Bệnh zona thần kinh ở vùng kín là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
Bệnh zona thần kinh xuất hiện dọc theo sự phân bố của dây thần kinh. Phần da bị ảnh hưởng bởi bệnh zona phụ thuộc vào dây thần kinh mà virus hoạt động, do đó nó có thể ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Zona xuất hiện ở vùng kín cũng không phải ngoại lệ, trường hợp xuất hiện zona thần kinh ở vùng kín, việc chẩn đoán có thể khó khăn và dẫn đến sự chậm trễ trong điều trị và giải quyết các biến chứng.
Nguyên nhân gây ra zona thần kinh ở vùng kín
Bệnh zona thần kinh và bệnh thủy đậu đều có nguyên nhân gây bệnh là virus Varicella Zoster (VZV). Hầu hết các trường hợp đã bị thủy đậu thì sẽ có miễn dịch suốt đời vì bệnh có tính miễn nhiễm rất cao. Nhưng virus này tồn tại âm thầm trong thần kinh của bạn, chờ đợi cơ hội thuận lợi để virus tái hoạt động và gây ra bệnh zona thần kinh.
Một số yếu tố khác như suy giảm hệ miễn dịch, căng thẳng, mệt mỏi, tuổi già cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh ở vùng kín.
Triệu chứng của zona thần kinh ở vùng kín
Các triệu chứng của bệnh zona ở vùng kín trải qua các giai đoạn sau:
- Giai đoạn tiền triệu: Thường xuất hiện 2 - 3 ngày trước khi có tổn thương zona, các triệu chứng ban đầu bao gồm đau rát, đau nhói, ngứa ở vùng kín có thể kèm theo triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, đau đầu.
- Giai đoạn triệu chứng: Sau cơn đau và ngứa là phát bạn, bắt đầu bằng những vết sưng đỏ, gờ cao hơn mặt da, hình tròn hoặc bầu dục có thể mọc rải rác hoặc cụm lại thành dải thường xuất ở một bên của vùng kín, dọc theo đường đi của dây thần kinh. Trong vài ngày, vết sưng đỏ trở thành mụn nước chứa đầy dịch, sau đó vỡ ra thành vết loét chợt, thời gian đóng vảy và bong ra thường từ sau 7 đến 10 ngày, lành lại sau 2 đến 4 tuần. Khi phát ban ở vùng kín mất đi, màu da tại đó có thể khác màu với các vùng da khác hoặc có thể để lại sẹo zona thần kinh.
- Giai đoạn đau sau zona: Các nghiên cứu cho thấy, khoảng 1/5 số người mắc bệnh zona sẽ bị đau dây thần kinh sau zona, cơn đau có thể kéo dài tại vị trí phát ban và kéo dài từ vài tháng đến vài năm.
Ngoài ra còn có một số triệu chứng kèm theo như: Sốt, ớn lạnh, buồn nôn, tiêu chảy, yếu cơ,…
Vị trí xuất hiện của zona thần kinh vùng kín cùng với các triệu chứng như ngứa, rát khiến nhiều người rất dễ nhầm lẫn với các nguyên nhân khác như các bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm nhiễm khác tại vùng sinh dục, bị chàm. Khi bệnh nhân có tổn thương mụn nước ở bộ phận sinh dục, hầu hết các bác sĩ đều cần đưa ra những chẩn đoán phân biệt. Vì vậy bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa sớm nhất để được chẩn đoán cũng như điều trị tốt nhất.
Biến chứng của zona thần kinh ở vùng kín
Với tâm lý e ngại và sự nhạy cảm của khu vực này làm cho sự phát hiện bệnh cũng điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn. Bệnh zona thần kinh vùng kín nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách sẽ có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh khác.
Một số biến chứng bao gồm:
- Nhiễm khuẩn da thứ phát do bội nhiễm để lại sẹo xấu ở vùng kín gây tự ti;
- Đau dây thần kinh sau zona là biến chứng phổ biến nhất của bệnh zona;
- Zona ở mắt: Sưng mí mắt, hai mắt dính chặt, đau mắt, đỏ mắt, sẹo giác mạc ảnh hưởng đến thị lực, nặng hơn là có thể dẫn đến mù lòa;
- Ảnh hưởng đến thính giác hoặc thăng bằng;
- Yếu các cơ ở bên vùng bị zona;
- Một số ít trường hợp, bệnh zona có thể lan vào não và tủy sống gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm màng não và đột quỵ.
Cần làm gì để điều trị bệnh zona thần kinh vùng kín?
Việc đầu tiên cần làm là chuẩn đoán chính xác đó có phải là bệnh zona hay không, bạn cần gặp ngay bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị cụ thể. Điều trị bệnh zona thần kinh xuất hiện ở vùng kín liên quan đến kiểm soát cơn đau và chữa lành tổn thương.
Sử dụng thuốc
Thuốc kháng virus: Các loại thuốc có thể sử dụng khi mắc bệnh zona ở vùng kín là: Acyclovir, Valacyclovir, Famciclovir. Thuốc có tác dụng làm chậm tiến trình phát ban của bệnh zona, đặc biệt hiệu quả nếu thời gian dùng thuốc là trong 3 ngày đầu tiên sau khi xuất hiện triệu chứng. Thuốc cũng làm giảm nguy cơ biến chứng của bệnh. Thuốc này có dạng đường uống hoặc bôi ngoài da, bạn sẽ được dùng tùy theo chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng thuốc.
Thuốc giảm đau: Acetaminophen, Ibuprofen cũng được dùng để giảm đau hiệu quả. Các loại thuốc này cũng được dùng để ngăn chặn chứng đau dây thần kinh sau zona.
Một số loại thuốc khác nếu bạn bị đau dữ dội hoặc có tình trạng nhiễm trùng sẽ được các bác sĩ kê đơn. Tuyệt đối không được tự ý dùng như thuốc kháng sinh, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, Gabapentin, Pregabalin, thuốc gây tê,...
Không được bôi hoặc uống bất kỳ loại thuốc truyền miệng dân gian nào khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ
Chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hàng ngày cũng có ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng bệnh. Do đó, cần phải xây dựng được một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý như sau:
- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng: Bổ sung sữa, trái cây, các loại đậu, rau củ quả.
- Uống đủ nước hàng ngày;
- Tắm rửa thường xuyên bằng nước mát giúp giảm ngứa và sạch sẽ, sau khi tắm xong nên giữ cho vùng kín khô thoáng rồi mới mặc quần áo;
- Rửa vùng kín bằng nước muối loãng;
- Tránh ăn những đồ ăn nếp, đồ ăn cay;
- Tuyệt đối không gãi vì có thể để lại sẹo và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn thứ phát;
- Không quan hệ tình dục cho đến khi chữa khỏi bệnh để tránh lây nhiễm cho bạn tình;
- Hạn chế để bản thân bị căng thẳng, stress.
Hy vọng qua bài viết này cung cấp được những thông tin cần thiết về zona thần kinh ở vùng kín và cách điều trị. Bệnh zona thần kinh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu như không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Do đó, bạn cần phải gặp bác sĩ sớm nếu như phát hiện thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường nào để kịp thời chẩn đoán cũng như xử trí một cách an toàn, hiệu quả nhất.
Xem thêm: Zona thần kinh và viêm da tiếp xúc có khác nhau không?