Cách sơ cứu sốt xuất huyết hiệu quả, an toàn
Bệnh sốt xuất huyết là một căn bệnh khá phổ biến với những nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam nước ta. Sốt xuất huyết chủ yếu lưu hành ở vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, có thể cho những biểu hiện lâm sàng khác nhau tùy từng cá thể khác nhau. Tìm hiểu biện pháp sơ cứu sốt xuất huyết là cách tốt nhất để giảm thiểu biến chứng nặng cho bệnh nhân. Hãy cùng Nhà Thuốc Hà An tìm hiểu kĩ hơn về cách thực hiện sơ cứu sốt xuất huyết và những vấn đề liên quan trong bài viết dưới đây!
Sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết Dengue, nước ta thường gọi chung là sốt xuất huyết, được gây ra do virus Dengue. Virus này có tới 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bệnh nhân từng nhiễm chủng virus nào thì cơ thể chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch với chủng đó suốt đời. Do vậy, quan niệm nhiều người cho rằng sốt xuất huyết chỉ mắc một lần trong đời là không chính xác.
Người nhiễm virus do bị muỗi cái thuộc chi Aedes đốt, trung gian truyền bệnh chủ yếu là Aedes aegypti. Chúng thường hoạt động vào ban ngày và chỉ có muỗi cái mới có khả năng lan truyền bệnh cho người thông qua vết đốt.
Trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết - Muỗi vằn Aedes aegypti
Sau khi muỗi cái hút máu người bị nhiễm bệnh, virus sẽ được ủ trong cơ thể muỗi từ 8 – 11 ngày. Sau khoảng thời gian này, nếu muỗi tiếp tục đốt người lành thì người đó sẽ có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết.
Triệu chứng sốt xuất huyết
Sau khi qua thời gian ủ bệnh khoảng từ 3 đến 6 ngày, bệnh thường khởi phát rất đột ngột và tiến triển khá nhanh qua 3 giai đoạn với những triệu chứng sốt xuất huyết khác nhau:
Giai đoạn 1: Phát bệnh
Giai đoạn này, người bệnh sẽ khởi phát bằng những cơn sốt trong 1 – 2 ngày đầu, triệu chứng sốt cao một cách đột ngột, rất khó hạ và nhiệt độ cơ thể cũng tăng lên. Người bệnh còn có thể có triệu chứng đau đầu dữ dội vùng trán.
Kèm theo cơn sốt có thể là hiện tượng người mệt mỏi rũ rượi, đau cơ, có thể kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn… Giai đoạn này thường rất dễ gây nhầm lẫn với triệu chứng sốt của bệnh nhiễm virus thông thường.
Giai đoạn 2: Bệnh trở nặng
Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày thứ 3 – ngày thứ 7 sau khi bị sốt. Trong giai đoạn này, bệnh nhân có thể sẽ gặp các triệu chứng nặng hơn của bệnh. Bệnh nhân hạ sốt, nhưng kèm theo đó là các dấu hiệu đặc trưng của bệnh sốt xuất huyết. Thường xuất hiện các nốt ban đa hình thái, đôi khi có thể gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và sau đó sẽ lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân.
Một số trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể bị chảy máu nội tạng, xuất huyết tiêu hoá, tràn dịch màng phổi hay màng bụng, hoặc nặng hơn nữa là xuất huyết não. Ở giai đoạn này, cần được chăm sóc cẩn thận và theo dõi các chỉ số xét nghiệm máu thường xuyên.
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết
Giai đoạn 3: Khỏi bệnh
Sau khi trải qua giai đoạn nguy hiểm, người bệnh bước vào giai đoạn hồi phục. Ở giai đoạn này, người bệnh giảm dần các triệu chứng và sức khoẻ dần tốt lên. Người bệnh bắt đầu thèm ăn, đi tiểu nhiều, các chỉ số xét nghiệm máu dần trở về trạng thái ổn định và bình thường. Đây là giai đoạn bệnh kết thúc.
Cách sơ cứu sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh có thể gây biến chứng nặng và nguy hiểm nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời. Vậy làm cách nào để sơ cứu sốt xuất huyết?
Với những bệnh nhân sốt xuất huyết ở trường hợp nhẹ, khi phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết cần thực hiện sơ cứu sốt xuất huyết ngay tại nhà theo các bước sau đây:
- Cho người bệnh được nghỉ ngơi, thư giãn tại môi trường thoáng mát. Nếu có điều hoà nhiệt độ, đặt mức nhiệt lý tưởng.
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm như sữa, nước trái cây, vitamin C, B1, nước cơm, ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu. Pha dung dịch điện giải Oresol theo hướng dẫn và sử dụng hằng ngày.
- Khi người bệnh bị sốt, sử dụng thuốc paracetamol kết hợp với chườm nước mát ở các vị trí như nách, bẹn và các nếp gấp, còn lau toàn bộ cơ thể bằng nước ấm để giúp bệnh nhân hạ nhiệt.
- Ngoài ra, cần chú ý cho bệnh nhân mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát lúc sốt cao để cơ thể dễ dàng thải nhiệt.
- Tuyệt đối không dùng aspirin hay ibuprofen để hạ sốt cho bệnh nhân.
- Trong khoảng thời gian từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7, nếu thấy bệnh nhân xuất hiện những dấu hiệu bất thường như cơ thể vã mồ hôi, chân lạnh, tay lạnh, nôn, khó thở… cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời, tránh bệnh trở nặng và ngăn ngừa biến chứng.
Các bước sơ cứu sốt xuất huyết
Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà
Dưới đây là một số lưu ý khi chăm sóc người bị sốt xuất huyết tại nhà:
- Sốt là một đáp ứng tốt của cơ thể chống lại virus gây bệnh. Bệnh nhân và người chăm sóc không nên tìm mọi biện pháp để hạ sốt về nhiệt độ bình thường bằng cách lạm dụng paracetamol liều cao. Điều này là rất nguy hiểm, vì có thể dẫn tới ngộ độc gan và giảm đáp ứng miễn dịch của cơ thể.
- Trong quá trình sử dụng oresol, cần lưu ý pha đúng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất. Lưu ý người bệnh bị sốt xuất huyết không bị mất nước trên lâm sàng. Khi bệnh nhân thực hiện đúng việc bù dịch bằng đường uống, triệu chứng có thể dần thuyên giảm sau 5 – 7 ngày.
- Chú ý bổ sung cho bệnh nhân những thực phẩm có chứa nhiều đạm, nhiều vitamin như sữa, thịt cá, thịt, nước sinh tố hoa quả như cam… Đặc biệt cần hạn chế những thực phẩm có sử dụng nhiều gia vị và dầu mỡ.
Trên đây là bài viết của Nhà Thuốc Hà An về cách sơ cứu sốt xuất huyết. Lưu ý những biện pháp trên đây chỉ nên áp dụng với những trường hợp bệnh nhẹ, trong trường hợp bệnh có dấu hiệu diễn biến nặng cần đưa đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Mong rằng bài viết trên đã đem lại những kiến thức hữu ích cho bạn đọc. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe, hy vọng bạn sẽ tiếp tục đồng hành cùng Nhà Thuốc Hà An trong thời gian tới!
Xem thêm:
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp