Bài tập giảm tê bì chân tay có thể thực hiện bất kỳ khi nào
Có thể nói tê tay chân là một trong những vấn đề phổ biến làm cuộc sống và công việc bị ảnh hưởng không ít. Vì vậy, người bệnh luôn mong muốn tìm ra những phương pháp điều trị hiệu quả. Một lời khuyên nhỏ là người bị tê tay chân nên thực hiện một số bài tập giảm tê bì chân tay kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý để nhanh khỏi.
Nguyên nhân gây tê bì chân tay
Thực tế có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tê bì chân tay nhưng các bác sĩ đã chia ra 2 nguyên nhân chính đó là tê bì chân tay sinh lý và bệnh lý. Trong đó, đa phần người bệnh bị tê tay chân là do yếu tố sinh lý.
Nguyên nhân sinh lý
Trong cuộc sống hàng ngày, đôi khi bạn vận động sai tư thế dẫn đến tê bì chân tay. Chẳng hạn như quỳ, ngồi, đứng quá lâu, máu không lưu thông được nên có cảm giác ngứa ran, châm chích rất khó chịu.
Ngoài ra, tâm lý căng thẳng, mệt mỏi hay cơ thể nhạy cảm với thay đổi của thời tiết cũng là nguyên nhân khiến người bệnh thường xuyên cảm thấy tê bì chân tay.
Để khắc phục tình trạng này, bạn nên cố gắng sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, thực hiện một số bài tập giảm tê bì chân tay, cân bằng giữa công việc và thư giãn tinh thần. Khi thời tiết thay đổi đột ngột, việc giữ ấm cơ thể và ngâm chân để thư giãn giúp giảm tê tay chân hiệu quả.
Nguyên nhân bệnh lý
Các bác sĩ cho biết tê tay chân cũng là dấu hiệu cho thấy người bệnh đang mắc bệnh lý nào đó. Một trong số đó có thể kể đến như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm hay các bệnh về tim mạch. Vì vậy, bạn không nên chủ quan khi có các triệu chứng tê bì chân tay thường xuyên.
Đôi khi vận động sai tư thế dẫn đến tê bì chân tay
Dấu hiệu của tê bì chân tay
Lúc đầu, các đầu ngón tay và ngón chân có cảm giác tê tê, như có dòng điện đi qua. Thậm chí có người bị chuột rút rất khó chịu. Càng ngày tình trạng tê tay chân tăng lên và xảy ra thường xuyên hơn. Di chuyển ngày càng trở nên khó khăn hoặc không thể cầm đồ vật.
Bài tập giảm tê bì chân tay: Giảm tê tay
Bài tập nắm tay
Đây là bài tập giảm tê tay đơn giản mà bạn có thể thực hiện bất cứ lúc nào. Để đạt hiệu quả tốt nhất, bạn nên tập 2 - 3 lần/ngày. Cách thực hiện:
- Xòe bàn tay và duỗi các ngón tay càng căng càng tốt.
- Từ từ gập từng ngón tay thành nắm đấm. Ngón cái gập vào sau cùng và ở bên ngoài các ngón tay còn lại.
- Lặp lại 10 - 15 lần cho mỗi tay.
Bài tập gập cổ tay
Bạn có thể khởi động tay bằng bài tập này giúp cổ tay linh hoạt hơn. Cách thực hiện:
- Bạn đưa một tay về phía trước.
- Hướng lòng bàn tay vào trong người và gập các ngón tay về phía sàn nhà.
- Tay kia nhẹ nhàng nắm lấy các ngón tay đang hướng xuống dưới và kéo về phía cơ thể sao cho cổ tay được kéo căng hoàn toàn, giữ trong 15 giây.
Bài tập giảm tê bì chân tay giúp cổ tay linh hoạt hơn
Bài tập kéo căng cẳng tay
Bài tập này giúp kéo căng cẳng tay với một vật có trọng lượng, chẳng hạn như một quả tạ. Cách thực hiện:
- Cầm tạ trong tay và duỗi thẳng cánh tay về phía trước, lòng bàn tay hướng xuống.
- Từ từ giơ tay lên và uốn cong cổ tay.
- Lặp lại bài tập này khoảng 10 lần.
Bài tập trượt dây thần kinh giữa
Đây là bài tập có tác dụng cải thiện khả năng vận động của dây thần kinh bị chèn ép. Sau khi thực hiện bài tập này, bạn nên làm mát tay bằng cách chườm lạnh để tránh sưng tấy. Cách thực hiện:
- Lòng bàn tay mở, các ngón tay khép gần nhau duỗi thẳng, ngón cái đưa ra ngoài.
