Chàm da ở bà bầu: Điều trị và phòng ngừa như thế nào?
Chàm da ở bà bầu là căn bệnh phổ biến khi mang thai làm cho da xuống sắc và mất tự tin trong cuộc sống. Vậy mẹ bầu nên làm gì để chữa bệnh chàm da hoặc hạn chế sự bùng phát của căn bệnh này khi mang bầu? Hãy cùng Hà An Pharmacy tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé
Các triệu chứng bệnh chàm da ở bà bầu
Hầu như các triệu chứng về bệnh chàm da khi mang thai và ngoài thai kỳ đều giống nhau, bao gồm:
- Nổi mụn đỏ trên vùng da bị chàm.
- Da sần sùi và trở nên bong tróc hơn.
- Da bị ngứa ở những vùng bị chàm. Các vết ngứa thường xuất hiện gần nhau và có thể được che phủ bởi một lớp vảy.
- Thi thoảng sẽ có vài nốt mụn mủ mọc trên da.
- Nếu đã từng có tiền sử mắc bệnh chàm da thì khi mẹ bầu mang thai, bệnh có thể phát triển nặng hơn.
Nguyên nhân gây ra chàm da ở bà bầu
Cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có minh chứng nào làm sáng tỏ được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh chàm da ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu cũng đã chỉ ra được những nhân tố có nguy cơ làm hình thành và phát triển của bệnh như sau:
- Hệ miễn dịch suy giảm: Trong thời gian mang thai ở giai đoạn những tháng đầu thai kỳ, khả năng miễn dịch của cơ thể mẹ bầu sẽ suy giảm hơn so với bình thường. Đây là hiện tượng sinh lý do cơ thể đang hoạt động quá độ để chuẩn bị cho những tháng ngày thay đổi sắp tới. Ngoài ra, lúc này hệ miễn dịch sẽ tập trung bảo vệ thai nhi nên cơ thể mẹ rất dễ bị các yếu tố bên ngoài xâm nhập và gây tổn thương.
- Rối loạn nội tiết: Ở phụ nữ mang thai, hormone estrogen và progesterone thường có khuynh hướng tăng mạnh, làm cho da và một số cơ quan khác gặp phải các vấn đề tiêu cực.
- Tâm lý căng thẳng: Thường xuất hiện ở những người mới mang thai lần đầu tiên. Trạng thái tâm lý không ổn định cùng với những thay đổi đột ngột bên trong cơ thể chính là nguyên nhân khiến bệnh chàm da bùng phát.
- Mất cân bằng độ ẩm trên da: Hầu hết các mẹ khi mang thai sẽ quên phải dưỡng ẩm và chăm sóc da dẫn đến việc làn da mất đi độ ẩm cần thiết. Da lúc này sẽ trở nên khô ráp, bong tróc và nứt nẻ thành từng mảng màu trắng khác nhau.
Các phương pháp điều trị bệnh chàm da ở bà bầu
Mang thai là giai đoạn quan trọng mà mẹ bầu nào cũng phải cẩn thận, vì vậy người mẹ nên có những phương pháp phù hợp điều trị bệnh chàm da càng sớm càng tốt để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe con cái sau này. Một số cách chữa bệnh an toàn có thể kể đến như:
Điều trị bằng thuốc
Các bác sĩ da liễu cho rằng bệnh chàm da ở bà bầu có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu như các mẹ tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Khi mang thai, mẹ bầu không nên sử dụng bất kì loại thuốc nào để tránh ảnh hưởng đến thai nhi. Thay vào đó là sử dụng thuốc bôi có thành phần lành tính và dịu nhẹ, không chứa chất hóa học.
Thuốc bôi
Trên thị trường hiện nay có khá nhiều loại thuốc thoa trực tiếp lên vùng da chàm. Tuy nhiên bạn cần phải hết sức thận trọng trong việc lựa chọn cho mình sản phẩm có hiệu quả và an toàn cho da.
