy và chảy máu. Vậy có nên điều trị sùi mào gà bằng thuốc Đông y hay không?
Vai trò của Đông y trong việc điều trị sùi mào gà
![Có nên điều trị sùi mào gà bằng thuốc Đông y không? 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/dieu_tri_sui_mao_ga_bang_thuoc_dong_y_1_b206df85e4.jpg)
Sùi mào gà là bệnh có thể lây nhiễm cao, chủ yếu là lây nhiễm qua đường tình dục phổ biến, do virus HPV gây ra. Virus HPV có tốc độ phát triển nhanh chóng, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây các biến chứng nguy hiểm. Các phương pháp điều trị phổ biến là:
- Y học hiện đại: Sử dụng thuốc kháng virus và một số thủ thuật xâm lấn như áp lạnh, laser, phẫu thuật…
- Các bài thuốc Đông y.
- Một số mẹo dân gian.
Theo y học cổ truyền, sùi mào gà là biểu hiện của chứng “táo hậu”. Triệu chứng của bệnh được hình thành do vệ sinh vùng kín không đảm bảo, gây thấp nhiệt ứ tại bì, từ đó lâu dần sẽ làm hư tổn niêm mạc và phát bệnh.
Phương pháp dùng thuốc Đông y chữa sùi mào gà là sử dụng những thành phần dược liệu từ thiên nhiên. Các dược liệu từ thiên nhiên vô cùng an toàn này khi kết hợp với nhau sẽ có tác dụng trong việc điều trị sùi mào gà.
Mặc dù phương pháp này giúp tiết kiệm chi phí nhưng cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Hiện tại, các bài thuốc Đông y điều trị sùi mào gà thường được áp dụng cho trường hợp bệnh nhẹ. Còn đối với bệnh có mức độ nghiêm trọng, người bệnh cần can thiệp Tây y, do Đông y chỉ có khả năng hỗ trợ điều trị và cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể áp dụng bài thuốc Đông y sau khi điều trị bằng y học hiện đại để nhằm dự phòng tình trạng tái phát và hạn chế nốt sùi mới. Dưới đây là gợi ý một số bài thuốc Đông y chữa sùi mào gà mà bạn có thể tham khảo?
Các bài thuốc điều trị sùi mào gà
Các bài thuốc điều trị sùi mào gà bằng Đông y được chia làm hai dạng là: Đường uống và đường bôi ngoài da.
Bài thuốc dùng đường uống
Bài số 1
Chuẩn bị nguyên liệu: Thương truật 5g, chi tử 10g, liên kiều 10g, sơn đậu căn 10g, cam thảo 10g, thổ phục linh 30g, sơn từ cô 5g, hoàng bá 10g, hoàng cầm 10g, xạ can 10g, bản lam căn 10g, kim ngân hoa 10g và dã cúc hoa 30g.
Cách thực hiện: Cho các dược liệu trên sắc cùng nước và dùng uống hàng ngày, mỗi ngày dùng 1 thang.
Bài số 2
![Có nên điều trị sùi mào gà bằng thuốc Đông y không? 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/dieu_tri_sui_mao_ga_bang_thuoc_dong_y_2_f8ceac2909.jpg)
Chuẩn bị nguyên liệu: Tỳ giải 15g, thương truật 15g, hoàng bá 15g, đại thanh diệp 20g, ý dĩ 20g, thổ phục linh 30g, đan bì 12g, tử thảo 15g, thông thảo 10 gam, mã xỉ hiện (rau sam) 15g
Cách thực hiện: Đem nguyên liệu đã chuẩn bị sắc lấy nước uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
Chú ý:
- Nếu thấy những nốt sùi mào gà có biểu hiện sưng nóng, đỏ đau và kèm theo hiện tượng táo bón thì thêm đại hoàng 9g, sinh thạch cao 15g, kim ngân hoa 15g, tri mẫu 9g vào thang thuốc trên.
