Biến thể Mu của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm như thế nào?
Biến thể Mu của virus SARS-CoV-2 mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào danh sách một trong những biến thể đáng quan tâm do tốc độ lây lan nhanh, có thể có nguy cơ kháng vắc xin và vượt qua hàng rào miễn dịch ở người.
Biến thể Mu được phát hiện lần đầu ở Colombia và hiện tại đã lan tới hơn 43 quốc gia trên thế giới. Theo WHO, Mu có sự khác biệt về gen với những biến thể trước đó của virus, đe dọa đến sức khỏe cộng đồng.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/bien_the_mu_cua_virus_sars_cov_2_nguy_hiem_nhu_the_nao_1_0a50a51712.jpg)
Những điều cần biết về biến thể Mu
Biến thể Mu được biết đến với tên gọi khác là B.1.621, được phát hiện lần đầu tiên tại Colombia vào tháng 1/2021. Biến thể này đang lan rộng ở Colombia với tỷ lệ nhiễm là 39% và là nguyên nhân gây ra làn sóng lây nhiễm thứ ba ở nước này. Trong giai đoạn này, số ca tử vong mỗi ngày tại Colombia lên tới 700 và khoảng 65% trong số đó dương tính với biến thể Mu.
Tính đến nay, hơn 46 quốc gia được ghi nhận nhiễm biến thể này, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và một số nước Châu Âu. Riêng tại Mỹ, biến thể Mu đã lan rộng tới 49/50 bang, chỉ còn bang Nebraska là chưa ghi nhận ca nhiễm biến thể Mu.
Mu là loại biến thể được WHO theo dõi do nó sở hữu một loạt đột biến khiến nó có khả năng né tránh miễn dịch cao hơn. Cụ thể, biến thể này có đột biến K417N và E484K, có khả năng tránh né kháng thể. Ở biến chủng Beta, hai đột biến này từng xuất hiện. Do đó biến thể Mu có thể sẽ hoạt động giống Beta, làm giảm khả năng bảo vệ của một số vắc xin.
Ngoài ra, biến thể này cũng chứa các đột biến khác như P681H, xuất hiện lần đầu ở chủng Alpha với khả năng lây lan nhanh, và hai đột biến R346K, Y144T nhưng chưa rõ tác động tới biến chủng này.
Mức độ nguy hiểm của biến thể Mu
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/bien_the_mu_cua_virus_sars_cov_2_nguy_hiem_nhu_the_nao_2_b69a6434ac.jpg)
Theo các nhà nghiên cứu, khi nhìn vào các đột biến của Mu, biến thể này ẩn chứa một mức độ nguy hiểm nhất định, có nguy cơ kháng vắc xin. Tuy nhiên, các nhà khoa học toàn cầu vẫn đang theo dõi sâu hơn về khả năng gây bệnh, mức độ lây lan và độc lực của nó. Do đó, chúng ta sẽ có cái nhìn tổng quát và rõ ràng hơn vào những tháng tới.
Theo WHO, hiện chưa rõ vắc xin giảm hiệu quả là bao nhiêu trước biến thể này. Giáo sư Stuart Ray, Đại học John Hopkins (Mỹ) cho biết ở Nam Mỹ và Hàn Quốc, vắc xin Covid 19 vẫn có hiệu quả trong việc ngăn chặn biến thể Mu.
Theo thống kê, tại Bỉ cũng đã xuất hiện nhiều ca nhiễm biến thể Mu với bảy người lớn tuổi qua đời sau khi nhiễm. Ở Anh, theo Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE), trong số 32 ca nhiễm biến thể Mu chủ yếu ở độ tuổi 20 và đa số đã được tiêm một hoặc hai liều vắc xin. Từ tháng 7, PHE đã đưa biến thể này vào danh sách các biến thể phải theo dõi, nghiên cứu cách thức hoạt động.
Hiện nay, dữ liệu về khả năng vượt qua hàng rào miễn dịch của biến thể Mu hiện còn khá hạn chế. Dựa vào nghiên cứu tại phòng thí nghiệm ở Rome, Italy cho thấy khả năng bảo vệ của vắc xin Pfizer giảm nhiều hơn ở chủng Mu so với các biến chủng trước đó. Tuy nhiên, nghiên cứu khẳng định rằng vắc xin vẫn có hiệu quả khá cao trước biến thể này.
Tiêm chủng là cách thức hữu hiệu để chống lại nguy cơ đột biến của virus SARS-CoV-2
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/bien_the_mu_cua_virus_sars_cov_2_nguy_hiem_nhu_the_nao_3_91e25db46f.jpg)
Để ngăn chặn sự đột biến của virus SARS-CoV-2 cần phải kiểm soát dây chuyền lây nhiễm. Mỗi khi virus tự sao chép và nhân lên bên trong vật chủ sẽ ngẫu nhiên tạo ra các đột biến mới. Vì vậy, khi số ca nhiễm tăng lên, cơ hội các biến thể mới xuất hiện cũng càng cao. Theo các chuyên gia, chìa khóa để ngăn chặn sự biến đổi của virus chính là tiêm chủng toàn cầu.
Tiêm vắc xin phòng covid 19 hiện được xem là giải pháp duy nhất để giúp thế giới quay lại cuộc sống bình thường. Vì vậy, các quốc gia đang cố gắng hết sức để tăng tốc tiêm chủng, nhờ đó có thể tạo ra miễn dịch cộng đồng sớm nhất có thể.
Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid 19 vẫn còn đang chậm ở nhiều nước do nguồn cung vắc xin hạn chế. Điều đó có thể tạo kiều kiện cho virus lây lan mạnh và xuất hiện đột biến nguy hiểm hơn. Nhiều nhà khoa học nhận định Covid 19 có thể trở thành căn bệnh theo mùa như cúm và nhiều quốc gia cần tính đến phương án tiêm vắc xin lại hàng năm cho các nhóm dân số có hệ miễn dịch yếu, dễ bị tổn thương.
Cho tới khi các chuyên gia, nhà khoa học có được bức tranh tổng quát, toàn diện hơn về biến thể Mu, các quốc gia không nên lơ là, thắt chặt kiểm soát, tăng cường xét nghiệm và theo dõi chặt chẽ sự biến đổi của chủng mới này.
Hiện tại, biến thể Mu vẫn đang được nghiên cứu và theo dõi sát sao. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, mức độ lây nhiễm và nguy hiểm của biến thể này khó có khả năng vượt biến thể Delta, biến thể đang chiếm hơn 90% số ca nhiễm Covid 19 trên toàn cầu. Người dân không nên quá lo lắng về biến thể mới này và cần tiêm chủng ngay khi có cơ hội vì vắc xin vẫn có hiệu quả bảo vệ trước các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Thuý Nguyễn
Nguồn tham khảo: Tổng hợp