Cây trâm bầu và công dụng chữa bệnh ít người biết
Cây trâm bầu là loài thực vật rất quen thuộc với người dân Nam bộ nước ta. Thậm chí, trâm bầu đã được các nghệ sĩ đưa vào bao lời thơ, ý nhạc. Trâm bầu thường mọc hoang ở ven kênh rạch. Trước đây, nó được sử dụng làm bài thuốc trị giun hiệu quả. Nhưng ngày nay, y học hiện đại còn khám phá ra nhiều công dụng hơn nữa của cây thuốc này.
Đặc điểm của cây trâm bầu
Trâm bầu (tên khoa học Combretum quadrangulare) còn có các tên gọi khác như: Chưng bầu, tim bầu, song re, săng kê. Loài thực vật này có nguồn gốc từ các nước Đông Á, trong đó có nhiều ở Việt Nam. Cây mọc được ở vùng nước ngọt, nước mặn hoặc đất chua phèn. Ở nước ta, cây mọc nhiều ở ven kênh rạch, nhất là ở các tỉnh miền Nam. Từ xa xưa, trâm bầu được khai thác chủ yếu để làm củi đun.
Trâm bầu là loại cây bụi, thân gỗ nhỏ và có thể cao đến 10m - 12m. Thân cây có nhiều cành ngắn, lá mọc đối xứng, hai mặt của lá đều có lông. Hoa trâm bầu nhỏ, màu vàng, mọc thành cụm là nách lá. Quả trâm bầu có 4 cánh mỏng, bên trong chứa các hạt hình thoi.
Bộ phận được sử dụng làm thuốc của cây chính là lá, hạt và rễ cây. Lá và rễ có thể thu hái quanh năm. Hạt trâm bầu được thu hái vào tháng 1 - tháng 2. Các nguyên liệu này đều có thể mang phơi khô để dùng dần.
Công dụng chữa bệnh của cây trâm bầu
Trước đây, các bộ phận của cây được người dân sử dụng để chữa phong thấp, sốt rét rừng, tiêu chảy và trị các loại giun kim, giun sán. Người Thái Lan dùng cây thuốc này để cầm máu, giảm đau cơ. Các nghiên cứu khoa học hiện đại còn tìm thấy nhiều công dụng chữa bệnh khác của trâm bầu như:
- Tăng tiết dịch mật, kích thích tiêu hóa: Nước sắc từ lá trâm bầu có tác dụng lợi mật, giúp kích thích cảm giác thèm ăn và ăn ngon miệng hơn. Đây là tin vui với những người chán ăn dẫn đến gầy gò, mệt mỏi.
- Nước sắc từ lá trâm bầu cũng có tác dụng lợi tiểu, giúp cơ thể đào thải các chất độc hại ra ngoài cơ thể qua được tiểu tiện.
- Nhiều bằng chứng khoa học đã tìm thấy các chất có tác dụng ức chế sự hình thành và phát triển của tế bào ung thư và gốc tự do trong lá và hạt trâm bầu. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy Cycloartane triterpenoid, Methyl quadrangutarate B và D chiết xuất từ lá trâm bầu có thể gây độc ở tế bào ung thư di căn.
- Hỗ trợ điều trị bệnh HIV: Công dụng này của cây trâm bầu khiến giới y học kinh ngạc. Các nhà khoa học tìm thấy trong trâm bầu chất có thể ức chế loại enzyme quan trọng trong quá trình virus HIV-1 nhân đôi. Nhờ đó, trâm bầu hỗ trợ đắc lực cho bệnh nhân nhiễm HIV trong việc điều trị bệnh.
- Hạt trâm bầu có tính kháng khuẩn mạnh và đặc biệt hiệu quả với những loại trực khuẩn gram âm gây nhiễm khuẩn âm đạo, cầu khuẩn gram dương và một số loại vi sinh kháng thuốc kháng sinh.
- Tốt cho tim mạch: Các nghiên cứu tại Mỹ đã cho thấy tác dụng giúp giảm mỡ máu nên tốt cho huyết áp và tim mạch. Polyphenol, axit gallic là những hoạt chất có tính chống viêm và chống oxy hóa mạnh. Chúng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và có tác dụng trợ tim.
