Cà tím ăn sống được không? Lưu ý khi ăn cà tím kẻo gây hại cho sức khoẻ
Cà tím là một trong những nguyên liệu quen thuộc trong các món ăn như xào, nướng, nấu canh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn băn khoăn về việc có nên ăn cà tím sống hay không? Và nếu có, liệu có cần phải chú ý đến điều gì để tránh gây hại cho sức khoẻ? Hãy cùng khám phá những điều này trong bài viết sau đây.
Tìm hiểu về cà tím
Cây cà tím là một trong những loại nông sản được trồng rộng rãi trên toàn thế giới với mục đích lấy quả. Tuy nhiên, ít ai biết rằng cà tím còn được xếp vào danh sách vua của các loại rau củ về giá trị dinh dưỡng và mức độ ưa chuộng của nó, đặc biệt là tại Ấn Độ.
![Cà tím ăn sống được không? Lưu ý khi ăn cà tím kẻo gây hại cho sức khoẻ](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/ca_tim_an_song_duoc_khong_luu_y_khi_an_ca_tim_keo_gay_hai_cho_suc_khoe_a8c2e094f5.jpg)
Cây cà tím đã có mặt từ thời tiền sử tại miền Nam và miền Đông châu Á, nhưng cho đến thế kỷ 16, cây mới được giới thiệu đến các nước phương Tây. Tên khoa học "Melongena" của cây cà tím bắt nguồn từ tên gọi của một giống cà tím trong tiếng Ả Rập, trong khi tên tiếng Anh "eggplant" lại xuất phát từ hình dạng của một giống cà tím trắng có hình dáng giống quả trứng gà.
Cây cà tím là loại cây thân thảo cùng họ với cà chua, khoai tây, hồ tiêu, với tên khoa học là Solanum melongena L. Thân cây cao từ 50 - 150cm với lá cà tím lớn và phiến rộng, mặt dưới lá được bao phủ bởi lông tơ. Quả cà tím có hình dạng thuôn dài với vỏ màu tím, nhiều cùi thịt và chứa nhiều hạt nhỏ mềm bên trong, tùy theo giống mà hình dạng quả có thể khác nhau.
Lợi ích của cà tím mang đến cho sức khỏe
Cà tím không chỉ là một loại thực phẩm phổ biến trong bữa ăn hằng ngày, mà còn mang đến nhiều lợi ích sức khỏe quan trọng mà nhiều người chưa biết đến.
Giàu chất xơ và chất chống ôxy hóa
Quả cà tím là nguồn cung cấp giàu chất xơ, đồng, mangan, vitamin B6, thiamine và các vitamin và khoáng chất khác. Ngoài ra, cà tím cũng chứa các hợp chất phenolic có tác dụng chống ôxy hóa, giúp loại bỏ các gốc tự do gây hại cho tế bào.
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Đặc biệt, cà tím có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch nhờ chứa nhiều chất xơ, kali, vitamin C, vitamin B6 và chất chống ôxy hóa.
![Cà tím ăn sống được không? Lưu ý khi ăn cà tím kẻo gây hại cho sức khoẻ](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/ca_tim_an_song_duoc_khong_luu_y_khi_an_ca_tim_keo_gay_hai_cho_suc_khoe_1_297c928f07.jpg)
Một nghiên cứu mới nhất cũng cho thấy, flavonoid trong cà tím, đặc biệt là anthocyanin, có khả năng giảm các dấu hiệu viêm và nguy cơ mắc bệnh tim.
Cà tím giúp giảm cholesterol "xấu"
Cà tím là một loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe nhờ chứa nhiều chất xơ và các vitamin, khoáng chất quan trọng. Đặc biệt, cà tím cũng có thể giúp giảm mức độ cholesterol "xấu" trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ . Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chất chống ôxy hóa axit chlorogenic trong cà tím có khả năng giảm lipoprotein mật độ thấp, là nguyên nhân gây bệnh tim và đột quỵ.
