Biến chứng tiểu đường ở chân có nguy hiểm không?
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về biến chứng tiểu đường ở chân, những nguy cơ, cách phòng ngừa và điều trị. Hãy cùng tìm hiểu để biết cách phòng ngừa các biến chứng này ở những người bị tiểu đường bạn nhé!
Tìm hiểu về biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường
Biến chứng da
Người bệnh tiểu đường thường dễ bị nhiễm khuẩn ngoài da khi vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập gây tổn thương da. Ngoài ra, họ cũng có nguy cơ cao hơn trong việc phát triển các vấn đề về da khác như u hạt vòng, u nhọt, bệnh bạch biến, bệnh gai đen, u mỡ vàng và nhiều bệnh khác. Những biến chứng da liên quan đến tiểu đường thường có khả năng được điều trị và kiểm soát.
Biến chứng mắt
Nồng độ đường trong máu cao có thể gây hại cho mạch máu và gây ra các biến chứng liên quan đến mắt như bệnh võng mạc, xuất huyết mạch máu nhỏ ở vùng đáy mắt, giảm hoặc thậm chí là mất thị lực. Những biến chứng này nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng mù lòa vĩnh viễn cho người bệnh.
Biến chứng thần kinh do tiểu đường
Đa số bệnh nhân tiểu đường có thể phải đối mặt với biến chứng thần kinh nếu không kiểm soát đường máu một cách ổn định. Điều này bắt nguồn từ việc đường máu tăng cao gây tổn thương cho các mạch máu cung cấp dưỡng chất cho dây thần kinh, dẫn đến tổn thương và mất cảm giác ở chân và tay.
Biến chứng thần kinh dẫn đến việc người bệnh không cảm nhận được những dấu hiệu nguy hiểm ở chân, đặc biệt là nguy cơ loét bàn chân do các tổn thương. Không ít bệnh nhân đã phải chọn phương án cắt cụt chân để khắc phục những hệ quả của biến chứng thần kinh do bệnh tiểu đường gây ra.
Biến chứng thận
Người mắc bệnh tiểu đường đang đối mặt với nguy cơ suy thận cao hơn nhiều lần. Do thận có vai trò quan trọng trong việc lọc độc chất ra khỏi cơ thể, đường máu cao kéo dài có tác động trực tiếp dẫn đến suy thận.
Kết quả của suy thận là các chất độc hại trong cơ thể không được loại bỏ hiệu quả qua quá trình lọc máu, dẫn đến tình trạng tồn đọng chất độc hại trong máu, gây hại cho các cơ quan khác.
Biến chứng tim mạch
Người mắc bệnh tiểu đường đang đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn bao gồm xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, rối loạn đông máu. Ngoài ra, xơ vữa động mạch vành còn gây ra nhiều bệnh tim mạch nguy hiểm khác như nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành và nhồi máu não. Nguy cơ đột quỵ ở người mắc bệnh tiểu đường cao gấp 1,5 lần so với những người bình thường và nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng.
Mức độ nguy hiểm của biến chứng tiểu đường ở chân
Biến chứng tiểu đường ở chân là gì?
Biến chứng liên quan đến bàn chân ở người bị đái tháo đường thường xuất phát từ tình trạng tổn thương mạch máu, bao gồm xơ vữa mạch máu, giảm khả năng cung cấp máu, tổn thương thần kinh gây ra các rối loạn dinh dưỡng và truyền tải thần kinh cũng như tổn thương biến dạng xương và viêm xương. Tình trạng này thường đi kèm với các vấn đề như vết thương, trầy xước và nguy cơ nhiễm trùng.
Biến chứng về bàn chân đái tháo đường có thể xảy ra cả ở những người vừa mới phát bệnh và những người mắc bệnh đã lâu. Nhiễm trùng thường được coi là yếu tố khiến biến chứng tiểu đường ở chân trở nên nghiêm trọng hơn.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến biến chứng tiểu đường ở bàn chân
Các nguyên nhân dẫn đến biến chứng loét bàn chân ở người mắc bệnh tiểu đường bao gồm:
- Tổn thương thần kinh ngoại biên: Thương tổn thần kinh làm giảm khả năng cảm nhận cảm giác như đau, nóng, lạnh ở bàn chân. Người bệnh có thể không cảm nhận được tổn thương đang diễn ra trên bàn chân.
- Tổn thương mạch máu: Xơ vữa động mạch và tắc nghẽn mạch máu thường xảy ra ở người mắc bệnh tiểu đường. Điều này dẫn đến sự giảm lượng máu đến bàn chân. Thiếu máu này khiến các loét bàn chân tiểu đường khó lành và dễ tái phát.
