Bé 15 tuần tuổi sẽ phát triển ra sao? Những lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh mẹ cần biết
Sức khỏe trẻ sơ sinh luôn được nhiều người quan tâm và khi bé đã tròn những tuần tuổi đầu tiên, điều các mẹ bỉm lo lắng là tốc độ phát triển của con. Liệu cân nặng, biểu hiện của bé lúc này có bình thường không? Làm sao để con chóng lớn? Với bé 15 tuần tuổi thì thường có đặc điểm gì nổi bật?
Sức khỏe trẻ sơ sinh và những điều cần biết
Khi bé vừa chào đời, mẹ bỉm thường phải nuôi con bằng sữa mẹ, tắm rửa cho bé, thay tã suốt 1 năm đến 2 năm đầu đời. Tuỳ thuộc vào sự phát triển của bé mà có trẻ sẽ ăn dặm sớm, biết đi sớm cũng như hạn chế mặt bỉm. Với những ai lần đầu làm mẹ, chắc chắn sẽ còn nhiều bận tâm về cách chăm sóc và sức khỏe của trẻ. Thực tế từ khi chào đời, dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt của trẻ chủ yếu xoay quanh bú mẹ và ngủ. Trẻ có thể ngủ 16 giờ mỗi ngày. Khi bé thường xuyên tiếp xúc với mẹ và nhiều người, trẻ có xu hướng cười sớm và có khả năng phản ứng với âm thanh một cách linh hoạt.
![Bé 15 tuần tuổi: Đặc điểm phát triển và cách chăm sóc 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/be_15_tuan_tuoi_dac_diem_phat_trien_va_cach_cham_soc_1_d01bf840f5.jpg)
Một số trường hợp trẻ đòi bú nhiều lần trong ngày hoặc cắn mút hay đưa bất kỳ đồ vật gì gần mình vào miệng thì chứng tỏ bé đang có hệ tiêu hoá tốt và phát triển khoẻ mạnh. Các mẹ bỉm thường có thắc mắc liệu bé 5 tuần tuổi, 10 tuần tuổi hay bé 15 tuần tuổi sẽ có đặc điểm phát triển nào và liệu có đáng lo ngại gì khi bé đang chậm và tăng trưởng hơn mức bình thường không. Tuy nhiên không phải quá lo lắng, ví dụ khi bé vệ sinh nhiều lần, một ngày có thể thay bỉm đến 4 hay 6 lần nhưng vẫn bú tốt, cân nặng tăng đều thì có nghĩa bé hấp thu và chuyển hóa dinh dưỡng tốt.
Trong quá trình bé lớn lên, giai đoạn từ 1 tháng tuổi đến 4 tháng tuổi thì trẻ sẽ thường thích giao tiếp bằng mắt với mẹ và phản ứng với âm thanh khá nhạy. Nên mẹ bỉm hãy tiếp xúc với con thường xuyên với ánh mắt trìu mến cũng như trò chuyện cùng con hằng ngày để kích thích bé gia tăng cảm xúc, nhận thức.
Vậy liệu lúc nào ta cần lo lắng và đưa bé đi khám sức khỏe? Đó là khi bé đang gặp một số dấu hiệu sau:
- Vàng da, da không mịn màng.
- Trẻ ngủ li bì, rất khó đánh thức.
- Bỏ bú, ít bú.
- Không đi tiêu trong vòng 48 giờ.
- Trẻ quấy khóc liên tục, khó thở, không tương tác với bất kỳ ai.
Bé 15 tuần tuổi sẽ phát triển ra sao?