- Nếu bệnh sùi mào gà bị tái phát, bạn cho thêm hoàng kỳ 20g và bạch truật 15g vào thang thuốc trên.
Bài số 3
Chuẩn bị nguyên liệu: Dã hoa cúc 30g, thổ phục linh 30gm, kim ngân hoa 10g cam thảo 10g, bản lam căn 10g, sơn đậu căn 10g, liên kiều 10g hoàng cầm 10g, chỉ tử 10g, hoàng bá 10g, thương truật 10g, sơn từ cô 5g.
Cách thực hiện: Cũng giống như 2 bài thuốc trên, bạn đem tất cả các dược liệu đã chuẩn bị ở trên đi sắc lấy nước uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
Bài thuốc bôi ngoài da
Công dụng chính của các bài thuốc bôi ngoài da trong điều trị sùi mào gà là giúp người bệnh giảm ngứa, làm dịu và giảm sưng nóng tại vị trí nốt sùi.
Bài số 1
Chuẩn bị nguyên liệu: Dã cúc hoa 30g, khô phàn 20g, địa phu tử 20g, bản lam căn 30g, mộc tặc 20g, nga truật 15g.
Cách thực hiện: Đem dược liệu sắc cùng với nước, tắt bếp để nước nguội bớt đến khi ấm ấm thì tiến hành ngâm rửa tại chỗ.
Bài số 2
![Có nên điều trị sùi mào gà bằng thuốc Đông y không? 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/dieu_tri_sui_mao_ga_bang_thuoc_dong_y_3_e2e1b0cee5.png)
Chuẩn bị nguyên liệu: Đại thanh hiệp 30g, mã xỉ hiện (rau sam) 60g và minh phàn 21g.
Cách thực hiện: Cũng sắc với nước rồi dùng ngâm và rửa tại chỗ. Mỗi ngày ngâm 2 lần, mỗi lần ngâm kéo dài từ 10 đến 15 phút để đạt kết quả tốt nhất.
Lưu ý: Khi sử dụng bài thuốc này, sau khi ngâm rửa bạn rắc cả bột của phèn phi 9g và lục nhất tán 30g lên vùng sùi.
Bài số 3
Chuẩn bị nguyên liệu: Ý dĩ, Hoàng bá, hoàng kỳ, khổ sâm chuẩn bị các dược liệu với bằng lượng nhau.
Cách thực hiện:
- Mang các dược liệu trên đi sấy khô rồi nghiền thành bột mịn.
- Dùng khoảng 1g rắc lên các nốt u sùi và băng lại.
- Thực hiện liên tục trong 2 liệu trình (mỗi liệu trình gồm 10 lần rắc thuốc) bạn sẽ thấy triệu chứng được cải thiện.
Bài số 4
Chuẩn bị nguyên liệu: Linh từ thạch 20g, mộc tặc thảo 30g, khổ sâm 30g, hồng hoa 10g, mã xỉ hiện 60g, bạch liễm 20g, sinh mẫu lệ 30g, bạch hoa xà thiệt thảo 30g.
Cách thực hiện: Sắc các dược liệu trên cùng nước, rồi lấy nước sắc được ngâm rửa tại chỗ, mỗi lần ngâm khoảng 20 phút. Thực hiện liên tục trong vòng 20 ngày, mỗi ngày 1 lần.
Những bài thuốc điều trị sùi mào gà bằng Đông y được giới thiệu ở trên chỉ mang tính tham khảo. Do đó, trước khi điều trị bệnh bằng phương pháp này, bạn nên đi khám và xem tư vấn của bác sĩ để được chẩn đoán mức độ bệnh và có phương án chữa trị hiệu quả.
Vậy là thắc mắc về thuốc Đông y trong việc điều trị sùi mào gà đã được giải đáp qua bài viết trên. Bạn nên đi khám và hỏi ý kiến chuyên môn trước khi áp dụng, đồng thời cần lựa chọn dược liệu rõ nguồn gốc và đảm bảo chất lượng.
Hạ Hạ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp