Cách giặt vớ y khoa chuẩn giúp bảo quản dài lâu
Việc mang vớ y khoa là một trong những biện pháp không thể thiếu đối với bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch.
Nếu biết kết hợp đúng cách với các phương pháp trị liệu khác, người bệnh sẽ phục hồi nhanh chóng và tránh khỏi các biến chứng của bệnh lý này.
Vớ y khoa giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn và giảm thiểu các triệu chứng đau nhức chân khi đứng hoặc ngồi lâu. Tuy nhiên, nếu bạn hiểu sai hay có cách giặt vớ y khoa và bảo quản không đúng thì vớ sẽ bị giảm tác dụng và mang lại cảm giác khó chịu cho người dùng.
![Hiểu sai hay có cách giặt và bảo quản vớ y khoa không đúng sẽ làm giảm tác dụng, gây cảm giác khó chịu cho người dùng](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tai_sao_can_biet_cach_giat_va_bao_quan_vo_y_khoa_1_7b35fc1de8.jpg)
Tác dụng của vớ y khoa
Vớ y khoa tạo một áp lực nhất định đã được tính toán trước lên tĩnh mạch chân, giúp phục hồi sự khép kín của các van tĩnh mạch, nhờ đó sự lưu thông máu một chiều diễn ra dễ dàng, giải quyết tình trạng ứ đọng máu ở phần thấp của chân. Ngoài ra, vớ y khoa còn giúp làm tăng tốc độ tuần hoàn máu nhờ đó hạn chế nguy cơ hình thành huyết khối gây ra do tốc độ dòng máu chảy chậm.
Hướng dẫn cách giặt vớ y khoa
Vớ y khoa nên giặt mỗi ngày bằng tay hoặc máy giặt tuy nhiên khi giặt máy nên cài đặt chế độ giặt đồ mỏng với nhiệt độ tối đa là 40°C.
Khi giặt lần đầu tiên, nên giặt riêng vớ y khoa để không bị lem màu qua những quần áo khác. Các lần tiếp theo có thể giặt vớ chung với các loại quần áo có màu tương tự bằng bột giặt hay xà phòng nước thông thường. Tuy nhiên cần lưu ý không sử dụng hóa chất, chất tẩy trắng hoặc chất làm mềm vải, nước xả vải để ngâm vớ.
Sau khi giặt xong, xả lại vớ bằng nước sạch một vài lần rồi phơi vớ lên liền cho khô hoặc quay khô bằng máy giặt. Cần phơi ngay và không được để vớ y khoa chung với đồ ướt ngay sau khi giặt. Ngoài ra, không làm khô vớ bằng bàn ủi hay lò sưởi và không phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời.
![Khi giặt vớ y khoa bạn cần phơi vớ lên liền cho khô hoặc quay khô bằng máy giặt](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tai_sao_can_biet_cach_giat_va_bao_quan_vo_y_khoa_2_81790d16c0.jpg)
Những lưu ý về cách giặt vớ y khoa và bảo quản
Nên giặt vớ y khoa mỗi ngày
Nên giặt vớ y khoa mỗi ngày để vớ sạch mồ hôi và các vi khuẩn, tránh các bệnh về da, đồng thời vớ sạch sẽ tạo áp lực tuần hoàn máu tốt hơn vớ bị dơ. Giặt mỗi ngày sẽ giúp vớ có đủ áp lực điều trị cho ngày tiếp đến. Tuy nhiên, khi giặt không dùng các chất tẩy rửa và nên phơi ở nơi bóng râm và thông thoáng để vớ khô tự nhiên, không dùng bàn ủi hay hơ trên lửa vì sẽ làm cháy vớ.
Có nên mua 2 đôi vớ y khoa để tiện thay đổi nhau không?
Bạn nên mua 2 đôi vớ y khoa để có thể luân phiên thay đổi nhau trong lúc giặt hay chờ vớ khô. Tuy nhiên 2 đôi vớ phải cùng một loại và kích cỡ. Cần lưu ý là tuyệt đối không sử hai đôi vớ y khoa cùng một lúc để mang vào chân vì sẽ làm tăng áp lực lên chân, có thể khiến máu bị ứ đọng và gây phù chân.
Bí quyết bảo quản vớ để tăng tuổi thọ sử dụng
Thao tác mang vớ y khoa đúng hướng dẫn sử dụng.
Vớ y khoa rất dễ khô, vì vậy có thể để vớ nơi thoáng mát hoặc hong với quạt trong vài tiếng đồng hồ để vớ ráo nước. Sau đó tắt quạt và để tới sáng vớ sẽ khô tự nhiên và có thể sử dụng ngay cho hôm sau.
Hãy mang dép đi trong nhà khi sử dụng vớ y khoa. Việc mang dép sẽ giúp hạn chế các trường hợp vớ bị vướng vào các vật cản hay ma sát quá nhiều với sàn nhà làm hư hỏng. Ngoài ra, móng tay và đồ trang sức đeo tay có thể gây xước làm hỏng vớ y khoa. Vì vậy khi mang vớ cần tháo bỏ đồ trang sức, không dùng móng tay để kéo vớ, nếu móng tay bạn quá dài có thể sử dụng găng tay cao su bên ngoài.
![Khi mang vớ y khoa nếu móng tay bạn quá dài có thể sử dụng găng tay cao su bên ngoài](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tai_sao_can_biet_cach_giat_va_bao_quan_vo_y_khoa_3_2232ee87fd.jpg)
Nên chọn vớ y khoa như thế nào để phù hợp với bạn?
Tùy vào tình trạng và mức độ bệnh lan rộng đến đâu mà lựa chọn các loại vớ y khoa với độ dài khác nhau từ ngón chân đến đầu gối hoặc giữa đùi. Cường độ của vớ y khoa được đo bằng đơn vị mmHg.
Các vớ có cường độ thấp dao động từ 10 đến 20 mmHg thường được sử dụng để đề phòng sự hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu cho phụ nữ có nguy cơ thấp hoặc để điều trị tình trạng phù do suy tĩnh mạch mãn tính nhẹ và giãn tĩnh mạch dạng mạng nhện.
Với các vớ y khoa có mức áp lực mạnh hơn trên 20mmHg dùng để điều trị các trường hợp bị huyết khối tĩnh mạch sâu hay nguy cơ cao hoặc khi bạn bị bệnh tĩnh mạch mãn tính nặng.
Sử dụng vớ y khoa để điều trị bệnh tĩnh mạch là một trong những biện pháp cần thiết và được nhiều bác sĩ khuyên dùng. Tuy nhiên, để vớ phát huy được hiệu quả tốt nhất và kéo dài tuổi thọ sử dụng, cách giặt và bảo quản vớ y khoa cần phải đúng và được chú trọng.
Bạn nên lưu ý cách giặt vớ y khoa không được dùng với các chất tẩy rửa và tránh sử dụng nhiệt để làm khô vì sẽ gây hư hỏng vớ. Ngoài ra, nên bảo quản vớ ở những nơi thoáng mát và tránh để vớ bị rách để đảm bảo hiệu quả sử dụng.
Thuý Nguyễn
Nguồn tham khảo: Tổng hợp