Bệnh lý cườm nước có lây không?

Theo các bác sĩ, chuyên gia y khoa, cườm nước là bệnh lý có khả năng di truyền trong gia đình. Vì vậy, chúng ta cần tìm hiểu rõ hơn để biết cách phòng ngừa cũng như điều trị bệnh đạt hiệu quả. Vậy cườm nước có lây không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu bệnh lý này qua bài viết dưới đây nhé!

Thế nào là bệnh cườm nước?

Cườm nước còn gọi là bệnh Glaucoma hay chứng tăng nhãn áp. Khi áp lực trong mắt tăng cao làm dây thần kinh thị giác kết nối mắt với não bị tổn thương. Bệnh lý này có thể dẫn đến mất thị lực hoàn toàn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Mắt bình thường sẽ có dạng một quả cầu, với đường kính khoảng 2 cm, có chứa một loại nước, được gọi là thủy dịch, lưu thông thường xuyên để nuôi dưỡng nhiều bộ phận trong mắt. Sự lưu thông của thủy dịch bao giờ cũng ở trạng thái cân bằng. Dịch này phải được thoát ra khỏi mắt, qua những lỗ nhỏ ở phía trước để trở vào cơ thể. Nếu những lỗ này bị bít hay bị hẹp thì dịch sẽ bị ứ lại, làm tăng áp lực trong mắt (tăng nhãn áp), làm tổn thương thần kinh thị giác, dẫn đến mù lòa.

benh-ly-cuom-nuoc-co-lay-khong-1

Cườm nước xuất hiện phổ biến ở những người với độ tuổi từ 70 đến 80

Bệnh lý cườm nước có lây không?

Cườm nước là bệnh lý không lây truyền từ người sang người. Thế nhưng, bệnh có yếu tố di truyền. Trong gia đình có người mắc bệnh cườm nước thì những người ruột thịt sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 5 - 6 lần. Trong trrường hợp bệnh nhân bị cườm nước cấp tính (thường xuất hiện ở một mắt) thì khi đã phẫu thuật thì có khả năng bệnh lây sang mắt thứ hai sẽ rất cao, vì vậy cần phải được theo dõi thường xuyên.

Ai sẽ là người dễ mắc bệnh cườm nước?

Bệnh cườm nước thường xuất hiện ở những người trên 40 tuổi, nhưng phổ biến nhất là ở người lớn độ tuổi 70 và 80, đặc biệt hơn là ở những phụ nữ thường xuyên căng thẳng, lo nghĩ.

Ngoài ra, bệnh có yếu tố di truyền. Trong gia đình nếu có người mắc bệnh cườm nước thì những người cùng huyết thống sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh gấp 5 - 6 lần.

Bệnh cườm nước không có biểu hiện về nhiễm trùng, với người bệnh là người lớn tuổi dễ nhầm lẫn với hiện tượng lão th. Vì thế, bệnh thường được phát hiện rất muộn, đến khi mắt quá mờ, bệnh nhân mới đi khám thì đã quá muộn vì thần kinh thị giác đã bị tổn thương, lúc đó không còn chức năng phục hồi.

Những triệu chứng thường gặp phải ở bệnh cườm nước

Có 2 dạng cườm nước: Loại tiến triển nhanh (cấp tính) và loại tiến triển âm thầm (mạn tính). Trong trường hợp bệnh nhân bị cườm nước ở một mắt nhưng cũng có người sẽ bị bệnh ở cả hai mắt.

Ở dạng tiến triển cấp tính: Bệnh nhân sẽ cảm thấy nhức nửa đầu, nhức mắt, đôi khi rất dữ dội, có thể sẽ kèm theo nôn mửa, buồn nôn, đau bụng, nhìn thấy các màu giống "cầu vồng", hay mắt đỏ, thị lực giảm sút (nhìn mờ), đồng tử giãn (con ngươi nở lớn), cảm giác căng cứng...

Đối với dạng tiến triển âm thầm: Dạng này thì rất khó để nhận biết, thường bệnh nhân chỉ có cảm giác mắt mỏi, hơi xốn, đôi khi cảm thấy mắt mờ. Cả hai trường hợp mãn tính hoặc cấp tính đều khiến bệnh nhân bị thương tổn thần kinh thị giác. Chính vì vậy, phát hiện bệnh kịp thời là điều vô cùng quan trọng.

benh-ly-cuom-nuoc-co-lay-khong-2

Triệu chứng đỏ mắt khi mắc phải bệnh lý cườm nước

Bệnh cườm nước có thể được phát hiện khi nào?

Một số phương pháp giúp phát hiện bệnh sớm bệnh cườm nước:

  • Khi đo thị lực: Thử nghiệm biểu đồ mắt sẽ giúp đo lường được mức độ nhìn thấy ở những khoảng cách khác nhau.
  • Đo thị trường: Kiểm tra khả năng nhìn ngoại vi giúp bác sĩ xác nhận được triệu chứng mất tầm nhìn ngoại vi – đây là một dấu hiệu của bệnh tăng nhãn áp.
  • Kỹ thuật soi đáy mắt: Bác sĩ sẽ sử dụng một ống kính lúp đặc biệt để kiểm tra thần kinh thị giác và võng mạc để phát hiện các vấn đề về mắt.
  • Đo nhãn áp: Đây là phép đo áp lực bên trong của mắt bằng cách sử dụng một dụng cụ đặc biệt giúp phát hiện bệnh tăng nhãn áp.
  • Kiểm tra giác mạc: Đây là phương pháp đo độ dày của giác mạc.
  • Chụp cắt lớp dây thần kinh (OCT): Kiểm tra phát hiện thương tổn các lớp sợi thần kinh võng mạc và đầu dây thần kinh thị giác.

benh-ly-cuom-nuoc-co-lay-khong-3

Kiểm tra giác mạc để nhận biết bệnh lý cườm nước 

Hy vọng với bài viết trên đây sẽ giúp bạn phần nào bớt lo lắng về vấn đề "Cườm nước có lây không?" Để phát hiện bệnh cườm nước kịp thời, khi mắt có triệu chứng đau nhức, mờ. Bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc, mà hãy đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được các bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm phù hợp và được điều trị bệnh. Với nhóm người trên 40 tuổi (đặc biệt ở phụ nữ) thường xuyên làm việc trong điều kiện căng thẳng tinh thần và tiếp xúc với máy vi tính thì nên khám mắt định kỳ 6 tháng/lần.

 Kim Tuyền 

Nguồn tham khảo: Tổng Hợp 



Chat with Zalo