Biện pháp chữa quai bị bằng Thuốc Tây không gây tác dụng phụ
Quai bị là một bệnh truyền nhiễm, thường diễn ra vào mùa đông – xuân, thời tiết ẩm - ấm. Ngoài việc chữa quai bị bằng mẹo dân gian bạn có thể dùng biện pháp chữa quai bị bằng Thuốc Tây.
1. Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết quai bị
Nguyên nhân dẫn đến bị quai bị
Bệnh quai bị do virus Paramyxovirus gây ra với dấu hiệu ban đầu là viêm tuyến nước bọt. Virus quai bị rất dễ lây truyền bằng đường hô hấp. Khi người bệnh hắt hơi, nói chuyện, ho… vi khuẩn sẽ đi theo dịch của người bệnh bay ra không khí và đi vào cơ thể người hít phải chúng. Bạn cũng sẽ dễ mắc bệnh nếu tiếp xúc trực tiếp hoặc dùng chung ly, chén đũa với người bệnh.
Dấu hiệu của bệnh quai bị
Bệnh quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch do virut quai bị gây ra. Tuy nhiên, bệnh sẽ tự khỏi và tạo ra miễn dịch bền vững suốt đời cho người bệnh. Bệnh lây truyền trực tiếp theo đường hô hấp khi nói chuyện từ bệnh nhân quai bị có viêm tuyến nước bọt sang người lành nên bệnh dễ gây thành dịch.
Thông thường, lứa tuổi dễ mắc bệnh nhất nằm từ trẻ bắt đầu 3 - 14 tuổi và thanh niên 18 - 20 tuổi, bệnh ít gặp ở người già và trẻ dưới 2 tuổi, tỉ lệ mắc bệnh nam nhiều hơn nữ.
Quá trình và biểu hiện của bệnh
Sau một thời kỳ ủ bệnh khoảng 14 - 24 ngày mà không có biểu hiện gì đặc biệt, sẽ tới giai đoạn toàn phát với các triệu chứng bao gồm: sốt, nhức đầu, đau mỏi toàn thân, tuyến nước bọt mang tai bỗng đau, sưng to gây biến dạng khuôn mặt.
Kèm theo đó, da vùng tuyến mang tai bình thường, không nóng đỏ, bệnh nhân thường bị cả hai bên mang tai gây khó khăn cho hoạt động nói, khó nuốt. Sau khoảng 1 tuần, tuyến mang tai giảm đau và nhỏ dần, bệnh nhân hết sốt, các triệu chứng lui dần và hết hẳn.
![Biện pháp chữa quai bị bằng Thuốc Tây không gây tác dụng phụ 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/bien_phap_chua_quai_bi_bang_thuoc_tay_khong_gay_tac_dung_phu_1_ed95a989e5.jpg)
Một số trường hợp bệnh nhân lại có biểu hiện khác ngoài tuyến mang tai như: viêm tinh hoàn ở nam, viêm màng não, viêm não, viêm tụy cấp và viêm buồng trứng ở nữ, viêm cơ tim hoặc viêm tuyến giáp...
Viêm tinh hoàn thường gặp nam giới độ tuổi thanh niên, đôi khi biểu hiện đơn độc mà không kèm theo viêm tuyến mang tai. Bệnh xuất hiện sau khi sưng tuyến mang tai 1 - 2 tuần, bệnh nhân sốt cao trở lại, tinh hoàn sưng lên và đau, đỏ, thường ở một bên, kéo dài khoảng 4 - 5 ngày thì bệnh nhân hết sốt, sau 2 tuần mới hết sưng tinh hoàn.
Viêm tinh hoàn có thể gây biến chứng teo tinh hoàn rất cao với tỉ lệ 30 - 40%, gây ra sự giảm sút số lượng tinh trùng hoặc vô sinh nếu bị teo hai bên. Cùng với đó, virus quai bị sẽ gây tổn thương thần kinh thường nếu nó xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, rối loạn ý thức và co giật sau khi sưng tuyến mang tai. Tùy từng cơ quan mà bệnh sẽ có biểu hiện khác nhau.
![Biện pháp chữa quai bị bằng Thuốc Tây không gây tác dụng phụ 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/bien_phap_chua_quai_bi_bang_thuoc_tay_khong_gay_tac_dung_phu_2_a15cecfd50.jpg)
2. Biện pháp chữa quai bị bằng Thuốc Tây không gây tác dụng phụ
Cho đến nay chưa có cách chữa quai bị bằng thuốc tây đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng. Bệnh nhân sau khi có biểu hiện bệnh cần cách ly tối thiểu 2 tuần: nên nằm nghỉ ngơi tại chỗ, hạn chế đi lại, hạn chế vận động, chỉ nên ăn nhẹ, ăn đồ ăn lỏng trong những ngày đầu. Bạn có thể tìm hiểu về biện pháp chữa quai bị bằng vôi hiệu quả trong dân gian.
Chữa quai bị bằng Thuốc Tây chứa Paracetamol
Với bệnh nhân viêm tuyến nước bọt: chườm ấm chỗ đau, dùng giảm đau hạ sốt bằng thuốc paracetamol, cần thận trọng khi chữa quai bị bằng thuốc tây có chứa paracetamol trên bệnh nhân bị bệnh gan và dùng liều thuốc theo bác sĩ kê đơn và chú ý súc miệng bằng nước muối sạch sẽ hàng ngày.
Ngoài ra, bạn có thể dùng kết hợp một số bài thuốc trong dân gian chẳng hạn như hạt đậu xanh tán nhỏ trộn dấm hoặc từ hạt gấc mài ngâm rượu bôi lên chỗ sưng đau nhé.
![Biện pháp chữa quai bị bằng Thuốc Tây không gây tác dụng phụ 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/bien_phap_chua_quai_bi_bang_thuoc_tay_khong_gay_tac_dung_phu_3_f5d63047b4.jpg)
Chữa quai bị bằng thuốc Tây Corticoid
Nếu bị biến chứng quai bị viêm tinh hoàn: mặc quần lót chật để treo tinh hoàn, chườm nóng, chữa quai bị bằng thuốc Tây giảm đau (paracetamol hoặc ibuprofen) hoặc dùng corticoid.
Corticoid có tác dụng chống viêm và giảm đau rất tốt, lúc đầu dùng liều cao theo chỉ dẫn bác sĩ, sau đó giảm dần liều trong 7-10 ngày. Đây là một loại thuốc có nhiều tác dụng phụ trên nhiều hệ cơ quan như gây hội chứng cushing, gây viêm loét dạ dày tá tràng, thậm chí có thể gây xuất huyết tiêu hóa ở bệnh nhân có tiền sử bệnh lý dạ dày - tá tràng, gây loãng xương, ức chế miễn dịch. Bởi vậy, bạn nên cẩn trọng khi dùng thuốc này.
Đối với trường hợp bị viêm não: khi chữa quai bị bằng thuốc Tây, bạn bắt buộc cần dùng tới thuốc corticoid. Tham khảo ý kiến bác sĩ và chăm sóc theo dõi sát diễn biến bệnh của bệnh nhân để tránh bội nhiễm và cần loại trừ các nguyên nhân viêm não hoặc viêm màng não do nguyên nhân khác.
Song song với việc áp dụng cách chữa quai bị bằng Thuốc Tây thì người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với người khác. Một số biện pháp phải cách ly như sau: không dùng chung dụng cụ ăn uống, khi tiếp xúc phải mang khẩu trang, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng nhiều lần. Đồng thời nên tập thói quen che miệng khi ho, hắt hơi để tránh giữ mầm bệnh và lây lan cho người khác.
Thanh Hoa