Bệnh nhân bị tai biến mạch máu não nặng có khả năng hồi phục không?
Bệnh nhân sau khi trải qua các cơn tai biến thường hứng chịu những di chứng nặng nề như tổn thương kéo dài, tàn tật, nghiêm trọng nhất là tử vong. Vậy khả năng hồi phục của người bị tai biến mạch máu não nặng như thế nào? Cách điều trị tai biến mạch máu não ra sao? Bài viết này sẽ mang đến đầy đủ thông tin để bạn hiểu rõ về căn bệnh tai biến mạch máu não.
Khái quát tình trạng tai biến mạch máu não nặng
Tai biến mạch máu não hay còn được biết đến với một tên gọi khác là đột quỵ não. Đây là tình trạng mạch máu não bị tổn thương, não không được cung cấp đủ máu để nuôi dưỡng, một số chức năng quan trọng bị mất đi. Tình trạng này khá khẩn cấp và cần được chăm sóc, điều trị kịp thời. Nếu được điều trị và khắc phục sớm, não sẽ giảm bớt nguy cơ bị tổn thương cũng như các biến chứng tiềm ẩn khác.
Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não thường gặp là do tắc mạch máu não và vỡ mạch máu não. Trường hợp bị tai biến mạch máu não nặng là các tế bào ở não tổn thương nặng nề dẫn đến hoại tử gây tử vong đột ngột. Ngoài ra, người bệnh vẫn có tình trạng xuất huyết não nặng. Trường hợp này vẫn có thể được kiểm soát và điều trị.
Xét về thể bệnh lâm sàng, tai biến mạch máu não gồm xuất huyết não và nhồi máu não. Các di chứng nặng nề do bệnh để lại là liệt nửa người, ý thức rối loạn, ngôn ngữ rối loạn, thị lực giảm… Tùy vào thể bệnh, vị trí tổn thương não, độ tuổi bệnh nhân mà người bệnh sẽ gặp các biến chứng khác nhau. Ở người trẻ tuổi, nguyên nhân gây đột quỵ não là do vỡ mạch máu não. Ở người lớn tuổi, nguyên nhân gây tai biến mạch máu não là do xơ vữa động mạch bởi tuổi tác, tắc mạch máu não. Người trẻ dễ bị tai biến mạch máu não nặng dẫn đến các di chứng gặp phải cũng nặng nề hơn.
Dấu hiệu để nhận biết tai biến mạch máu não
Việc nhận biết các triệu chứng gây tai biến mạch máu não càng sớm sẽ giúp người bệnh có biện pháp can thiệp kịp thời. Những dấu hiệu cảnh báo người bệnh có nguy cơ bị đột quỵ não bao gồm:
- Cười méo miệng, cơ mặt tê cứng: Dây thần kinh trên cơ mặt bị ảnh hưởng do lượng oxy lên não không đủ. Người bệnh bị tê liệt một phần hoặc một nửa mặt, thậm chí không cử động được cơ mặt. Khi được bác sĩ yêu cầu cười, nụ cười bị lõm so với bình thường, một bên mặt bị xệ.
- Nói lắp, nói không tròn vành rõ chữ, nói ú ớ khó hiểu…
- Suy giảm thị lực, chóng mặt, hoa mắt: Thùy não bộ hoạt động kém do thiếu oxy lên não khiến thị lực bị ảnh hưởng. Nếu bạn cảm thấy mắt bị nhòe, mờ dần thì cần thông báo ngay cho người thân hoặc người xung quanh để được sơ cứu kịp thời. Vì hoa mắt, chóng mặt là hiện tượng bình thường khi không đủ oxy lên não và khá phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Bạn cần kết hợp thêm các biểu hiện khác để đưa ra kết luận chính xác nhất.
- Đau đầu dữ dội, đau từng cơn, mức độ đau tăng theo thời gian. Bệnh nhân gặp dấu hiệu này cần được đưa đến bệnh viện nhanh chóng để tránh tình trạng chết não.
- Đi đứng bất thường, khó thở, nấc cụt.
Bị tai biến mạch máu não nặng có khả năng hồi phục không?
