5 bí quyết phòng ngừa đột quỵ, bảo vệ sức khỏe những ngày Tết

Tết không chỉ là dịp để sum vầy, gặp mặt, tiệc tùng thả ga mà còn là thời điểm giao mùa, trời chuyển lạnh. Có thể nói, đây là thời điểm “vàng” làm tăng nguy cơ đột quỵ. Xem ngay những lời khuyên dưới đây để phòng ngừa đột quỵ, bảo vệ sức khỏe những ngày Tết đang cận kề nhé!

Chế độ ăn uống lành mạnh là bí quyết phòng ngừa đột quỵ

Vào các dịp lễ Tết, nhà nào cũng sẽ tất bật chuẩn bị nhiều món ăn truyền thống hấp dẫn như thịt kho trứng, bánh, mứt… Nhưng việc ăn quá nhiều sẽ khiến huyết áp và hàm lượng cholesterol máu tăng cao, kéo theo tăng nguy cơ đột quỵ. Do đó, nguyên tắc đầu tiên để ngăn ngừa đột quỵ là duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, điển hình như:

  • Hạn chế ăn nhiều chất béo, đặc biệt là mỡ động vật, nội tạng động vật, da gia cầm, thịt nguội, xúc xích, lạp xưởng…
  • Bổ sung thêm nhiều thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau xanh…
  • Chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt để thay thế cho các thực phẩm nhiều tinh bột như cơm trắng, bánh mì trắng. Đây cũng là cách giúp bạn tăng cường chất xơ, khoáng chất.
  • Không nên ăn một món liên tục mà cần đảm bảo đa dạng dinh dưỡng cho mỗi bữa ăn.
  • Giảm muối cho các món ăn hàng ngày, không nên ăn quá 6g (1 muỗng cà phê) muối mỗi ngày.
  • Ưu tiên bổ sung các món ăn từ cá béo giàu omega-3 như cá hồi, cá trích, cá ngừ… vào thực đơn. 
  • Nên bổ sung các thực phẩm giàu kali như chà là, mận khô, chuối, cà chua… cũng được khuyến khích sử dụng nhiều hơn để giữ huyết áp ổn định, phòng tránh đột quỵ xảy ra.
  • Kiểm soát lượng thức ăn nạp vào để tránh tăng cân quá mức trong những ngày Tết cũng là cách để bạn phòng tránh đột quỵ.

5 bí quyết phòng ngừa đột quỵ, bảo vệ sức khỏe những ngày Tết 1

Chế độ ăn uống lành mạnh là bí quyết phòng ngừa đột quỵ

Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên

Một bí quyết giúp phòng ngừa đột quỵ, bảo vệ sức khỏe những ngày Tết đó là duy trì thói quen tập thể dục, nâng cao sức khỏe, ngăn ngừa đột quỵ. Các bác sĩ đã khuyến cáo những người trưởng thành nên dành khoảng 2 giờ 30 phút (150 phút) mỗi tuần để tập các bài tập aerobic đơn giản hay chạy bộ, đi bộ nhanh…

Tuy nhiên, nếu những ngày cận Tết, nhiệt độ xuống thấp như các tỉnh miền Bắc nước ta, người có nguy cơ đột quỵ không nên cố gắng vận động đặc biệt là ngoài trời kể cả việc đi bộ nhanh. Bởi lúc này, cơ thể sẽ “bắt” tim làm việc cật lực hơn để giữ ấm, vô tình làm cho nhịp tim tăng và huyết áp tăng. Từ đó càng làm đột quỵ dễ xảy ra hơn.

Hạn chế uống rượu bia ngày tết là bí quyết phòng ngừa đột quỵ

Ngoài các loại mứt và bánh truyền thống, rượu bia cũng là loại thức uống không thể thiếu trên cả mâm cơm ngày Tết để uống mừng gia đình sum vầy. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều rượu bia sẽ dẫn đến tăng huyết áp và rung nhĩ (tình trạng rối loạn nhịp tim nghiêm trọng) – đều làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Ngoài ra, các loại đồ uống có cồn cũng sẽ gây tăng cân – một yếu tố nguy cơ khác của đột quỵ. Nhìn chung, nếu uống nhiều bia rượu sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ gấp 3 lần. Mặc dù có những bữa tiệc không thể chối từ nhưng bạn cũng nên uống rượu, bia có chừng mực ngày Tết để ngăn ngừa đột quỵ xảy ra.

  • Đàn ông không nên quá 2 cốc rượu mạnh/2 lon bia/2 ly rượu vang mỗi ngày.
  • Phụ nữ chỉ nên uống ở mức một nửa của nam giới.

5 bí quyết phòng ngừa đột quỵ, bảo vệ sức khỏe những ngày Tết 2

Hạn chế uống rượu bia ngày Tết là bí quyết phòng ngừa đột quỵ

Bỏ hút thuốc lá

Hút thuốc lá sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ, Để ngăn ngừa đột quỵ, tốt nhất là bạn không nên hút thuốc lá, thuốc lào dưới mọi hình thức ngay cả khi sống trong môi trường có người thường xuyên hút thuốc. Điều này còn giúp nâng cao sức khỏe, hạn chế nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi và các bệnh về tim khác.

Nhận biết sớm các dấu hiệu để nhanh chóng nhập viện điều trị

Dấu hiệu biểu hiện ban đầu ở mỗi người khi có nguy cơ đột quỵ là khác nhau nhưng chúng đều sẽ xảy ra rất đột ngột. Theo đó, bạn nên ghi nhớ các dấu hiệu đột quỵ theo quy tắc FAST như sau để nhận biết sớm và cấp cứu kịp thời:

  • F (FACE): Khuôn mặt bị xệ xuống một bên, người bệnh có thể không cười được hoặc mắt hay miệng bị sụp xuống.
  • A (ARM): Không nhấc 2 cánh tay lên được hoặc bị yếu, tê cánh tay một bên.
  • S (SPEECH): Người bệnh khó nói, giọng có thể bị ngọng bất thường và cũng khó để nghe hiểu những gì bạn nói.
  • T (TIME): Khi xuất hiện các dấu hiệu kể trên bạn cần nhanh chóng gọi cấp cứu và đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

5 bí quyết phòng ngừa đột quỵ, bảo vệ sức khỏe những ngày Tết 3

Nhận biết sớm các dấu hiệu để nhanh chóng nhập viện điều trị

Nếu bạn sống cùng với người thân có nguy cơ đột quỵ cao như người lớn tuổi, người bệnh cao huyết áp hay đái tháo đường thì nên ghi nhớ những nguyên tắc này. 

Hy vọng bài viết trên đây có thể giúp bạn “bỏ túi” một vài bí quyết phòng ngừa đột quỵ, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, để Tết sum vầy, an vui nhé!

Thủy Phan

Nguồn tham khảo: Tổng hợp



Chat with Zalo