Bé thụ tinh ống nghiệm có khoẻ mạnh như các bé bình thường không?
Thực tế chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh việc em bé thụ tinh ống nghiệm không bình thường hoặc sức khoẻ kém hơn các bé khác.
Thụ tinh ống nghiệm là gì?
Thụ tinh ống nghiệm là một giải pháp giúp tăng cơ hội có con cho những cặp vợ chồng có vấn đề về vô sinh hiếm muộn. Quy trình phải được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên môn, người đã được đào tạo bài bản cùng với sự hỗ trợ của các trang thiết bị y tế hiện đại.
Quy trình thụ tinh ống nghiệm thường bao gồm phóng noãn, lấy trứng, thụ tinh với trứng, nuôi cấy phôi trong 5 - 7 ngày ở môi trường phòng thí nghiệm và sàng lọc nhiễm sắc thể của phôi. Sau đó chuyển phôi trở lại tử cung của người mẹ.
"Em bé thụ tinh ống nghiệm" là gì?
"Em bé ống nghiệm" là kết quả của kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm IVF. Trong kỹ thuật này, các tế bào trứng và tinh trùng sẽ được thụ tinh bên ngoài cơ thể người mẹ, sau đó qua quá trình chọn lọc mới được cấy trở lại vào tử cung của người phụ nữ và bắt đầu quá trình làm tổ và sau đó là thụ thai. Những em bé sinh ra bằng phương pháp này thường được gọi là “em bé ống nghiệm” hay “em bé thụ tinh ống nghiệm”.
![Bé thụ tinh ống nghiệm có khoẻ mạnh như các bé bình thường không 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/be_thu_tinh_ong_nghiem_co_khoe_manh_nhu_cac_be_binh_thuong_khong_283e7c70f6.jpeg)
Tại Việt Nam, thống kê đã có khoảng 10.000 em bé đã ra đời từ kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm. Đây là phương pháp điều trị hiếm muộn hiệu quả, tỷ lệ thai thành công cũng khá cao, trung bình tại Việt Nam khoảng 40%.
Những ai nên thụ tinh ống nghiệm?
Phương pháp điều trị hỗ trợ sinh sản thụ tinh ống nghiệm với sứ mệnh giúp đỡ những cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc thụ thai. Những người thuộc một trong các nhóm bị vô sinh hiếm muộn bắt nguồn từ những nguyên nhân dưới đây sẽ được chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm:
- Nguyên nhân hiếm muộn đến từ người vợ: Vòi trứng người vợ bị tổn thương, tắc hoặc ứ dịch vòi trứng, lạc nội mạc tử cung, rối loạn phóng noãn sau khi bơm tinh trùng thất bại nhiều lần.
- Nguyên nhân hiếm muộn từ người chồng: Chồng có ít tinh trùng, tinh trùng yếu, dị dạng hoặc không có tinh trùng trong tinh dịch.
- Hiếm muộn không xác định được nguyên nhân và đã bơm tinh trùng nhiều lần nhưng thất bại.
- Vợ chồng được xét nghiệm và ghi nhận bị bất thường di truyền và có khả năng truyền sang con.
- Bệnh nhân điều trị ung thư muốn bảo tồn khả năng sinh sản bằng cách trữ noãn, tinh trùng trước khi tiến hành điều trị bệnh ung thư như hoá trị, xạ trị.
- Người lớn tuổi, thất bại làm tổ nhiều lần.
![Bé thụ tinh ống nghiệm có khoẻ mạnh như các bé bình thường không 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/be_thu_tinh_ong_nghiem_co_khoe_manh_nhu_cac_be_binh_thuong_khong_1_40ad0aa631.jpeg)
Em bé thụ tinh ống nghiệm có bình thường không?
Hầu như các bậc cha mẹ chọn phương pháp thụ tinh ống nghiệm đều có nỗi băn khoăn rằng không biết trẻ sơ sinh được thụ tinh ống nghiệm có được khoẻ mạnh bình thường như các bé được sinh tự nhiên hay không?
Có một vài thông tin không chính thống rằng trẻ em sinh ra thông qua quá trình thụ tinh ống nghiệm sẽ bị một số dị tật bẩm sinh hoặc không khoẻ mạnh. Tuy nhiên không có một bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này là đúng cả.
Trẻ em sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (ICSI) hoặc thụ tinh ngoài vẫn sẽ mạnh mẽ và trưởng thành khỏe mạnh như một đứa trẻ được sinh ra một cách tự nhiên. Ở những bước như tiêm kích rụng trứng, chọc hút trứng đều sẽ được tiến hành cẩn thận với những sản phẩm thuốc và thiết bị đạt chuẩn của bộ y tế. Sau đó, ở quá trình tiến hành thụ tinh ống nghiệm, các bác sĩ có chuyên môn sẽ lựa chọn những trứng và tinh dịch khỏe nhất, hoàn chỉnh nhất để tiêm trực tiếp vào trứng.
Sàng lọc nhiễm sắc thể có sẵn để giảm nguy cơ trẻ mắc hội chứng Down và các bệnh về rối loạn di truyền như thiếu máu, thalassemia... Do đó, nếu các bậc cha mẹ đang tìm hiểu thông tin về thụ tinh ống nghiệm và lo lắng về vấn đề trên thì hoàn toàn có thể yên tâm. Bạn có thể chắc chắn rằng em bé của bạn sẽ được chào đời một cách cứng cáp khỏe mạnh như một đứa trẻ bình thường.
![Bé thụ tinh ống nghiệm có khoẻ mạnh như các bé bình thường không 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/be_thu_tinh_ong_nghiem_co_khoe_manh_nhu_cac_be_binh_thuong_khong_2_d4c07fb24b.jpeg)
Tuy nhiên, những ai mong muốn có con hoặc muốn mang thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia về sinh sản và nuôi cấy phôi để được tư vấn, hướng dẫn một cách tốt nhất và đạt kết quả như mong đợi, tỷ lệ thành công cao hơn và việc chăm sóc sức khỏe sinh sản của cha và mẹ cũng đạt chất lượng cao nhất.
Trên đây là một số thông tin về quá trình thụ tinh ống nghiệm cũng như giải đáp thắc mắc về việc: “Em bé thụ tinh ống nghiệm có bình thường không?” cho các bậc phụ huynh đang có ý định tìm con với sự hỗ trợ của khoa học kĩ thuật hiện đại. Quý đọc giả có thể hoàn toàn yên tâm về sức khỏe của bé, bé sẽ được chào đời một cách mạnh khoẻ và phát triển như các bé được sinh ra theo phương pháp sinh tự nhiên.
Như Nguyễn
Nguồn tham khảo: Tổng hợp