Giảm nguy cơ ung thư
Polyphenol trong cà tím cũng có thể giúp giảm nguy cơ ung thư. Anthocyanins và axit chlorogenic được tìm thấy trong cà tím có khả năng bảo vệ tế bào khỏi sự hư hại do các gốc tự do gây ra. Điều này giúp ngăn chặn sự phát triển của khối u và sự lây lan của các tế bào ung thư. Hơn nữa, anthocyanins còn có khả năng ngăn chặn sự hình thành mạch máu mới trong khối u, giảm viêm và ngăn chặn sự di căn của các tế bào ung thư.
Cải thiện chức năng nhận thức
Nghiên cứu trên động vật đã cho thấy nasunin, một loại anthocyanin có trong vỏ cà tím có khả năng bảo vệ màng tế bào não khỏi sự hư hại bởi các gốc tự do. Nasunin còn giúp cung cấp dinh dưỡng cho tế bào não và đẩy chất thải ra ngoài.
Anthocyanin còn giúp giảm thiểu viêm thần kinh và tăng lưu thông máu đến não. Điều này giúp giữ cho trí nhớ và tâm trạng luôn khỏe mạnh ở người lớn tuổi.
Hỗ trợ kiểm soát cân nặng
Cà tím là một nguồn chất xơ phong phú có thể hỗ trợ trong việc kiểm soát cân nặng. Việc tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ có thể giúp giảm thiểu việc ăn nhiều thực phẩm khác vì chúng giúp bạn cảm thấy no lâu hơn. Cà tím là một thực phẩm chứa chất xơ và ít calo, thích hợp cho một chế độ ăn uống lành mạnh.
Bảo vệ sức khỏe mắt
Cà tím cũng chứa lượng lutein và zeaxanthin, những chất chống oxy hóa quan trọng cho sức khỏe mắt. Lutein có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ điểm vàng khỏi quá trình thoái hóa, một căn bệnh phổ biến ở người lớn tuổi và có thể gây mất thị lực.
Cà tím ăn sống được không?
Không nên ăn cà tím sống vì cà tím chứa một loại độc tố gọi là solanine, độc tố này còn độc hơn trong khoai tây mọc mầm. Solanine không chỉ được tìm thấy trong mầm khoai tây mà còn có trong cà tím sống.
![Cà tím ăn sống được không? Lưu ý khi ăn cà tím kẻo gây hại cho sức khoẻ](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/ca_tim_an_song_duoc_khong_luu_y_khi_an_ca_tim_keo_gay_hai_cho_suc_khoe_2_f1006bdc32.jpg)
Do đó, chúng ta nên nấu chín cà tím trước khi ăn để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Lưu ý khi ăn cà tím kẻo gây hại cho sức khoẻ
Cà tím là một loại thực phẩm đa năng và bổ dưỡng được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khoẻ, cần lưu ý một số điều khi ăn cà tím:
- Không nên bỏ vỏ cà tím vì vỏ cà tím chứa nhiều vitamin B. Vitamin B và vitamin C tương hỗ, vì vậy ăn cả vỏ cà tím sẽ giúp thúc đẩy hấp thu vitamin C.
- Trong các cách chế biến cà tím, nghiền cà tím là tốt nhất cho sức khỏe vì không mất đi chất dinh dưỡng như khi chiên cà tím.
- Ăn cà tím cùng thịt cua có thể gây ra khó chịu và tiêu chảy, do đó nên tránh ăn cùng lúc.
- Cà tím sống chứa độc tố solanine, cần đảm bảo nấu chín trước khi ăn để tránh nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Chọn cà tím tươi và còn non thay vì cà tím già để tránh tiếp xúc với nhiều solanine.
Vậy là chúng ta đã tìm hiểu về việc cà tím ăn sống được không và các lưu ý quan trọng khi ăn cà tím để tránh gây hại cho sức khoẻ. Dù có nhiều cách chế biến khác nhau, nhưng việc lựa chọn cách ăn cà tím thích hợp vẫn là rất quan trọng để đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta.
Thúy Nguyễn
Nguồn tham khảo: laodong.vn