- Các nhà khoa học cũng tìm ra công dụng giúp ổn định đường huyết, hỗ trợ tốt cho bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Bài thuốc chữa bệnh phổ biến từ cây trâm bầu
Bài thuốc trị giun
Trong hạt trâm bầu có tanin, axit béo, oxalat calcium, axit oxalic tự do... có tác dụng diệt trừ nhiều loại giun, đặc biệt là giun đũa và giun kim. So với một số loại thuốc giun, hiệu quả của hạt trâm bầu có thể đạt đến 70%. Người dân một số nước như Thái Lan, Campuchia từ xa xưa cũng có thói quen dùng hạt trâm bầu trị giun.
Cách áp dụng như sau:
- Hạt trâm bầu mang nướng rồi kẹp trong chuối chín để ăn. Trẻ em ăn từ 5 - 10 hạt. Người lớn ăn từ 14 - 20 hạt.
- Nghiền nát hạt cây trâm bầu rồi trộn với lá mơ lông thái nhỏ cùng bột làm bánh để nặn thành bánh. Sáng sớm hôm sau mang hấp ăn khi bụng rỗng. Lưu ý: Không ăn thêm đồ ăn khác cho đến bữa trưa. Bài thuốc này cần áp dụng 4 - 5 ngày liên tục.
Bài thuốc giúp thải độc gan
Muốn tăng cường giải độc gan, bạn có thể dùng 20 - 30g hạt trâm bầu mang nấu nước uống hàng ngày. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng lá trâm bầu phơi khô nấu cùng lá cây nhân trần làm nước uống nhuận gan, tăng cường chức năng gan.
Bài thuốc chữa xơ gan cổ trướng
Bài thuốc này gồm các vị: 50g lá cối xay, 50g vỏ cây vọng cách, 50g vỏ cây quao nước, 50g lá trâm bầu khô, 200g quả dứa dại, 200g cây ráy gai. Các nguyên liệu trên mang sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Bài thuốc chữa nước ăn chân
Dùng 100g lá trâm bầu, 100g lá phèn đen, 100g lá móng tay, 100g lá bạch hạ giã nhuyễn rồi ngâm cùng 100ml rượu trắng. Sau đó dùng nước rượu ngâm này bôi lên chỗ ăn chân ngày 2 - 3 lần sẽ rất nhanh khỏi. Khi dùng không hết bạn có thể đậy kín nắp chai rượu ngâm và để dùng dần. Đây là cách trị nước ăn chân tại nhà vô cùng hiệu quả.
Ngoài những bài thuốc trên, rễ cây trâm bầu còn được dùng để giúp vết thương nhanh lành, lá trâm bầu dùng để giảm đau và trị bệnh tiêu chảy.
Lưu ý khi chữa bệnh bằng cây trâm bầu
Trước khi dùng trâm bầu để chữa bệnh, bạn cần lưu ý:
- Phụ nữ mang thai và đang nuôi con bằng sữa mẹ không nên dùng các bài thuốc từ trâm bầu.
- Không nên dùng các bài thuốc trâm bầu kết hợp với các bài thuốc tây chữa tăng men gan, thuốc lợi tiểu, thuốc trị giun khác.
- Trong thành phần hạt trâm bầu có chất oxalate calcium gây nấc cụt sau khi uống. Phản ứng này sẽ tự hết mà không cần chữa trị.
- Trong dân gian còn có cây bạc thau, là loại thân dây leo cũng được gọi là cây trâm bầu. Loài này có hoa màu tím hồng, thường trồng làm cảnh. Trước khi dùng bạn nên hết sức lưu ý tránh nhầm lẫn giữa hai loài thực vật.
Cây trâm bầu là một loài thực vật có tác dụng trị bệnh, trị giun. Dù có nhiều công dụng và những công dụng này cũng được khoa học hiện đại công nhận, nhưng trước khi sử dụng bạn nên có sự tư vấn của thầy thuốc.
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: Youmed.vn