Zona thần kinh: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa


Zona thần kinh là tình trạng nhiễm virus Varicella-Zoster, cùng một virus gây bệnh thủy đậu. Bệnh biểu hiện qua các triệu chứng như đau dữ dội, cảm giác nóng rát, và ngứa. Đây là một bệnh lý liên quan đến thần kinh với các tổn thương da rõ rệt. Bài viết này sẽ khám phá nguyên nhân, các biểu hiện và cách phòng ngừa zona thần kinh.

Những dấu hiệu và triệu chứng của zona thần kinh

Các dấu hiệu và triệu chứng của Zona thường chỉ ảnh hưởng đến một phần cơ thể.

Triệu chứng của bệnh zona thần kinh bao gồm:

  • Đau: Đau là triệu chứng đầu tiên và có thể rất dữ dội, thường xuất hiện trước khi phát ban. Đau có thể nhầm lẫn với các vấn đề về tim.
  • Phát ban: Ban đỏ trên da phát triển thành các bóng nước.
  • Bóng nước: Các bóng nước có thể đau và ngứa, sau đó vỡ ra và tạo thành vảy hoặc vết loét.
  • Nhạy cảm với ánh sáng: Có thể gặp tình trạng sợ ánh sáng.
  • Mệt mỏi: Cảm giác kiệt sức không rõ nguyên nhân.
  • Đau đầu: Các cơn đau đầu có thể xuất hiện cùng với các triệu chứng khác.

Những triệu chứng này là kết quả của việc virus Varicella zoster tái hoạt động, thường ảnh hưởng đến một khu vực cụ thể của cơ thể dọc theo một dây thần kinh

Tim hiểu thêm: Triệu chứng thường gặp của bệnh Zona thần kinh

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh zona thần kinh

Biến chứng phổ biến nhất của bệnh zona là tình trạng đau dây thần kinh kéo dài sau khi mụn nước đã khỏi. Tình trạng này được gọi là đau dây thần kinh sau Zona và xảy ra do các tổn thương thần kinh làm rối loạn sự dẫn truyền cảm giác đau ở vùng cơ thể bị Zona. Đau dây thần kinh sau Zona có thể rất nghiêm trọng và gây cản trở cuộc sống lẫn sinh hoạt hàng ngày.

Bệnh zona ở mặt có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến mắt, bao gồm cả mù lòa. 

Các biến chứng khác hiếm gặp hơn như:

  • Viêm phổi;
  • Vấn đề về thính giác;
  • Viêm não hoặc thậm chí tử vong.

Tìm hiểu thêm: Các biến chứng thường gặp của bệnh Zona

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Những ai có nguy cơ mắc phải zona thần kinh?

Bất cứ ai đã từng mắc bệnh thủy đậu đều có thể bị bệnh zona.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải zona thần kinh

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Zona thần kinh, bao gồm:

  • Tuổi trên 50: Nguy cơ gia tăng theo tuổi.
  • Mắc các bệnh lý suy giảm hệ thống miễn dịch như HIV, ung thư.
  • Đang điều trị với các thuốc hoá trị liệu ung thư hoặc xạ trị liệu pháp.
  • Đang dùng các thuốc chống thải ghép hoặc corticosteroid.

Tìm hiểu thêm: Bệnh zona thần kinh lây như thế nào? Những đối tượng có nguy cơ

Nguyên nhân dẫn đến bệnh zona thần kinh

Nguyên nhân của bệnh zona thần kinh là do virus Varicella zoster, virus gây bệnh thủy đậu. Sau khi một người mắc thủy đậu, virus này có thể nằm ẩn trong các tế bào thần kinh và có thể tái hoạt động nhiều năm sau đó, gây ra zona thần kinh.

Hầu hết mọi người chỉ bị zona một lần trong suốt cuộc đời. 

Những người chưa từng mắc bệnh thủy đậu hoặc chưa bao giờ chủng ngừa bệnh thủy đậu nếu tiếp xúc trực tiếp với chất dịch từ các mụn nước của người bị Zona có thể bị nhiễm varicella zoster virus. Nếu bị nhiễm bệnh, ban đầu người bệnh sẽ bị thủy đậu chứ không phải bệnh zona. Họ có thể bị bệnh zona sau này trong cuộc đời.

Tim hiểu ngay: Nguyên nhân bệnh zona thần kinh tái phát nhiều lần

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của zona thần kinh

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 
  • Che phủ vùng có tổn thương hồng ban mụn nước, tránh chạm hoặc gãi vào vùng phát ban.
  • Rửa tay thường xuyên.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến bệnh đang tiến triển ở những giai đoạn của zona thần kinh nào, và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân mắc zona thần kinh:

  • Vitamin C (tăng cường miễn dịch): Cam, kiwi, ớt chuông, dâu tây, bông cải xanh.
  • Vitamin E (chống oxy hóa): Hạt hướng dương, hạnh nhân, bơ, dầu thực vật.
  • Kẽm (hỗ trợ miễn dịch): Thịt bò, thịt gà, đậu phụ, hạt bí ngô, ngũ cốc nguyên hạt.
  • Axit béo Omega-3 (giảm viêm): Cá hồi, cá mòi, hạt lanh, quả óc chó.
  • Hydrat hóa (hỗ trợ quá trình làm lành mô): Uống đủ 8 cốc nước mỗi ngày.
  • Thực phẩm dễ tiêu hóa: Cháo, súp, sinh tố.
  • Tránh thực phẩm gây viêm: Giảm đường và các sản phẩm từ sữa.