Để trả lời được câu hỏi về khả năng phục hồi của người bị tai biến mạch máu não nặng thì cần xác định được nhiều yếu tố liên quan. Ở những người lớn tuổi hoặc bị tai biến mức độ nặng, khả năng điều trị thành công khá thấp. Nếu được phát hiện từ giai đoạn sớm, người bệnh có khả năng bình phục lên đến 90%.
Ở những bệnh nhân trẻ hơn và bị tai biến nhẹ gây liệt nửa người thì có thể áp dụng một số phương pháp điều trị sau:
- Điều trị nội khoa: Một số loại thuốc hạ huyết áp, thuốc kháng đông, thuốc làm giãn cơ, thuốc điều chỉnh hàm lượng Cholesterol trong máu được chỉ định để trị biến chứng liệt nửa người.
- Vật lý trị liệu phục hồi chức năng: Tùy thuộc vào bệnh nhân bị liệt cứng hay liệt mềm mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp phù hợp. Trường hợp bị liệt mềm thì người bệnh được thực hiện vật lý trị liệu ở khớp khuỷu, khớp cổ tay, khớp vai, khớp ngón tay, khớp háng… bằng phương pháp đóng mở, gấp duỗi các khớp. Trường hợp bị liệt cứng thì người bệnh cần tập luyện nằm ngồi, đi đứng, giữ thăng bằng…
Biện pháp hiệu quả nhất hiện nay để điều trị tai biến mạch máu não là cần kết hợp giữa điều trị nội khoa và vật lý trị liệu nhằm giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng. Sau khi tai biến mạch máu não nhẹ và được phát hiện sớm, điều trị đúng phương pháp thì khả năng hồi phục của người bệnh rất cao. Mặc dù vậy, bệnh nhân tai biến nặng, có nguy cơ dẫn đến tử vong thì việc điều trị vô cùng khó khăn, nguy cơ thất bại cao. Chính vì thế, nếu có triệu chứng nghi ngờ nào dù chỉ là thoáng qua thì bạn vẫn cần đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín. Đội ngũ bác sĩ chuyên khoa sẽ kiểm tra, chẩn đoán bệnh sớm để việc điều trị được thành công.
Biện pháp phục hồi di chứng tai biến mạch máu não
Sau khi bị tai biến mạch máu não, bệnh nhân có thể gặp di chứng ảnh hưởng đến cả thể chất lẫn tinh thần. Điều này sẽ gây đảo lộn cuộc sống của cả người bệnh và gia đình. Biết được phương pháp phục hồi sau khi bị tai biến sẽ giúp tình trạng bệnh được cải thiện hiệu quả.
Liệt là một trong các di chứng phổ biến thường gặp ở bệnh nhân sau tai biến mạch máu não. Có trường hợp bị liệt nửa người, liệt mặt nhưng cũng có người bị liệt toàn thân. Di chứng này sẽ khiến người bệnh bị trầm cảm do luôn mang tâm lý phụ thuộc vào người khác, thấy bản thân trở thành gánh nặng của gia đình, nảy sinh ý nghĩ tiêu cực.
Bên cạnh đó, bị liệt khiến bệnh nhân phải nằm lâu còn dẫn đến nhiều vấn đề khác như viêm phổi, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm hô hấp… Chính vì thế, bệnh nhân cần được thực hiện những bài tập luyện, vận động phù hợp với sức khỏe. Cường độ tập cần tăng dần, từ việc tập cầm nắm đồ vật cho đến đi lại để tốc độ phục hồi nhanh hơn.
Việc quan tâm và biết cách điều trị tai biến mạch máu não là điều hết sức cần thiết để đảm bảo sức khỏe của người bệnh. Mong rằng những chia sẻ trên đã giúp bạn hiểu được khả năng phục hồi cũng như các phương pháp hỗ trợ phục hồi ở bệnh nhân bị tai biến mạch máu não nặng. Nếu có người thân bị tai biến, bạn hãy kiên nhẫn và theo dõi kĩ để phát hiện kịp thời các biến chứng nhằm điều trị đúng cách.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: vinmec.com, hellobacsi.com