Cách chữa khó thở về đêm bạn không nên bỏ qua
Nếu nguyên nhân gây khó thở là do các bệnh lý về tim thì có thể là nhồi máu cơ tim đột ngột gây đột quỵ, nguy hiểm đến tính mạng. Do đó cần chú ý các dấu hiệu xuất hiện để đi khám kịp thời.
Khó thở về đêm là như thế nào?
Khi bị khó thở về đêm bạn sẽ đột ngột tỉnh dậy sau khi ngủ sâu. Khó thở có thể kèm theo thở khò khè, ho, bắt buộc bạn phải đứng hoặc ngồi dậy để cải thiện hô hấp. Cơn khó thở kéo dài trong vài phút và khiến người bị khó có thể ngủ lại. Đôi khi triệu chứng này không thuyên giảm mà ngày càng trở nên trầm trọng hơn khiến người bệnh phải cấp cứu.
Dù trong trường hợp nào, khó thở về đêm luôn là một dấu hiệu nguy hiểm, có thể tình trạng suy tim của người bệnh đang trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, nếu gặp phải tình trạng khó thở vào ban đêm bạn nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức, ngay cả khi các triệu chứng xuất hiện và biến mất nhanh chóng.
![Phòng ngừa và cách chữa khó thở về đêm bạn không nên bỏ qua 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/phong_ngua_va_cach_chua_kho_tho_ve_dem_ban_khong_nen_bo_qua_1_ae8e026074.jpeg)
Nguyên nhân gây khó thở về đêm
Nguyên nhân thường được mọi người nghĩ đến đầu tiên khi khó thở về đêm là bệnh liên quan đến tim. Ở những bệnh nhân suy tim, chức năng trung tâm hô hấp trong não bị suy giảm, đặc biệt là khi ngủ gây ra chứng khó thở.
Tuy nhiên, không phải hầu hết trường hợp khó thở về đêm đều do suy tim. Khó thở về đêm cũng có thể gặp ở những người mắc những bệnh lý sau: Gắng sức làm việc, bệnh ngưng thở khi ngủ, hen suyễn, thuyên tắc phổi, bệnh mạch vành cấp tính, thiếu máu cơ tim cấp tính,...
![Phòng ngừa và cách chữa khó thở về đêm bạn không nên bỏ qua 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/phong_ngua_va_cach_chua_kho_tho_ve_dem_ban_khong_nen_bo_qua_2_615c581bf8.jpeg)
Cách chữa khó thở về đêm
Tuỳ vào nguyên nhân gây nên tình trạng khó thở về đêm mà có cách chữa trị khác nhau như sau:
- Hen suyễn: Nếu bị hen suyễn, bạn nên tuân thủ phác đồ điều trị và hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây hen suyễn. Ngoài ra, bạn nên kê cao gối khi ngủ để đường thở được thông thoáng.
- Thuyên tắc phổi (COPD): Kế hoạch điều trị COPD có thể bao gồm thuốc hít, liệu pháp oxy. Ngoài ra bạn buộc phải ngừng hút thuốc và tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại.
- Viêm phổi: Viêm phổi có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc ho, thuốc hạ sốt và nghỉ ngơi đầy đủ.
- Suy tim: Nếu bạn bị suy tim, bạn phải tuân theo kế hoạch điều trị của bác sĩ. Bác sĩ sẽ chỉ định bạn sử dụng một số loại thuốc và kết hợp thay đổi lối sống, nếu cần có thể phải sử dụng thiết bị hỗ trợ tim hoạt động.
- Ngưng thở khi ngủ: Giảm cân và bỏ hút thuốc lá có thể giúp làm giảm chứng ngưng thở khi ngủ. Ngoài ra, bạn nên sử dụng các dụng cụ hỗ trợ giấc ngủ để đảm bảo đường thở luôn thông thoáng.
- Dị ứng: Nếu bạn khó thở do dị ứng, hãy giữ phòng ngủ sạch sẽ và hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Ngoài ra, nên giặt vỏ gối, ga giường thường xuyên hoặc dùng máy lọc không khí trong phòng ngủ của bạn để giảm các chất gây dị ứng.
- Lo lắng và hoảng sợ: Để giảm lo lắng và hoảng sợ, bạn có thể thực hiện các bài tập thở, tránh các tình huống gây kích động, ảnh hưởng đến tinh thần.
Bên cạnh các cách điều trị triệu chứng theo từng bệnh lý thì người bệnh có thể kết hợp thực hiện những điều dưới đây để hỗ trợ điều trị nhanh chóng và hiệu quả hơn.
- Chế độ dinh dưỡng phù hợp: Cần bổ sung dinh dưỡng phù hợp cho cơ thể, đặc biệt là các loại vitamin và khoáng chất cần thiết giúp cơ thể khỏe mạnh, nâng cao khả năng miễn dịch và sức đề kháng. Bổ sung các chất béo tốt như dầu đậu nành, dầu oliu… cung cấp năng lượng và hạn chế tăng CO2 trong máu.
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao: Tập luyện thể dục thể thao giúp tăng cường sức khỏe, giúp xương chắc khỏe, giảm mệt mỏi, căng thẳng và giúp cơ thể luôn khỏe mạnh. Đặc biệt hít thở không khí trong lành mỗi ngày còn rất có lợi cho sức khỏe, nhất là đối với những người bị phù phổi, hen suyễn,.... Nên tập các bài tập thở, vận động vừa sức, hạn chế căng thẳng, làm việc quá sức.
- Thư giãn tinh thần: Bạn cần thư giãn thần kinh và cơ thể sau một ngày làm việc mệt mỏi, căng thẳng. Luôn giữ một tâm lý thoải mái, tâm trạng vui vẻ, suy nghĩ tích cực, lạc quan bằng cách đọc sách, nghe nhạc, tắm nước nóng, ngâm chân trước khi ngủ để thư giãn cơ thể và ngủ ngon hơn.
- Tập hít thở sâu: Tập hít thở giúp bạn kiểm soát hô hấp, cách thực hiện như sau. Nằm ngửa và đặt hai tay lên bụng, hít sâu bằng mũi để phổi căng tràn không khí, giữ trong vài giây và thở ra bằng miệng một cách từ từ cho đến khi không còn không khí trong phổi. Lặp đi lặp lại các động tác này 5 - 10 phút vài lần trong ngày.
![Phòng ngừa và cách chữa khó thở về đêm bạn không nên bỏ qua 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/phong_ngua_va_cach_chua_kho_tho_ve_dem_ban_khong_nen_bo_qua_3_a0e0327c74.jpeg)
Nhìn chung, tình trạng khó thở về đêm có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh. Do đó không nên chủ quan với những dấu hiệu của cơ thể, vì chúng là lời cảnh báo khi cơ thể đang có vấn đề. Nên đi khám sức khỏe định kỳ để có cách chữa khó thở về đêm hiệu quả đồng thời thay đổi lối sống để có một cơ thể khỏe mạnh.
Cao Hiếu
Nguồn tham khảo: Tổng hợp