Cách sơ cứu khi bị bỏng bàn ủi nhanh chóng và hiệu quả nhất
Bỏng nhiệt hay bỏng bàn ủi là một hiện tượng mà hầu hết mọi người chúng ta đều mắc phải do những sơ ý khi thao tác sử dụng bàn ủi. Do nhiệt độ bàn ủi quá cao nên việc bỏng bàn ủi có thể dẫn đến những ảnh hưởng xấu cho bệnh nhân. Nếu có thể sơ cứu đúng cách và kịp thời sẽ có thể giảm tối đa nguy cơ và biến chứng mà bỏng bàn ủi gây ra. Vậy sơ cứu khi bị bỏng bàn ủi như thế nào? Mời bạn cùng Hà An Pharmacy tham khảo ngay nhé.
Khái niệm bỏng, bỏng bàn ủi là gì?
![Sơ cứu khi bị bỏng bàn ủi 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/so_cuu_khi_bi_bong_ban_ui_1_ccdd57dc40.png)
Bệnh bỏng hay còn gọi là phỏng da là một loại chấn thương đối với da hoặc các mô tế bào khác trên da do sự tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với nhiệt, điện, hóa chất, hay bức xạ. Khi bị bỏng bệnh nhân sẽ cảm thấy không chỉ là cảm giác nóng rát, hơn thế nữa là những tổn thương nghiêm trọng về da làm cho các mô tế bào xung quanh bị ảnh hưởng hoặc có thể chết đi.
Bỏng bàn là hay bỏng bàn ủi là loại bỏng nhiệt khô, thường xảy ra khi người lớn không cẩn thận và chú ý trong quá trình sử dụng bàn là. Do vậy khi bị bỏng bàn ủi nếu không được xử trí và chữa trị kịp thời có thể gây nhiễm trùng, để lại sẹo mất thẩm mỹ.
Làm thế nào để nắm được mức độ vết bỏng bàn ủi?
Các vết bỏng từ bàn ủi gây ra nhiều tổn thương cho da của người bệnh. Thông thường, tuỳ theo những mức độ ảnh hưởng lên da mà tình trạng bỏng nói chung sẽ chia ra thành 3 cấp độ. Những mức độ đó cụ thể như sau:
Mức độ một
Đầu tiên là mức độ 1 hay mức độ nhẹ. Đây là mức độ mà các vết bỏng chỉ ảnh hưởng ngoài da. Cũng giống như bạn bị bỏng nắng biểu hiện chính là những vùng da bị đỏ, không bị phồng rộp hay mụn nước, mủ và người bệnh sẽ có cảm giác đau nhẹ khi chạm vào.
Mức độ hai
![Sơ cứu khi bị bỏng bàn ủi 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/so_cuu_khi_bi_bong_ban_ui_2_6daddf016f.png)
Đây là mức độ có thể gây những nguy hiểm và tổn thương khá nặng nề đến vùng da của bạn. Biểu hiện là những vết phồng rộp đỏ trên da và gây đau rát ngay cả lúc không chạm vào. Thậm chí trong một vài trường hợp nó còn có thể gây tổn thương tới dây thần kinh và làm cho bạn mất đi cảm giác đau rát.
Mức độ ba
Đây là mức độ nặng nhất của việc bỏng bởi những hậu quả “ khủng khiếp ” mà nó có thể đem lại. Ở mức độ này tất cả các mô tế bào trên vùng da bị bỏng đều bị chết hoàn toàn và không có khả năng phục hồi. Các dây thần kinh, huyết quản và nang lông đều bị phá hủy. Nếu bỏng quá nặng, vết bỏng còn có khả năng ảnh hưởng tới xương và cơ.
Tuy nhiên bỏng do bàn ủi thường sẽ nằm ở mức độ hai do thời gian tiếp xúc không quá lâu.
Sơ cứu khi bị bỏng bàn ủi như thế nào?
![Sơ cứu khi bị bỏng bàn ủi 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/so_cuu_khi_bi_bong_ban_ui_3_9d508fbd04.png)
Bệnh bỏng nói chung và bỏng bàn ủi nói riêng đều có những hậu quả rất đáng lo ngại để lại cho người bệnh. Tuy nhiên việc sơ cứu đúng cách và kịp thời sẽ có thể làm giảm và hạn chế những hậu quả này một cách tối đa nhất. Vậy sơ cứu khi bị bỏng bàn ủi như nào cho đúng? Bạn đọc hãy cùng tiếp tục theo dõi bài viết nhé!
- Đầu tiên bạn cần bắt buộc phải loại bỏ tác nhân gây bỏng ra khỏi cơ thể ngay lập tức để giảm diện tích và độ sâu tổn thương do bỏng.
- Bạn hãy để cho vùng da bị bỏng được thoáng mát. Nếu có quần áo che phủ hãy cởi bỏ ra hoặc che đậy bằng những miếng vải mỏng thoáng do quần áo có tác dụng giữ nhiệt có thể tăng mức độ bỏng. Hơn nữa quần áo cọ xát vào vết bỏng sẽ gây cho bạn cảm giác đau rát khó chịu.
- Làm mát vùng bị bỏng, bằng cách ngâm rửa hoặc tưới trực tiếp vào vùng bỏng bằng nước mát, sạch, có nhiệt độ từ 16 - 20°C. Thời gian rửa vết bỏng kéo dài từ khoảng 15 đến 30 phút kể từ khi bị bỏng. Sau thời gian này thì việc ngâm rửa ít hiệu quả hơn.
- Cuối cùng sau khi che phủ bạn cần băng lại vết bỏng nhẹ nhàng cẩn thận tránh tác động mạnh vào vết bỏng và thường xuyên vệ sinh vết bỏng bằng nước muối sinh lý 0,9%.
- Sau khi vết bỏng lành lại bạn nên chăm sóc vùng da bỏng bằng các loại kem dưỡng da phù hợp với bản thân để tránh việc để lại sẹo hay có những dị ứng do da mới nên còn mỏng.
Một số chú ý khi sơ cứu bỏng bàn ủi bạn cần phải biết
- Bạn không nên sử dụng đá lạnh để sơ cứu khi bị bỏng bởi lẽ khi bạn chườm đá lạnh các tinh thể đá sẽ trực tiếp làm đông cứng tế bào, gây tổn thương khiến tình trạng bỏng của bệnh nhân càng nặng thêm thậm chí là gây hoại tử da.
- Bạn không nên sử dụng kem đánh răng để đắp, bôi lên vùng da bị bỏng do trong kem đánh răng có chứa những hợp chất kiềm làm vết thương lâu lành hơn.
Ngoài ra bạn tuyệt đối không được làm và sử dụng khi bị bỏng da:
- Không ngâm rửa vết bỏng bằng nước ấm, không đắp các loại mỡ, dầu, nước tương, nước mắm, thuốc đông y không rõ nguồn gốc tránh gây nhiễm trùng,...
- Tuyệt đối không được bóc bỏ vết phồng, trượt loét vết bỏng.
Trên đây là những chia sẻ của nhà huốc Hà An về các cách sơ cứu khi bị bỏng bàn ủi mà bạn có thể tham khảo. Chúng tôi hy vọng rằng với những thông tin thú vị này các bạn sẽ có thêm những kiến thức để tránh và hạn chế tối đa những tổn thương mà bỏng bàn ủi có thể để lại.
Minh Thuý
Nguồn tham khảo: Tổng hợp