- Uốn bàn tay về phía cẳng tay, dùng tay còn lại ép ngón cái nhẹ xuống dưới.
- Giữ nguyên tư thế trong 3 - 7 giây, sau đó thả ra và lặp lại 10 - 15 lần cả hai tay.
Nắm bóng cao su
Người bệnh có thể giảm tê tay bằng cách nắm bóng cao su mềm, động tác này không những giảm tê tay rất tốt mà còn giúp cơ cổ tay săn chắc hơn. Cách thực hiện:
- Một tay nắm chặt bóng.
- Nhấn và giữ trong 5 giây rồi thả ra.
- Lặp lại động tác 10 lần và thực hiện khoảng 3 lần/ngày.
Bài tập giảm tê bì chân tay: Giảm tê chân
Bài tập căng bắp chân
Cơ bắp chân chạy dọc theo mặt sau của cẳng chân. Để kéo căng cơ bắp chân, bạn có thể làm như sau:
- Chống tay lên tường, cột hoặc ghế để làm điểm tựa.
- Đứng thẳng, hai chân mở rộng bằng vai.
- Từ từ đưa chân trái về phía mông, tay trái nắm lấy mũi chân trái.
- Kéo căng hết mức có thể và giữ tư thế này trong 20 - 30 giây.
- Sau đó đổi chân và thực hiện ít nhất 2 - 3 lần mỗi bên.
Bài tập giãn gân kheo
Gân kheo thường nằm phía sau đùi và kéo dài từ hông đến đầu gối và hoạt động liên tục trong suốt chuyển động của cơ thể. Vì vậy để giúp kéo giãn gân kheo, giảm căng cơ, bạn có thể thực hiện như sau.
- Ngồi trên sàn, chân trái duỗi thẳng, chân phải gấp lại sao cho lòng bàn chân phải chạm đùi trái.
- Ép người về phía trước, giữ thẳng lưng, tay trái nắm vào ngón chân trái.
- Giữ nguyên tư thế ít nhất 30 giây và đổi bên. Lặp lại 2 - 3 lần mỗi chân.
Bài tập mở rộng chân
Đây là bài tập chữa tê chân nhẹ nhàng nhưng hiệu quả đồng thời giúp giảm mỡ đùi rất tốt. Cách thực hiện:
- Đứng cạnh một chiếc ghế hoặc bàn và vịn tay lên ghế.
- Đứng bằng chân phải và bước chân trái sang bên và nâng cao.
- Giữ nguyên trong 5 giây, sau đó hạ chân xuống vị trí ban đầu và lặp lại với chân phải.
- Thực hiện động tác khoảng 10 lần, tối đa 3 hiệp.
Tư thế cánh bướm trong yoga
Một tư thế yoga không thể bỏ qua để giảm tê chân là động tác xếp cánh bướm. Động tác này không chỉ ngăn ngừa tình trạng tê nhức mà còn giúp cải thiện tính linh hoạt ở hông và đùi của bạn. Cách thực hiện:
- Ngồi trên sàn hoặc thảm.
- Khép hai lòng bàn chân lại với nhau sao cho gót chân hướng vào cơ thể.
- Hai tay giữ chặt 10 đầu ngón chân và nhẹ nhàng mở đầu gối sang hai bên.
- Đầu gối lên xuống như cánh bướm, lưng thẳng, vai thả lỏng. Cố gắng mở rộng xương chậu của bạn và ép đầu gối càng gần sàn càng tốt.
Tư thế cánh bướm trong yoga không chỉ giảm tê chân mà cải thiện tính linh hoạt ở hông và đùi
Nhìn chung, thực hiện các bài tập giảm tê bì chân tay trên có thể cải thiện nhanh chóng tình trạng tê tay chân nếu không quá nặng hoặc cấp tính. Tuy nhiên, người bệnh không nên chủ quan vì tình trạng tê bì tay chân có thể cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp thoát vị đĩa đệm,… Tốt hơn hết, nếu bạn bị tê bì tay chân thường xuyên và có các triệu chứng bất thường như chóng mặt, nhức đầu, tiểu không tự chủ trên 4 tuần thì bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt, tránh những biến chứng nặng nề.
Xem thêm:
Cách phòng ngừa và chữa bệnh tê bì chân tay ở người già
Hướng dẫn massage giảm tê mỏi tay cho dân văn phòng
Cao Hiếu
Nguồn tham khảo: Tổng hợp