Đây là những khuyến nghị cơ bản để giúp bệnh nhân zona thần kinh hồi phục nhanh chóng và duy trì sức khỏe tốt.

Tìm hiểu thêm: Bị zona thần kinh kiêng gì trong ăn uống và sinh hoạt?

Phương pháp phòng ngừa zona thần kinh hiệu quả

Để phòng ngừa sự lây lan của bệnh zona thần kinh và bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như người xung quanh, người bệnh cần chú ý những điều sau:

Chăm sóc vết thương cẩn thận:

  • Rửa vết thương: Sử dụng nước muối loãng để rửa nhẹ nhàng các vết thương do zona gây ra. Nước muối không chỉ làm sạch vết thương mà còn có tính sát khuẩn, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Đảm bảo rằng dung dịch muối loãng và thực hiện rửa một cách nhẹ nhàng để không làm vỡ các mụn nước.
  • Không gãi hoặc chà xát: Tránh gãi hoặc chà xát vùng da bị ảnh hưởng bởi zona vì điều này có thể làm vỡ các mụn nước và tăng nguy cơ lây lan virus cũng như nhiễm trùng thứ phát.

Giữ gìn vệ sinh cá nhân:

  • Rửa tay thường xuyên: Đảm bảo rửa tay sạch sẽ, đặc biệt là trước và sau khi tiếp xúc với vùng da bị tổn thương để ngăn chặn sự lây lan của virus.
  • Mặc quần áo thoáng mát: Chọn mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, không bó sát vào vùng da tổn thương để tránh gây kích ứng thêm.

Hạn chế tiếp xúc:

Tránh tiếp xúc gần: Cần tránh tiếp xúc gần với phụ nữ mang thai, trẻ em, trẻ sơ sinh thiếu tháng hoặc nhẹ cân, và những người có hệ miễn dịch yếu, bao gồm cả những người chưa từng mắc thủy đậu hoặc chưa được chích ngừa, cho đến khi các triệu chứng của bệnh đã hoàn toàn lành.

Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ:

Tuân thủ chỉ định y tế: Chỉ sử dụng các loại thuốc hoặc kem bôi ngoài da đã được bác sĩ kê đơn hoặc đồng ý sử dụng. Không tự ý mua hoặc sử dụng thuốc mà không có sự đồng ý của bác sĩ để tránh các phản ứng không mong muốn hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Việc phòng bệnh zona thần kinh rất quan trọng, hiện Trung tâm Tiêm chủng Long Châu đã có đặt trước vắc xin Shingrix - Vắc xin được khuyến cáo phòng ngừa bệnh lý Zona thần kinh do chủng Herpes Zoster gây nên. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Xem thêm:

  • Làm thế nào để phân biệt zona thần kinh và giời leo?
  • Người bệnh bị zona bôi thuốc gì nhanh khỏi, hiệu quả nhất?

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán zona thần kinh

Bệnh zona thần kinh chẩn đoán chủ yếu dựa trên lâm sàng của bệnh nhân với biểu hiện đau ở một bên cơ thể, phát ban và mụn nước. Bác sĩ cũng có thể lấy mô hoặc nuôi cấy các mụn nước trong phòng thí nghiệm để xác định virus.

Phương pháp điều trị zona thần kinh hiệu quả

Hiện không có thuốc chữa khỏi bệnh zona nhưng điều trị kịp thời bằng thuốc kháng virus có thể giúp bệnh nhân hồi phục nhanh và giảm nguy cơ biến chứng. Các thuốc kháng virus thường dùng bao gồm: Acyclovir, Famciclovir, Valacyclovir...

Bệnh zona có thể gây đau dữ dội, do đó bác sĩ có thể kê đơn các thuốc giảm đau bao gồm: 

  • Miếng dán tại chỗ Capsaicin.
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng (Amitriptylin), thuốc chống co giật (gabapentin) để điều trị đau do rối loạn các xung động dẫn truyền cảm giác đau ở dây thần kinh.
  • Các thuốc tê như lidocaine dưới dạng kem, gel, thuốc xịt hoặc miếng dán da.
  • Thuốc giảm đau opioid như codeine.
  • Thuốc tiêm bao gồm corticosteroid và thuốc tê tại chỗ.

Xem thêm: Phác đồ điều trị Zona thần kinh hiện nay



Chat with Zalo