Cách khắc phục tình trạng bị chuột rút khi trời lạnh ngay tại nhà
Chuột rút là tình trạng co thắt cơ bắp đột ngột có thể xảy ra với bất cứ ai vào bất cứ thời gian nào. Tuy nhiên chúng có xu hướng gia tăng trong tình hình thời tiết mùa lạnh. Hãy cùng tìm hiểu về cách xử trí đúng đắn khi trời lạnh bị chuột rút.
Chuột rút là gì? Nguyên nhân gây chuột rút
Chuột rút là hiện tượng khá phổ biến trong dân số không loại trừ bất cứ đối tượng nào. Chứng bệnh này do các cơ co thắt đột ngột gây đau đớn cho vùng tay, chân, thắt lưng, xương sườn, đầu gối,… Nguyên nhân chủ yếu gây chuột rút là do:
- Cơ thể mất nước;
- Thiếu hụt các khoáng chất (canxi, magie, sắt,…);
- Do mất cân bằng dưỡng chất thời kỳ mang thai;
- Hoạt động cường độ cao thời gian dài;
- Tập luyện thể thao quá mức cho phép của cơ thể;
- Cơ thể mệt mỏi, căng thẳng, thiếu ngủ, stress kéo dài;
- Do đứng, ngồi trong một tư thế cố định quá lâu;
- Tác dụng phụ của một số thuốc huyết áp, tiểu đường;
- Biểu hiện của bệnh động mạch vành hay giãn tĩnh mạch;
- Dấu hiệu xương khớp thoái hóa, viêm khớp, đau đa khớp;
- Hoạt động tuyến giáp đang suy giảm;
- Thần kinh ngoại biên và tiểu đường đang âm thầm diễn biến.
Tại sao trời lạnh bị chuột rút nhiều hơn?
Khi thời tiết lạnh làm tăng nguy cơ chuột rút vì lúc này hệ cơ xương khớp hoạt động yếu hơn. Đặc biệt khi di chuyển ra ngoài đường khiến các ngón tay, ngón chân bị tê cóng. Nếu để tình trạng đó kéo dài mà không xoa bóp làm ấm sẽ dễ dẫn đến chuột rút và nhiều hệ lụy nguy hiểm khác.
Khi trời lạnh, hoạt động tuần hoàn máu kém khiến các khớp xương trong cơ thể luôn trong tình trạng co cứng dẫn đến chuột rút. Khi nhiệt độ môi trường thấp cũng khiến cơ thể tốn nhiều năng lượng hơn bình thường để duy trì hoạt động sống và đồng thời sức đề kháng suy giảm. Lúc này những người thể trạng yếu và cơ địa nhạy cảm dễ bị tê bì tay chân hoặc chuột rút vì cơ thể chưa kịp thích ứng.
Bên cạnh đó khi nhiệt độ giảm xuống thấp, cơ thể con người có phản xạ tích trữ năng lượng làm máu lưu thông chậm và dịch khớp theo đó kém đi dẫn đến tình trạng chuột rút. Các bệnh nhân tiền sử mắc viêm khớp, trong mùa lạnh hạn chế vận động để không khiến tình trạng chuột rút thêm nặng nề hơn.
Biện pháp kiểm soát cơn đau bị chuột rút khi trời lạnh ngay tại nhà
Tình trạng chuột rút khi trời lạnh thông thường có thể tự khỏi và không cần điều trị y tế. Các biện pháp khắc phục dưới đây sẽ giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng hơn:
- Hãy ngưng ngay các hoạt động đang làm dở khi bị chuột rút.
- Tìm chỗ yên tĩnh, mát mẻ nghỉ ngơi và bổ sung thêm các loại nước có chất điện giải.
- Tiến hành massage nhẹ nhàng, kéo dãn các cơ đang bị chuột rút giúp chúng thư giãn và nhanh về trạng thái ban đầu.
