Cách rơ lưỡi lấy đờm cho trẻ sơ sinh sạch và hiệu quả
Hãy tham khảo bài viết sau đây để tìm hiểu nguyên nhân gây ra trình trạng đờm nhớt cho trẻ sơ sinh, cách rơ lưỡi lấy đờm cho trẻ sơ sinh và những lưu ý mẹ cần biết khi chăm sóc trẻ bị đờm nhớt.
Vì sao trẻ sơ sinh hay có đờm trong miệng?
![Cách rơ lưỡi lấy đờm cho trẻ sơ sinh sạch và hiệu quả 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/cach_ro_luoi_lay_dom_cho_tre_so_sinh_sach_va_hieu_qua_1_4f71d59da5.jpg)
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đàm nhớt ở cổ họng của trẻ thường là do bệnh lý liên quan đến đường hô hấp. Kèm với đàm nhớt ở trẻ là triệu chứng cảm lạnh hoặc bất kỳ loại bệnh truyền nhiễm nào khác nên mẹ cần lưu ý theo dõi trẻ.
Tình trạng trở nên nghiêm trọng khi trẻ sơ sinh bị nhớt trong cổ họng kèm các triệu chứng như sốt phát ban hay dị ứng. Nhiều trẻ bị đờm nhớt còn đi kèm với các vấn đề như thở khò khè, nôn trớ khi ăn. Nếu như tình trạng này vẫn kéo dài thì sẽ không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ thậm chí dẫn đến viêm loét dạ dày.
Vì đàm nhớt cản trở ở cổ họng nên trẻ có thể thường bị ho nhiều, khó thở, thở khò khè và bị sổ mũi. Do cơ quan hô hấp của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện nên tình trạng sẽ kéo dài và khó điều trị hơn người lớn.
Hướng dẫn cách rơ lưỡi lấy đờm cho trẻ sơ sinh
Để trị đờm nhớt trong miệng cho trẻ sơ sinh, tốt nhất là rơ lưỡi cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Trường hợp trẻ bị nhiều đờm thì dùng dụng cụ hút đờm.
Tác dụng của nước muối sinh lý
Tác dụng diệt khuẩn
Nước muối sinh lý có tác dụng kháng khuẩn, giúp làm sạch khoang miệng, loại bỏ mảng bám và thức ăn thừa để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến răng miệng như nấm miệng, tưa lưỡi.
Sử dụng an toàn
Dùng nước muối sinh lý với nồng độ 0.9% để rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh tuyệt đối an toàn cho trẻ. Với những trẻ có cơ địa nhạy cảm cũng không bị kích ứng hay xuất hiện những tác dụng phụ.
Dễ mua và giá rẻ
Mẹ có thể dễ dàng tìm mua nước muối sinh lý tại tất cả các hiệu thuốc trên toàn quốc. Hơn thế nữa, giá thành của sản phẩm này cũng rất phải chăng.
![Cách rơ lưỡi lấy đờm cho trẻ sơ sinh sạch và hiệu quả 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/cach_ro_luoi_lay_dom_cho_tre_so_sinh_sach_va_hieu_qua_2_ac3b27f4e6.png)
Cách rơ lưỡi bằng nước muối
Dưới đây là hướng dẫn các bước rơ lưỡi cho con đơn giản tại nhà.
Bước 1: Lựa chọn gạc rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh phải đảm bảo các tiêu chí: Vô trùng, mềm mại, nhỏ gọn và không chứa các sợi bông. Nên ưu tiên chọn gạc làm bằng sợi Polyester vì chúng rất mềm, dai, không có sợi bông và không bị mục trong môi trường ẩm.
Bước 2: Các mẹ nên dùng xà phòng hoặc cồn y tế để rửa tay thật sạch để loại bỏ vi khuẩn. Sau đó quấn gạc vào ngón tay trỏ và chấm vào dung dịch nước muối sinh lý 0.9%.
Bước 3: Bế trẻ ngả đầu và giữ phần đầu cao hơn thân để hạn chế hiện tượng nôn trớ. Mẹ đặt nhẹ ngón tay lên môi dưới của trẻ để trẻ mở miệng và bắt đầu làm sạch xung quanh miệng và rơ lưỡi hướng theo chiều từ trong ra ngoài.
Lưu ý: Chỉ nên sử dụng mỗi miếng gạc một lần. Trong quá trình rơ lưỡi trẻ có thể quấy khóc khó chịu. Lúc này, mẹ chỉ cần dỗ dành trẻ và thu hút sự chú ý của bé bằng hình ảnh, âm thanh.
