Cha mẹ nên làm gì khi trẻ bị viêm họng nôn trớ?

Khi bị viêm họng, bên cạnh các triệu chứng điển hình như: Sốt, ho, đau họng, khản tiếng,... nhiều trẻ còn gặp tình trạng chán ăn, quấy khóc, nôn trớ… khiến bé bị sụt cân, chậm phát triển, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe.

Vì sao trẻ bị viêm họng nôn trớ?

Trẻ bị viêm họng nôn trớ là tình trạng thường gặp, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đặc biệt, nhiều trường hợp viêm họng gây khó nuốt nên xảy ra hiện tượng trẻ cứ ăn vào là nôn, dù chỉ bú sữa cũng nôn trớ. Tình trạng bé bị viêm họng nôn trớ có thể xảy ra sau bữa ăn hay những lúc cơn ho do viêm họng xuất hiện. Điều này làm cho họng của bé bị kích thích, dẫn đến phản xạ nôn trớ kèm theo dịch nhầy và thức ăn.

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ bị viêm họng nôn trớ

Viêm họng nôn trớ thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Mặt khác, phần lớn nguyên nhân gây viêm họng ở trẻ nhỏ là do vi khuẩn hoặc virus tấn công dẫn đến viêm và sưng tấy niêm mạc họng. Lúc này, sự suy giảm hệ miễn dịch khiến cơ thể trẻ trở nên mệt mỏi và chức năng tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng. Việc không tiêu hóa và hấp thu được các thức ăn nạp vào cơ thể dẫn đến trào ngược dạ dày và làm cho trẻ bị nôn trớ.

Ngoài ra, trẻ bị viêm họng nôn trớ còn có thể là do hệ tiêu hóa phát triển chưa hoàn thiện. Đặc biệt ở trẻ sơ sinh, dạ dày thường nằm ngang, cơ thắt tâm vị yếu nên dễ kéo theo nôn trớ khi bé ho.

Đặc biệt, tình trạng nôn trớ sẽ nặng hơn với những trường hợp trẻ lạm dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh. Nguyên nhân là do kháng sinh tiêu diệt các lợi khuẩn trong đường ruột, làm cho hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả, dễ khiến trẻ dễ bị buồn nôn và nôn. 

Trẻ bị viêm họng nôn trớ có nguy hiểm không?

Hầu hết các trường hợp trẻ bị viêm họng nôn trớ thường không quá nghiêm trọng, bé sẽ cảm thấy tốt hơn khi được sự chăm sóc kịp thời. Việc nôn mửa còn có thể làm sạch chất nhầy ra khỏi hệ thống hô hấp. Tuy nhiên nếu chủ quan và điều trị bệnh sai cách sẽ gây ra rất nhiều ảnh hưởng nguy hiểm. Cụ thể:

  • Sự tấn công của vi khuẩn làm tăng nguy cơ viêm thấp khớp, hở van tim, viêm màng tim…
  • Bé sụt cân cơ thể xanh xao thiếu sức sống do hấp thụ chất kém. 
  • Trẻ bị suy giảm sức đề kháng.
  • Các dị nguyên xâm nhập tấn công sâu vào hệ thống hô hấp làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như: Viêm phế quản, viêm phổi do ho kéo dài.

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ bị viêm họng nôn trớ

Viêm họng nôn trớ ở trẻ tuy không quá nguy hiểm nhưng phải chăm sóc, điều trị kịp thời

Nên làm gì khi trẻ bị viêm họng nôn trớ?

Để giải quyết tình trạng viêm họng nôn trớ ở trẻ, điều trị dứt điểm viêm họng là việc làm cần thiết. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ có thể giúp con yêu cải thiện tình hình này nhờ các lưu ý sau:

Không ép trẻ ăn 

Khi bị viêm, cổ họng bị ngứa rát, sưng đau khiến trẻ rất khó chịu khi nuốt thức ăn. Vì vậy, thời gian này bé chán ăn và ăn uống ít hơn là điều bình thường. Nhiều mẹ vì mong muốn bé mau khỏe nên nóng vội ép trẻ ăn nhiều hơn. Điều này đôi khi lại phản tác dung và càng khiến trẻ cảm thấy sợ ăn, dễ bị nôn trớ hơn. 