Với trẻ đã được 15 tuần tuổi thì lúc này bé đã có khả năng lật úp, biết tương tác và thể hiện cảm xúc với bố mẹ một cách rõ ràng hơn. Bác sĩ cũng khuyến khích hãy đỡ bé dậy thường xuyên, cho bé ngồi thẳng lưng giúp củng cố cơ cổ và cơ bụng. Một số đặc điểm điển hình sẽ gặp khi trẻ đạt 15 tuần tuổi có thể kể đến như:
Mọc răng
Bé lúc này có xu hướng chảy nước dãi nhiều. Đây có thể là giai đoạn bé mọc những chiếc răng đầu tiên và trẻ thường không thể kiểm soát môi và lưỡi để ngăn nước giải chảy ra. Vậy nên hãy chuẩn bị cho bé 1 vài chiếc yếm dài để bé thấm ướt và không phải thay áo quần quá nhiều.
![Bé 15 tuần tuổi: Đặc điểm phát triển và cách chăm sóc 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/be_15_tuan_tuoi_dac_diem_phat_trien_va_cach_cham_soc_2_479453986b.jpg)
Lăn lộn nhiều và biết lẫy
Khi bé 15 tuần tuổi, trẻ thích lăn từ trước ra sau hoặc ngược lại. Lúc này hãy đảm bảo an toàn cho bé và cứ để trẻ hoạt động tự nhiên. Hạn chế nâng đỡ bé quá mức để bé tự biết cách thăng bằng cũng như tự lập hơn. Một số bé bắt đầu biết lẫy vào lúc này, chỉ cần mẹ bé phát ra âm thanh lớn như trách móc do bé nghịch hay ngăn không cho bé làm điều gì, trẻ lập tức khóc và tỏ ý giận dỗi.
Bập bẹ
Tương tự như hoạt động lăn qua lăn lại của trẻ, bé giai đoạn này rất thích bập bẹ. Trẻ thường chỉ mới phát ra một phụ âm hay nguyên âm. Hãy tăng cường tương tác cùng bé để giữ sự khích lệ, giúp bé học thêm nhiều âm thanh mới. Ngoài những biểu hiện kể trên, bạn hãy thường xuyên chú ý đến giấc ngủ, thói quen bú hay đi đại tiện của trẻ, khả năng chú ý của bé để kịp nhận ra những biểu hiện khác biệt để can thiệp cho đúng lúc.
![Bé 15 tuần tuổi: Đặc điểm phát triển và cách chăm sóc 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/be_15_tuan_tuoi_dac_diem_phat_trien_va_cach_cham_soc_3_acc34141ea.jpg)
Những lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh
Vào giai đoạn bé 15 tuần tuổi, bé vẫn sẽ hay bú đêm. Có một số bé sẽ không còn bú đêm khi được 12 tuần tuổi nhưng đa phần tới 15 tuần tuổi bé vẫn sẽ bú 1 - 2 lần mỗi đêm. Tuy nhiên mẹ bỉm hãy giảm dần số lượng bú đêm xuống để bé được tròn giấc cũng như bảo vệ sức khỏe cho người mẹ.
Ngoài ra hãy tăng tương tác với trẻ vào thời gian này. Mẹ bỉm có thể đầu tư một chiếc gương để bé có thể nhìn thấy mình. Lúc này bé cực kỳ hứng thứ và bắt đầu phản xạ với những thứ xung quanh được phản chiếu qua gương. Người mẹ nên thủ thỉ, tâm sự, tạo ra nhiều âm thanh cùng con để gia tăng kết nối, khuyến khích bé thể hiện cảm xúc của mình. Đặc biệt hãy khuyến khích bé tham gia vào những câu chuyện của gia đình, hay bạn bè để trẻ học hỏi nhiều trong các cuộc hội thoại.
Bên cạnh đó với bé đã tròn 15 tuần tuổi thì bé có khả năng cầm nắm bất kỳ đồ chơi nào trong tầm với. Tốt nhất hãy bày trí các vật dễ cầm, vòng nhựa hay cao su, thú nhồi bông để trẻ chơi đùa an toàn.
Trên đây là những chia sẻ về sự phát triển của bé 15 tuần tuổi. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết, bạn hiểu hơn về vấn đề này và chủ động chăm sóc trẻ sơ sinh thật khoa học.