Các lưu ý khi rơ lưỡi lấy đờm cho trẻ sơ sinh
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng nước muối sinh lý rơ lưỡi cho trẻ, mẹ lưu ý những điểm sau:
Mẹ nhớ pha dung dịch theo đúng tỷ lệ. Ngoài dung dịch nước muối sinh lí pha sẵn 0.9%, các mẹ có thể tự pha nước muối tại nhà theo tỷ lệ: 1 lít nước đun sôi để nguội pha với 9g muối tinh (khoảng 2 thìa cà phê). Nếu pha quá nhiều muối, trẻ nuốt phải sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Nên sử dụng gạc rơ lưỡi chuyên dụng. Để hỗ trợ quá trình rơ lưỡi cho trẻ bằng nước muối sinh lý hiệu quả, mẹ chọn gạc rơ lưỡi chuyên dụng tẩm sẵn nước muối sinh lý. Sản phẩm này được bán phổ biến trên thị trường và thành phần sẽ có thêm một số dược chất khác giúp bảo vệ răng miệng của trẻ tốt hơn.
![Cách rơ lưỡi lấy đờm cho trẻ sơ sinh sạch và hiệu quả 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/cach_ro_luoi_lay_dom_cho_tre_so_sinh_sach_va_hieu_qua_3_d49275c211.png)
Một lưu ý quan trọng trong cách rơ lưỡi lấy đờm cho trẻ sơ sinh bằng nước muối sinh lý chính là thao tác phải nhẹ nhàng. Việc chà xát quá mạnh vào lưỡi trẻ có thể gây đau, trầy xước vì niêm mạc miệng trẻ vốn rất mỏng và nhạy cảm, dễ bị tổn thương. Trong trường hợp trẻ đang bị nấm miệng nhẹ, mẹ chỉ nên dùng nước muối để chấm lên các vết nấm mà thôi.
Về tần suất rơ lưỡi trẻ sơ sinh bằng nước muối sinh lý, mẹ cần rơ lưỡi cho trẻ ít nhất 1 lần/ngày để đảm bảo vệ sinh. Mẹ có thể rơ lưỡi vào buổi sáng trước khi ăn hoặc buổi tối trước khi đi ngủ. Lưu ý không nên rơ lưỡi bằng nước muối khi trẻ đang đói hoặc đang no.
Đôi khi, rơ lưỡi cho bé bằng nước muối sinh lý tại nhà thôi là chưa đủ. Khi con lớn hơn, mẹ nên tập cho trẻ đánh răng, súc miệng đúng cách để vệ sinh răng miệng.
Kết hợp lấy đờm bằng vệ sinh mũi
Ngoài cách rơ lưỡi lấy đờm cho trẻ sơ sinh, các mẹ có thể kết hợp vệ sinh mũi. Để làm sạch đờm cho trẻ, mẹ làm theo cách sau để giúp trẻ ăn ngon, ngủ yên và khỏe mạnh. Lưu ý mẹ không thực hiện khi trẻ vừa mới ăn no.
Bước 1: Mẹ đặt trẻ nằm thẳng, nhỏ nước muối Natriclorid 0,9% vào mũi trẻ với liều lượng khoảng 1/3-1/2 lọ tùy theo trẻ sơ sinh thở khò khè nhẹ hay nặng.
Bước 2: Sau khi nhỏ nước muối vào mũi trẻ, cẩn thận lật trẻ nằm úp xuống đùi mẹ, đầu thấp hơn lưng và mông. Một tay mẹ đỡ đầu bé, tay kia vỗ mạnh vào mông và nhẹ vào lưng ở giữa 2 bả vai để trẻ khóc và ói hết dịch đờm ra ngoài.
Sai lầm khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị đàm nhớt
Lạm dụng dụng cụ hút mũi
Với những dụng cụ hút mũi chuyên dụng, mẹ có thể hút được đàm nhớt trong mũi trẻ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá nhiều dụng cụ này hoặc dùng đối với các bé dưới 3 tháng tuổi có thể ảnh hưởng không nhỏ đến niêm mạc mũi của trẻ, dẫn đến tình trạng phù nề hay xuất huyết.
Dùng mật ong, cam thảo rơ lưỡi bé
Các bác sĩ không khuyến khích dùng mật ong và cam thảo để rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh vì nguyên liệu này có thể trở thành chất độc với hệ miễn dịch còn non yếu của trẻ. Hơn nữa, thao tác dùng tay rơ lưỡi, họng cho trẻ quá mạnh có thể gây trầy xước niêm mạc họng hay thậm chí gây ngạt thở cho trẻ sơ sinh.
Trên đây là một số cách rơ lưỡi lấy đờm cho trẻ sơ sinh mà các mẹ có thể áp dụng để chăm sóc con. Hy vọng thông tin trong bài viết này hữu ích với mọi người.
Quỳnh Trang
Nguồn tham khảo: Tổng hợp