- Bổ sung thêm áo ấm, găng tay nếu đang di chuyển ngoài đường nhiều gió lạnh. Chọn găng tay phù hợp đủ ấm và chắn gió tốt đặc biệt là khi chạy xe.
- Hạn chế ra ngoài khi không thật cần thiết, nên ở nơi kín gió, ấm áp. Nếu bắt buộc phải đi ra ngoài trời không nên đi khi trời còn sương và mặc quá mỏng manh.
- Giữ tinh thần thoải mái, thả lỏng, thư giãn để cơn đau đớn do chuột rút gây ra sẽ mau qua.
Nếu bạn đã áp dụng tất cả các phương pháp trên mà vẫn chưa thể đẩy lùi được các cơn chuột rút khi trời trở lạnh. Đây rất có thể chính là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe của bạn đang không ổn, có thể bạn đang trong giai đoạn ủ bệnh nào đó. Hãy đến gặp bác sĩ sớm để làm các xét nghiệm, chụp chiếu kiểm tra để điều trị sớm.
Một số lưu ý giúp phòng tránh bị chuột rút khi trời lạnh
Cách phòng tránh chuột rút khi trời lạnh phổ biến và hiệu quả nhất là bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng. Việc bổ sung đủ khoáng chất và dinh dưỡng giúp cơ thể được cung cấp đủ năng lượng, đủ sức đối phó lại sự thay đổi của thời tiết. Dưới đây là các nhóm thực phẩm tốt cho sức khỏe và hạn chế chuột rút hiệu quả.
Thực phẩm chứa chất sắt
Khi cơ thể đủ sắt sẽ chống lạnh tốt hơn. Các thực phẩm chứa nhiều sắt gồm thịt đỏ như thịt lợn, thịt bò. Ngoài ra còn có thịt gia cầm, cá và các loại rau có màu xanh đậm.
Thực phẩm chứa canxi
Canxi cũng là một khoáng chất vô cùng cần thiết đối với hệ cơ xương khớp. Khi cơ thể được bổ sung canxi đầy đủ hệ xương sẽ khỏe mạnh và các khớp hoạt động trơn tru hơn. Tuy nhiên nếu bổ sung quá nhiều gây dư thừa canxi sẽ khiến các khớp sưng và đau cùng cảm giác nóng trong. Thực phẩm chứa nhiều canxi gồm: Đậu nành, sữa, phô mai, đậu bắp, hạnh nhân, cá mòi,…
Thực phẩm chứa magie
Magie cũng là chất cần thiết cho sự phát triển của cơ bắp. Trong khi canxi giúp co cơ thì magie giúp cơ thư giãn. Ngoài ra magie còn giúp kích thích tái hấp thu canxi để cơ bắp hoạt động mạnh mẽ hơn. Vào ngày trời lạnh chất này lại càng cần thiết với cơ thể vì lười vận động khiến cơ bắp ngưng trệ. Hãy bổ sung magie để khởi động lại quá trình co dãn cơ với các thực phẩm sau: Socola, bơ, hạnh nhân, đậu phụ, ngũ cốc nguyên hạt, chuối, bí ngô,…
Ngoài việc bổ sung dinh dưỡng, để ngăn chặn tình trạng chuột rút tìm tới vào ngày trời lạnh hãy hạn chế dùng chất kích thích và thuốc lá. Vì các chất này khiến máu lưu thông chậm, mạch máu co lại khiến những nơi xa xôi như ngón tay ngón chân bị lạnh vì không tiếp nhận đủ nhiệt lượng mà chúng cần gây ra tê bì và chuột rút.
Để ngăn ngừa tình trạng trời lạnh bị chuột rút hãy luôn nhớ bổ sung nước thường xuyên cho cơ thể. Ngoài ra hãy tập các vận động nhẹ nhàng nhưng nhớ khởi động kỹ trước khi tập. Đồng thời xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh nhiều hoa quả, khoáng chất và tránh xa các chất độc hại, kích thích.
Nguyễn Khuyên
Nguồn tham khảo: Tống hợp