- Nhiễm trùng: Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao hơn bị nhiễm trùng do lượng đường trong máu làm tăng khả năng phát triển của vi khuẩn. Ngay cả một vết thương nhỏ cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng và loét bàn chân hậu quả cuối cùng là phải cắt cụt chi.
- Vết chai chân: Vết chai thường là dấu hiệu đầu tiên của viêm loét bàn chân do tiểu đường. Nếu vết chai trở nên đỏ và đau hoặc da chân thay đổi màu hoặc có dịch tiết có mùi khó chịu, đây thường là dấu hiệu bạn có thể mắc bệnh đái tháo đường.
Biến chứng tiểu đường ở chân biểu hiện như thế nào?
Biểu hiện điển hình mà bệnh nhân đái tháo đường thường trải qua khi gặp biến chứng bàn chân đái tháo đường bao gồm:
- Tê, ngứa, phồng rộp hoặc mất cảm giác ở bàn chân: Bệnh nhân có thể cảm nhận cảm giác lạ hoặc mất cảm giác ở bàn chân.
- Thay đổi sắc tố da, nhiệt độ hoặc cảm thấy đau nhói.
- Các dấu hiệu của nhiễm trùng: Khi nhiễm trùng xảy ra, các dấu hiệu như sốt, ớn lạnh, sốc, tay chân đỏ và khó kiểm soát đường trong máu.
Ngoài ra, biến chứng bàn chân đái tháo đường có thể gây ra những tình trạng nghiêm trọng khác, bao gồm:
- Loét chân: Biến chứng này gây ra sự hoại tử, áp xe, nhiễm trùng da và xương.
- Biến dạng chân: Xương và ngón bàn chân có thể dịch chuyển, thậm chí gãy, gây ra biến dạng chân.
- Cắt cụt chi trong một số trường hợp nghiêm trọng để khắc phục tình trạng tổn thương.
Các biện pháp phòng ngừa biến chứng tiểu đường ở chân
Để phòng ngừa biến chứng bàn chân do tiểu đường, việc chăm sóc đúng cách và thực hiện các biện pháp dự phòng trước khi xảy ra biến chứng là rất quan trọng:
- Rửa và lau khô chân hàng ngày: Mỗi ngày, nên rửa chân sạch bằng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ. Sau đó, lau khô chân kỹ, đặc biệt là ở các kẽ chân, bằng khăn khô.
- Quản lý tốt bệnh tiểu đường: Áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp với việc tập luyện và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát đường huyết ở mức an toàn.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm: Trong trường hợp da chân khô, nên thoa kem dưỡng ẩm nhưng tránh thoa kem vào kẽ ngón chân.
- Kiểm tra bàn chân hàng ngày: Cần kiểm tra bàn chân thường xuyên để phát hiện và xử lý kịp thời các vết loét, tổn thương, mẩn đỏ, mụn nước hoặc các vết chai sạn.
- Kiểm tra móng chân: Kiểm tra móng chân hàng tuần và thường xuyên vệ sinh, cắt móng chân một cách cẩn thận. Hãy cẩn trọng để không cắt quá sâu vào khóe móng, vì điều này có thể gây tổn thương.
- Chăm sóc các vết chai: Sử dụng đá bọt hoặc bảng nhám để chà và làm mịn các vết chai ở chân sau khi tắm xong.
- Vận động chân linh hoạt mỗi ngày: Điều này nhằm tăng tuần hoàn máu tới chân và không nên ngồi bắt chéo chân.
- Sử dụng giày kín mũi, vừa chân: Đi dép hoặc giày được thiết kế kín mũi, vừa vặn chân kết hợp với việc đi tất làm từ chất liệu thoáng và mềm.
- Thay đổi chế độ sống: Cai thuốc lá, rượu bia và chất kích thích. Điều này sẽ cải thiện tình trạng sức khỏe tổng thể.
- Tuân thủ lịch hẹn tái khám: Bệnh nhân cần tuân thủ lịch hẹn kiểm tra định kỳ ngay cả khi không có dấu hiệu bất thường để đảm bảo điều trị kịp thời.
Hy vọng rằng thông qua bài viết này, bạn đã có thêm thông tin hữu ích về biến chứng tiểu đường ở chân. Việc phòng tránh biến chứng này trước khi nó xảy ra rất quan trọng. Vì vậy, hãy thường xuyên tái khám và tuân thủ chặt chẽ liệu trình điều trị để đảm bảo rằng đường huyết của bạn ổn định ở mức an toàn. Điều này không chỉ giúp giảm nguy cơ biến chứng ở bàn chân mà còn giúp giảm nguy cơ các biến chứng khác liên quan đến bệnh tiểu đường, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống của những người mắc căn bệnh này.
Xem thêm: