Cách chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu

Trẻ em có hệ miễn dịch còn yếu nên khi bị nhiễm khuẩn tiết niệu, bệnh sẽ rất dễ tiến triển nặng hơn. Bố mẹ hãy theo dõi bài viết dưới đây để biết cách chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu hiệu quả, an toàn nhé!

Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ

Nguyên nhân trực tiếp gây nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ nhỏ chính là các loại vi khuẩn, vi nấm,... xâm nhập vào bên trong đường tiểu. Trong đó, phổ biến nhất phải kể đến các loại vi khuẩn đường ruột như E.coli, Enterococcus,...

Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng trẻ em thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do hệ miễn dịch của các bé chưa phát triển hoàn thiện, khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh còn yếu. Trẻ nhỏ cũng chưa hình thành được hành vi vệ sinh đúng cách sau khi đi đại tiểu tiện nên vi khuẩn cũng dễ xâm nhập hơn. Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác như thói quen nhịn tiểu, ít uống nước hay các dị tật bẩm sinh ở đường tiểu cũng làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ nhỏ.

Cách chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu 1

Vi khuẩn E.coli là nguyên nhân phổ biến gây nhiễm khuẩn tiết niệu

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở trẻ diễn ra như thế nào?

Tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu có thể xuất hiện ở đường tiểu trên (viêm thận-bể thận) hoặc đường tiểu dưới (viêm bàng quang). Các triệu chứng của 2 loại nhiễm khuẩn đường tiết niệu này thường không quá rõ ràng để xác định và có thể thay đổi dựa trên cơ địa của mỗi trẻ.

Viêm bàng quang

Viêm bàng quang cấp là tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu mức độ thấp. Trẻ khi bị mắc bệnh này thường có một số biểu hiện như sốt nhẹ, rối loạn tiêu hóa (trẻ bỏ bú, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy), vàng da, la hét, đau buốt khi đi vệ sinh, một số trường hợp trẻ còn có thể tiểu ra máu.

Viêm thận - bể thận

Viêm thận-bể thận cấp là mức nhiễm khuẩn tiết niệu nguy hiểm hơn so với viêm bàng quang. Trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng dưới đây:

  • Sốt cao liên tục trên 39-40 độ, khó hạ nhiệt kèm theo hiện tượng rét run.
  • Trẻ có biểu hiện đau đớn, quấy khóc nhiều khi đi vệ sinh hoặc khi chạm vào vùng hông, lưng.
  • Trẻ buồn nôn, tiêu chảy hoặc có các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa khác.
  • Trẻ đang hay đã mắc bệnh nhiễm khuẩn đường tiểu dưới trước đó.

Các triệu chứng của nhiễm khuẩn đường tiết niệu thường rất khó nhận biết. Vì vậy, bố mẹ hãy theo dõi trẻ cẩn thận, kịp thời phát hiện các biểu hiện lạ của trẻ để điều trị sớm và đúng cách.

Cách chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu 2

Trẻ thường bị sốt khi bị nhiễm khuẩn tiết niệu

Cách chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Tình trạng nhiễm khuẩn đường tiểu nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ dễ tái phát nhiều lần, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Vì vậy, bố mẹ cần phải biết cách chăm sóc trẻ hiệu quả để giúp bé nhanh chóng khỏi bệnh. 

Tuân thủ các chỉ định y khoa

  • Làm đúng theo các chỉ dẫn điều trị  của bác sĩ.
  • Sử dụng thuốc đúng theo đơn kê, không tự ý ngừng thuốc trước thời gian chỉ định, không mua thêm thuốc bên ngoài để uống khi chưa có yêu cầu cầu của bác sĩ. 
  • Nếu phát hiện trẻ có các dấu hiệu bất thường sau khi dùng thuốc như nổi mẩn ngứa, buồn nôn, táo bón,... thì phải liên lạc với bác sĩ để có biện pháp can thiệp kịp thời.
  • Tái khám theo lịch hẹn để bác sĩ theo dõi hiệu quả điều trị và điều chỉnh thích hợp nếu có.

Giữ vệ sinh cho trẻ

Vệ sinh là yếu tố quan trọng, quyết định rất lớn đến việc bé có nhanh khỏi bệnh hay không. Điều này sẽ tránh được nguy cơ xâm nhập của các loại vi khuẩn vào bên trong đường tiết niệu làm bệnh trầm trọng hơn.

Phụ huynh hãy hướng dẫn bé làm sạch cơ thể đúng cách sau khi đi vệ sinh. Đặc biệt với các bé gái, bố mẹ nhắc nhở bé lau từ trước ra sau để vi khuẩn ở hậu môn không xâm nhập vào lỗ tiểu. 

Ở trẻ sơ sinh, bố mẹ cần thường xuyên thay bỉm cho bé, lau khô sau khi đi vệ sinh. Đồng thời chú ý  tới các tình trạng bất thường như cặn trắng, máu, bên trong tã bỉm. Nếu phát hiện những dấu hiệu này, phụ huynh nên báo ngay với bác sĩ để xử lý kịp thời.

Cách chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu 3

Bố mẹ thường xuyên thay bỉm và lau khô cho bé sau khi đi vệ sinh

Chế độ dinh dưỡng

Với trẻ sơ sinh, cần cho bé bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu kể cả khi đang bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu. 

Với những trẻ lớn hơn, mẹ hãy xây dựng chế độ ăn với các loại thực phẩm cung cấp nhiều nước và vitamin như rau củ quả để hỗ trợ quá trình bài tiết nước tiểu, loại bỏ vi khuẩn của cơ thể. Ngoài ra, những loại thực phẩm này còn giúp tăng cường sức đề kháng, giúp bé mau chóng khỏe bệnh.

Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần nhắc nhở trẻ đi tiểu ngay khi mắc, tránh để nước tiểu ứ đọng làm tình trạng nhiễm khuẩn trở nên nghiêm trọng hơn.

Cách chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu 4

Ăn nhiều rau xanh để hỗ trợ quá trình bài tiết nước tiểu

Bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu rất phổ biến và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Tuy nhiên bố mẹ cũng không cần quá lo lắng. Nếu phát hiện kịp thời và có biện pháp điều trị đúng cách thì bệnh sẽ được dứt điểm mà không gây ra bất kỳ biến chứng nào.

Hoàng Trang

Nguồn tổng hợp



Chat with Zalo