Cảnh báo những bệnh có thể bùng phát sau mưa lũ
Tiêu chảy, sốt xuất huyết, bệnh về da,... là những căn bệnh thường gặp sau các trận mưa lũ. Việc nhận biết và phòng tránh kịp thời là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng trong thời điểm nhạy cảm này. Bài viết sẽ cung cấp thông tin cảnh báo những bệnh có thể bùng phát sau mưa lũ và những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả mà mọi người cần biết.
Những bệnh có thể bùng phát sau mưa lũ
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh do virus Dengue gây ra, chủ yếu lây truyền qua muỗi vằn. Sau mưa lũ, nước đọng ở nhiều nơi tạo điều kiện thuận lợi cho loài muỗi này sinh sản, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng như sốt cao đột ngột, đau đầu dữ dội, đau sau hốc mắt, đau cơ, khớp, buồn nôn và phát ban trên da. Trường hợp nặng có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, sốc do mất máu và suy tạng, đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
![Cảnh báo những bệnh có thể bùng phát sau mưa lũ 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/canh_bao_nhung_benh_co_the_bung_phat_sau_mua_lu_1_c9c2a4f6a8.png)
Rối loạn tiêu hóa
Mưa lũ khiến nước bẩn, chứa nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng như E. coli, Salmonella, dễ xâm nhập vào nguồn nước sinh hoạt và thực phẩm, gây rối loạn tiêu hóa. Việc tiếp xúc với nguồn nước nhiễm bẩn hoặc ăn thực phẩm không an toàn sau mưa lũ dễ dẫn đến nhiễm trùng đường ruột.
Rối loạn tiêu hóa thường biểu hiện bằng đau bụng, tiêu chảy cấp, buồn nôn, nôn, sốt và mệt mỏi. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể gặp triệu chứng mất nước, đau đầu và đau quặn bụng. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể gây suy dinh dưỡng, mất cân bằng điện giải, nguy hiểm đến sức khỏe.
Các bệnh về da
Sau mưa lũ, nguồn nước bị ô nhiễm, chứa nhiều vi khuẩn, nấm và hóa chất có hại cho da. Việc tiếp xúc trực tiếp với nước bẩn hoặc ẩm ướt kéo dài có thể gây ra các bệnh ngoài da.
Các bệnh về da thường gặp bao gồm viêm da, ghẻ, nấm da, nước ăn chân, mẩn ngứa, chốc lở. Người bệnh thường có cảm giác ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ, mụn nước, da bị sưng tấy hoặc chảy mủ. Trường hợp nghiêm trọng, da có thể bị loét, nhiễm trùng sâu và lan rộng.
![Cảnh báo những bệnh có thể bùng phát sau mưa lũ 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/canh_bao_nhung_benh_co_the_bung_phat_sau_mua_lu_2_d8bce43745.png)
Bệnh về đường hô hấp
Môi trường ẩm ướt, thay đổi nhiệt độ sau mưa lũ tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh đường hô hấp như cúm, viêm họng, viêm phế quản phát triển. Bụi bẩn và nấm mốc cũng có thể tăng cao trong không khí sau mưa lũ, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp.
Người bệnh thường có biểu hiện sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi, khó thở, đau ngực. Ở trẻ nhỏ, người già, hoặc người có hệ miễn dịch suy giảm, triệu chứng có thể tiến triển nặng, dẫn đến viêm phổi hoặc các bệnh lý hô hấp mãn tính.
Bệnh về mắt
Nước bẩn, ô nhiễm chứa nhiều vi khuẩn, virus dễ xâm nhập vào mắt, gây nhiễm trùng sau khi tiếp xúc. Bên cạnh đó, việc dùng tay bẩn chạm vào mắt cũng có thể làm lây nhiễm các loại vi khuẩn gây bệnh.
Các bệnh về mắt thường gặp sau mưa lũ bao gồm viêm kết mạc (đau mắt đỏ), viêm mí mắt, và các dạng nhiễm trùng mắt khác. Triệu chứng điển hình là mắt đỏ, ngứa, chảy nước mắt, sưng mí mắt, khó chịu và có cảm giác cộm mắt.
![Cảnh báo những bệnh có thể bùng phát sau mưa lũ 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/canh_bao_nhung_benh_co_the_bung_phat_sau_mua_lu_3_6eafff8324.png)
Các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh sau mưa lũ
Trong thời điểm sau mưa lũ, quan trọng hơn cả là chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhằm bảo vệ sức khỏe cá nhân và gia đình. Dưới đây là một số biện pháp hiệu quả, giúp giảm thiểu nguy cơ mắc phải những căn bệnh nguy hiểm thường gặp:
- Lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn: Chỉ ăn thức ăn đã nấu chín, sử dụng nước đun sôi để đảm bảo vệ sinh.
- Vệ sinh cá nhân: Rửa tay với xà phòng trước khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Giữ vệ sinh cơ thể: Rửa sạch chân và lau khô kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ hoặc nước bẩn.
- Loại bỏ phế thải như chai, lọ, lốp xe, hoặc các hốc nước tự nhiên để ngăn muỗi đẻ trứng.
- Mắc màn khi ngủ, kể cả ban ngày.
- Khử trùng nguồn nước: Thau rửa bể nước, giếng nước, và sử dụng hóa chất khử trùng nước theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Vệ sinh khu vực sau khi nước rút: Thu gom, xử lý rác thải, và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Theo dõi sức khỏe: Khi có dấu hiệu nhiễm bệnh, nhanh chóng đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Hy vọng bài viết trên đã giúp đưa ra những cảnh báo những bệnh có thể bùng phát sau mưa lũ một cách chi tiết và cụ thể. Việc chủ động tìm hiểu và nắm rõ các dấu hiệu bệnh sẽ giúp mỗi người có biện pháp xử lý kịp thời. Hãy luôn cảnh giác và thực hiện đúng các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình trước những bệnh có thể bùng phát sau mưa lũ.