Thay vào đó, bạn nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày của trẻ. Để giúp trẻ hấp thụ các chất dinh dưỡng tốt hơn, hạn chế nôn trớ nên đợi khoảng 2 - 3 tiếng để dạ dày ổn định lại rồi hãy cho bé ăn tiếp. 

Cho trẻ ăn thức ăn lỏng 

Trong thời gian viêm họng, hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm khó nuốt như: Cơm hoặc các loại thực phẩm cứng khác. Các mẹ nên nấu các loại thức ăn lỏng như: Cháo, súp… hay các món ăn dễ nuốt, hạn chế kích thích cổ họng nhằm giúp việc ăn uống của trẻ dễ dàng hơn. Để bổ sung thêm chất dinh dưỡng bạn nên xay nhỏ các loại thịt, rau củ để thêm vào các món ăn cho bé.

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ bị viêm họng nôn trớ

Cha mẹ cần chú ý trong chế độ ăn uống của trẻ bị viêm họng

Bổ sung cho trẻ thực phẩm giàu vitamin C, Kẽm 

Bạn cũng nên cho trẻ bị viêm họng ăn nhiều các loại hoa quả có chứa nhiều vitamin C như: Bưởi, cam, kiwi… cùng với các thực phẩm giàu kẽm như: Tôm, cua, ngao, củ cải trắng, rau chân vịt... Đây đều là những thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, hạn chế nôn trớ và mau chóng khỏe mạnh.

Cho bé uống nhiều nước 

Uống nhiều nước không chỉ giúp đào thải độc tố ra khỏi cơ thể mà còn có tác dụng làm dịu họng và loãng đờm giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Đồng thời, việc uống đủ nước giúp dịch tiêu hóa tiết ra nhiều hơn, tăng cường hấp thụ các dưỡng chất trong thức ăn và làm giảm tình trạng nôn ở trẻ bị viêm họng.

Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều 

Họng bị viêm, nôn trớ kèm theo không ăn uống được khiến trẻ khó chịu, mệt mỏi, quấy khóc. Lúc này bạn nên cho trẻ nghỉ ngơi nhiều, ngủ đủ giấc để đẩy lùi các triệu chứng bệnh và giúp cơ thể hồi phục nhanh chóng.

Cho trẻ súc miệng bằng nước muối 

Đối với những trẻ đã biết súc miệng, bạn nên cho bé súc miệng bằng nước muối để ngăn ngừa tình trạng bệnh trở nặng. Nước muối chứa các thành phần chống viêm, có tính sát khuẩn nên sẽ giúp tiêu diệt các vi khuẩn trong khoang miệng. Từ đó, ngăn không cho chúng di chuyển và tấn công xuống vùng họng và cổ họng.

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ bị viêm họng nôn trớ

Tập cho trẻ súc miệng bằng nước muối để tránh bệnh trở nặng

Khi nào trẻ viêm họng nôn trớ cần đến gặp bác sĩ?

Dù tình trạng viêm họng có thể tự cải thiện, tuy nhiên trẻ em là đối tượng nhạy cảm nên bạn cần hết sức lưu ý. Khi họng trẻ bị viêm, nôn trớ kèm theo các dấu hiệu sau thì cha mẹ nên sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế: 

  • Cứng cổ;
  • Mất khứu giác, khó thở;
  • Sốt kéo dài trên 3 ngày;
  • Tai đau, có dịch chảy ra từ tai;
  • Đau xung quanh mắt hoặc xương gò má; 
  • Cơ thể bị mất nước;
  • Có những đốm, chấm màu tím, màu đỏ trên da hay phát ban hồng lan rộng;
  • Xuất hiện hạch lớn ở cổ.

Bài viết trên đây chắc hẳn đã giúp bạn hiểu thêm về tình trạng trẻ bị viêm họng nôn trớ. Đây là triệu chứng khá phổ biến và thường ít gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe của trẻ. Cha mẹ chỉ cần chăm sóc bé đúng cách, thực hiện theo lưu ý được chia sẻ là có thể giúp bé sẽ nhanh chóng cải thiện triệu chứng và khỏi bệnh hoàn toàn.

Minh QA

Nguồn tham khảo: Vinmec.com



Chat with Zalo