Cách nhận biết và phòng ngừa tình trạng ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm là trình trạng xảy ra khi chúng ta tiêu thụ trúng những thực phẩm hoặc đồ uống có chứa vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng gây hại. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết nguyên nhân, cách nhận biết để xử lý cũng như phòng ngừa tình trạng này. Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn biết cách nhận biết và phòng ngừa tình trạng ngộ độc thực phẩm, cùng tìm hiểu ngay nhé!
Dấu hiệu ngộ độc các loại thực phẩm
Thực phẩm là một hỗn hợp của nhiều hợp chất phức tạp có khả năng giúp nuôi dưỡng cơ thể con người. Tuy nhiên, đôi khi những loại thực phẩm này có chứa đựng những mối nguy gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của con người. Và khi ăn phải những thực phẩm nhiễm vi khuẩn hay độc tố sẽ gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm. Dưới đây là một số tình trạng ngộ độc thực phẩm cũng như các dấu hiệu đi kèm:
1. Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn thương hàn (Salmonella)
Tình trạng ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn thương hàn thường xảy ra khi ăn phải những thức ăn có nguồn gốc động vật bị nhiễm vi khuẩn thương hàn như gỏi thịt cá, thịt gia cầm, trứng, sữa… Các triệu chứng thường xuất hiện sau khi ăn khoảng 4 giờ - 48 giờ bao gồm có sốt, đau bụng, buồn nôn và nôn, đi ngoài nhiều lần trong ngày, đi ngoài ra máu…Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến tử vong.
Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn thương hàn có thể chuyển sang dạng người lành mang vi khuẩn khi không được điều trị đúng cách. Hầu hết những bệnh nhân mang vi khuẩn ở dạng này thường sẽ thải vi khuẩn ra theo phân và nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể sẽ gây ô nhiễm cho những thực phẩm xung quanh.
Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn thương hàn (Salmonella)
2. Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus)
Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn tụ cầu vàng là tình trạng xảy ra khi ăn những thức ăn giàu đạm bị nhiễm vi khuẩn như thịt, cá, trứng, sữa, các loại súp… Vi khuẩn tụ cầu thường xuất hiện nhiều trên da, họng khi bị nhiễm và trong không khí. Vì vậy, việc chế biến và bảo quản thực phẩm trong môi trường không hợp vệ sinh sẽ rất dễ bị nhiễm các vi khuẩn này.
Thông thường, các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn tụ cầu vàng thường xuất hiện sớm trong khoảng 30 phút đến 4 giờ khi ăn. Người bị ngộ độc thường nôn thức ăn khi vừa ăn xong, tiêu chảy đi ngoài nhiều lần và phân dạng lỏng, cơ thể mệt mỏi, thậm chí có thể bị đau đầu và hôn mê. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tử vong do mất nước và điện giải.
Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus)
3. Ngộ độc thức ăn do vi khuẩn độc thịt (Clostridium botulium)
Vi khuẩn độc thịt là một loại vi khuẩn kỵ khí có nha bào và thường xuất hiện ở trong những thức ăn đóng hộp, để lâu. Người bị ngộ độc do vi khuẩn độc thịt thường có triệu chứng như buồn nôn, nôn, chóng mặt, mệt mỏi, khó thở và hôn mê. Các triệu chứng này thường sẽ xuất hiện sau khi ăn khoảng 2 giờ đến 48 giờ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao.
4. Ngộ độc thức ăn do vi khuẩn Escherichia coli (E.coli)
Vi khuẩn E.coli thường có nhiều trong phân người và gia súc. Việc chế biến thực phẩm trong môi trường vệ sinh kém và không có thói quen rửa tay trước khi chế biến thực phẩm hay trước khi ăn, bảo quản thực phẩm không tốt để các loại côn trùng mang theo vi khuẩn E.coli xâm nhập vào sẽ rất dễ bị ngộ độc thức ăn.
Người bị ngộ độc thức ăn do vi khuẩn E.coli thường có các triệu chứng như đau bụng đi ngoài ra phân có máu, hay đi ngoài ra nước. Tình trạng này thường xuất hiện sau 4 giờ đến 48 giờ. Bệnh được điều trị sớm và xử trí đúng cách sẽ phục hồi nhanh chóng.
Ngộ độc thức ăn do vi khuẩn Escherichia coli (E.coli)
Hạn chế nguy cơ và tác động của ngộ độc thực phẩm
Để hạn chế nguy cơ cũng như những tác động của ngộ độc thực phẩm gây ra thì bạn cần phải lưu ý một số vấn đề dưới đây:
- Đối với thực phẩm tươi sống: Nên mua những thực phẩm còn tươi ngon, đặc biệt là các loại thịt cần tránh lựa phải những thực phẩm có mùi ôi thiu, cá nên mua cá còn sống, rau tươi còn cuống lá xanh. Cần mua thực phẩm ở những cửa hàng uy tín, có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo an toàn.
- Đối với thực phẩm chế biến sẵn: Nên mua ở những cửa hàng uy tín, đồ hộp nên mua đồ còn hạn sử dụng dài, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ và vỏ không móp méo, không phồng, không rỉ sét.
- Ăn chín uống sôi: Thức ăn nên ăn chín uống sôi và cần phải được sơ chế kỹ càng trước khi chế biến, các loại thịt cá nên được xát muối cho sạch lớp ngoài, chần nước sôi để khử mùi hôi và vi khuẩn. Các rau phải được rửa thật kỹ bằng nước muối và xả lại dưới vòi nước chảy. Đồng thời vệ sinh các dụng cụ chế biến như dao, kéo và khi chế biến không nên để lẫn với thức ăn chín.
- Bảo quản đúng cách: Thức ăn sau khi nấu không nên để quá 2 tiếng và tốt nhất là nên ăn ngay. Nếu phải để lâu hơn thì nên bảo quản thức ăn trong tủ lạnh bằng hộp, hoặc giấy nilon bảo quản, khi ăn phải hâm kỹ lại. Tránh để thức ăn quá lâu trong tủ lạnh, ngay cả với thức ăn chín.
Trên đây là một số chia sẻ về cách nhận biết và phòng ngừa tình trạng ngộ độc thực phẩm. Hy vọng sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích và bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm nhé!
Thủy Phan
(Nguồn: Tổng Hợp)