Hãy ưu tiên chọn các loại kem bôi trị chàm da được sản xuất dành riêng cho da nhạy cảm và an toàn cho phụ nữ mang thai. Hoặc bạn có thể sử dụng các sản phẩm có thành phần tự nhiên, lành tính và ít mùi thơm. Bên cạnh đó, thuốc mỡ Steroid cũng có tác dụng trị chàm bội nhiễm rất tốt và gần như phù hợp với mọi loại da.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé thì các mẹ nên hỏi kĩ ý kiến của bác sĩ trước khi bôi trực tiếp lên da bất cứ loại thuốc nào. Vì làn da của thai phụ rất nhạy cảm nên hãy thử một ít lượng thuốc trên mu bàn tay trước khi thoa lên toàn bộ vùng da bị chàm.
Thuốc uống
Một số loại thuốc uống có thể được dùng kết hợp với thuốc bôi để tăng hiệu quả điều trị bệnh chàm. Đối với phụ nữ đang mang thai thì phải cẩn thận khi uống thuốc, vì rất có thể thành phần của nó sẽ di truyền qua nhau thai.
Sử dụng một số loại thuốc uống theo hướng dẫn của bác sĩ giúp cho bệnh chàm nhanh khỏi hơn
Một số loại thuốc điều trị bệnh chàm da phổ biến có thể liệt kê như: Thuốc uống Histamine, thuốc kháng viêm, các thuốc chống oxy hóa có chứa thành phần vitamin A, B, C, D, E, acid béo có trong dầu cá và các Probiotic hỗ trợ. Tuy nhiên, nên trao đổi với bác sĩ về các tên thuốc và toa thuốc mà bạn có thể sử dụng, tuyệt đối không tự ý uống thuốc khi chưa có bất cứ sự tư vấn của bác sĩ da liễu nào.
Những biện pháp phòng ngừa bệnh chàm da ở bà bầu
Ngoài việc điều trị bệnh bằng thuốc bôi và thuốc uống, thai phụ còn có thể dễ dàng khắc phục căn bệnh bằng cách theo dõi và thực hiện các biện pháp hỗ trợ sau đây:
Giữ vệ sinh làn da sạch sẽ
Khi mang thai, thân nhiệt và trọng lượng của người phụ nữ tăng cao hơn so với mức bình thường, làm cho thể trạng cơ thể nóng nực và chảy nhiều mồ hôi. Bạn có thể đi tắm nếu bạn muốn, nhưng không nên tắm quá 10 phút và nên tắm bằng nước hơi ấm một chút để cơ thể không bị cảm lạnh và giảm ngứa.
Hạn chế sử dụng các loại mỹ phẩm và sữa tắm có mùi thơm nồng để hạn chế da khỏi bị tiếp xúc với các chất hóa học. Đồng thời, mẹ bầu nên mặc quần áo làm bằng sợi tự nhiên hoặc cotton thoáng mát để tránh cọ xát với vùng da chàm.
Dưỡng ẩm da
Chàm da sẽ khiến cho da mẹ bầu bị bong tróc, đóng mảng, nứt nẻ và chảy máu. Để cải thiện tình trạng này một cách an toàn nhất, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn chọn loại kem dưỡng da phù hợp. Kem dưỡng da có tác dụng làm ẩm da, xóa bỏ tế bào chết đã bong tróc và ngăn ngừa nứt nẻ trên da rất hiệu quả.
Trạng thái tâm lý ổn định
Đối với phụ nữ đang mang thai, căng thẳng và mất ngủ có thể dẫn đến bệnh trầm cảm rất nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Mỗi khi tâm trạng không tốt, mẹ bầu có thể làm các hoạt động giải trí như xem phim, đọc sách, nghe nhạc hoặc nói chuyện với thai nhi. Các bác sĩ cũng đã chỉ ra rằng, thường xuyên nói chuyện với thai nhi không chỉ giảm mạnh chứng trầm cảm mà còn giúp trí não của trẻ phát triển ổn định và thông minh hơn.
Bài viết trên là những thông tin mang tính chất tham khảo về bệnh chàm da khi mang thai và cách điều trị ở bà bầu. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ và bé, hãy đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị bệnh với những phương pháp phù hợp nhé.
Tạ Quỳnh
Nguồn tham khảo: Tổng hợp